Mô hình kiểm tra “Một cửa, một điểm dừng” (Single Windows Inspection/ Single Stop Inspection– SWI/SSI). Cặp cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) - Densavanh (Lào) đã chính thức triển khai hơn 2 năm.
SWI/SSI là một trong những sáng kiến cải cách thủ tục hành chính mang tính đột phá do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề xuất, lần đầu tiên được áp dụng thí điểm cho cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Densavanh.
Mô hình này được áp dụng đối với tất cả các loại hình xuất nhập khẩu, nhập cảnh. Đây được xem là sự đột phá về cải cách thủ tục được áp dụng chung cho cả 2 quốc gia Việt Nam-Lào, có ý nghĩa tích cực trong thúc đẩy phát triển tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) và kết nối khu vực, góp phần hỗ trợ Lào triển khai chủ trương biến Lào từ một nước không có biển thành nước trung chuyển, cầu nối đất liền trong khu vực.
Đây cũng là “cú hích” để thúc đẩy các nước nằm trên tuyến hành lang EWEC sớm triển khai các cam kết về hợp tác kinh tế và tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại - đầu tư qua biên giới, hướng tới việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.
Theo quy định hiện hành nếu không áp dụng mô hình này, tất cả các loại hàng hóa XNK, hành khách và phương tiện XNC khi đi qua cửa khẩu quốc tế phải dừng hai lần để làm thủ tục – một lần ở nước xuất cảnh, và một lần ở nước nhập cảnh. Thời gian làm thủ tục thường kéo dài do phụ thuộc vào chính sách quản lý của mỗi nước dẫn đến tăng chi phí bốc dỡ hàng hóa, chi phí đi lại của các DN, gây ùn ứ hàng hóa trong giờ cao điểm.
Khắc phục những nhược điểm đó, cơ chế “một điểm một lần dừng” được áp dụng tại cặp cửa khẩu Lao Bảo- Densavanh đã giúp việc xuất nhập khẩu, nhập cảnh được tiến hành nhanh chóng hơn. Theo đó, các đối với hàng hóa XNK, hành khách và phương tiện vận tải XNC chỉ phải dừng một lần làm thủ tục ở cửa khẩu nước nhập. Tại đây, sẽ có cán bộ của hai nước cùng ngồi tiến hành các thủ tục theo quy định.
Việc thực hiện mô hình SWI/SSI đã góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm được chi phí, thời gian di chuyển của hành khách, phương tiện và hàng hóa của chủ hàng. Không những thế, việc làm này cũng giúp minh bạch hóa hoạt động quản lý của các cơ quan chức năng, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước, chống phiền hà, sách nhiễu.
Ngoài ra, khi các cơ quan chức năng hai nước cùng ngồi ở một điểm thực hiện thủ tục ở một địa điểm cũng giúp cho việc trao đổi thông tin, phòng ngừa buôn lậu, gian lận thương mại được kịp thời hơn.
Theo đánh giá của ngành Hải quan, đây là một đột phá trong công tác cải cách thủ tục hải quan. Mô Hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, giảm đáng kể thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh, đáp ứng được yêu cầu quản lý, nhất là trong việc chống buôn lậu, chống thất thu ngân sách, hạn chế và chống các biểu hiện phiền hà, sách nhiễu của nhân viên thực thi công vụ tại cửa khẩu của hai nước.
Thành công bước đầu của mô hình kiểm tra "một cửa một lần dừng' tại cặp cửa khẩu Lao Bảo- Densavanh đánh dấu bước đột phá quan trọng về cải cách thủ tục hành chính trên tuyến đường hành lang kinh tế Đông Tây, được Ngân hàng phát triển Châu Á đánh giá cao.
