Một phần của đuôi tàu ngầm San Juan, được phát hiện tại độ sâu 907 m ngoài khơi bán đảo Valdes ở Đại Tây Dương, đã "bị nổ", Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Carlos Aguad cho biết trong cuộc họp báo ngày 17/11.
Hải quân cho biết họ phát hiện các mảnh vỡ dài 11, 13 và 30 m, phần thân tàu bị bẹp nát về phía bên trong. Argentina thừa nhận họ không có công nghệ hiện đại để đưa tàu ngầm về đất liền và chưa quyết định cách xử lý xác tàu. Chính quyền Argentina đưa ra phương án các hình ảnh chụp lại sẽ cho phép biết được điều gì đã xảy ra.
Vào thời điểm tàu biến mất, hải quân cho biết nước đã đi vào ống thông hơi của tàu khiến nó bị đoản mạch. Các cơ quan hạt nhân quốc tế cũng phát hiện hiện tượng dường như là một vụ nổ gần địa điểm cuối xác định vị trí tàu ngầm.
Argentina nhiều khả năng sẽ phải tìm sự trợ giúp từ nước ngoài hoặc thuê các công ty tư nhân để đưa tàu San Juan về bờ. Hoạt động trục vớt được đánh giá là khó khăn và rất tốn kém, do tàu ngầm chìm ở vùng biển xa bờ và có địa hình đáy biển phức tạp.
Chiều 17/11/2018, ngay sau khi quân đội công bố thông tin, gia đình thủy thủ đoàn đã đòi phải trục vớt con tàu này. Với giọng nói nghẹn ngào, cha của một thành viên thủy thủ đoàn chiếc tàu ngầm San Juan đọc tên và cả cấp bậc của 44 thủy thủ đã thiệt mạng. Tất cả đều được trả lời là “có mặt”, để chứng tỏ là người thân của họ vẫn luôn hiện diện bên cạnh họ.
Gia đình của các thủy thủ tụ tập trước căn cứ hải quân Mar del Plata, để hoan nghênh việc đã tìm thấy con tàu và đó cũng là nhờ vào sự đấu tranh của các gia đình. Bởi vì việc tìm kiếm có thể đã bị ngừng lại nếu như họ không duy trì sức ép đối với chính phủ. Tuy nhiên, gia đình các nạn nhân không muốn mọi việc dừng lại ở đây. Vợ của một thủy thủ thiệt mạng nói: “Chúng tôi không chấp nhận chỉ có những hình ảnh. Chúng tôi không muốn các thủy thủ bị bỏ rơi ở biển khơi”.
Trước đó, gia đình các thủy thủ quy trách nhiệm cho Hải quân Argentina không cung cấp đầy đủ thông tin. Thậm chí, mọi người còn nghi ngờ là các điều kiện về an toàn không được bảo đảm trong tình trạng tình trạng quân đội Argentina bị xuống cấp nghiêm trọng, thiếu các trang thiết bị, ngân sách quốc phòng thấp hơn rất nhiều so với các nước láng giềng.
Mời bạn đọc cùng điểm lại một số câu hỏi xung quanh vụ mất tích tầu ngầm San Juan.
Người ta biết gì về chiếc tàu ngầm bị mất tích? Chiếc tàu ngầm San Juan có chiều dài 65m, đường kính 7m, cùng với các tàu Santa Cruz và Salta, nằm trong đội tàu ngầm duy nhất của hải quân Argentina. Do Đức thiết kế chế tạo, chiếc tàu ngầm màu đen này được hạ thủy từ năm 1983. San Juan là tàu ngầm diesel - điện lớp TR-1700 (Santa Cruz) do hãng Thyssen Nordseewerke, Đức, chế tạo.