Những năm gần đây, cửa khẩu Lao Bảo đã đón nhiều đoàn khách nước ngoài, các tổ chức Hải quan trong và ngoài nước đến nghiên cứu học tập kinh nghiệm.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Quảng Trị |
Mặc dù vậy, qua thực tế triển khai, mô hình này vẫn còn bộc lộ một số bất cập, được đánh giá là đã làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, lao động, giao thông vận tải…
Khó khăn hơn nữa là những quy định về lao động, tạm trú, niên hạn sử dụng xe, đổi biển số xe, hoạt động vận tải… giữa hai nước thiếu sự thống nhất gây khó khăn cho các hoạt động xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh…
Đặc biệt, theo mô hình, mặc dù cùng ngồi ở một điểm để làm thủ tục, nhưng mỗi nước lại áp dụng theo quy định riêng của mỗi nước, chưa có một quy chế chung thống nhất. Sự khác biệt trong chính sách điều hành của hai nước là một trong những trở ngại lớn đến việc triển khai mô hình.
"Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ tại cửa khẩu, cơ quan chức của mỗi bên phải ưu tiên áp dụng pháp luật trong nước trước, do đó có khả năng dẫn đến không thực hiện đúng nội dung thỏa thuận. Bên cạnh đó, phí dịch vụ cửa khẩu cao cũng dẫn đến tâm lý các doanh nghiệp muốn chuyển dần qua làm thủ tục tại các cửa khẩu khác như Cha lo, Cầu Treo…" - Báo cáo công tác của Hải quan cửa khẩu Lao Bảo nêu rõ.
Cục Hải quan Quảng Trị hiện đang nỗ lực cùng với các ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để hoàn thiện mô hình.
Chính phủ hai nước Việt - Lào - cũng đã tổ chức cuộc họp giữa hai Ủy ban hợp tác với lãnh đạo UBND các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào tại Hướng Hóa (Quảng Trị).
Tại cuộc họp, hai bên cùng cho rằng, mô hình kiểm tra "Một cửa, một lần dừng" tại cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh những năm qua đã có bước tiến đáng kể, tạo thuận lợi cho DN và nhân dân hai nước. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là sự thay đổi về chính sách liên quan đến thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, lao động, giao thông vận tải từ phía Lào đã gây khó khăn cho người dân và các DN Việt Nam..
Thống nhất tại hội nghị, hai bên đồng ý sẽ kiến nghị Chính phủ Lào xem xét cho các DN Việt Nam được nhập các lô gỗ đã có hợp đồng và chuyển tiền cho các đối tác tại Lào trước ngày Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Lào có hiệu lực. Tháo gỡ các quy định về thủ tục cấp thẻ lao động, giấy tạm trú cho người nước ngoài, vốn pháp định đăng ký kinh doanh. Bãi bỏ quy định cấm phương tiện thô sơ, xe gắn máy của nhân dân khu vực biên giới, xe thùng rỗng qua lại các cửa khẩu.
Hội nghị Kiến nghị Chính phủ hai nước cùng thống nhất quy định về niên hạn sử dụng đối với xe ôtô tải và quản lý chặt chẽ việc cấp, chuyển đổi biển số xe tải hết niên hạn sử dụng từ Việt Nam sang biển số Lào tiếp tục hoạt động gây mất an toàn giao thông. Thống nhất quy trình kiểm tra, quy chế phối hợp giữa các ngành của mỗi bên và hai bên tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh đúng theo mô hình SWI/SSI đã được các bên ký kết. Đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất tại điểm kiểm tra chung theo hướng hiện đại. Xóa bỏ các chốt, trạm kiểm tra trên quốc lộ 9 phía Việt Nam và các chốt trạm từ Lao Bảo đến Savanakhet nhằm làm thông thoáng hoạt động trên Hành lang kinh tế Đông - Tây và cửa khẩu quốc tế cả hai bên. Thống nhất mẫu Giấy phép liên vận Việt - Lào. Tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan rà soát, chấn chỉnh việc thu phí ngoài luồng, gây khó khăn cho DN. Đồng thời, các ngành quản lý tại cửa khẩu của hai bên cần niêm yết công khai các khoản thu và mức thu phí, lệ phí tại khu vực cửa khẩu./.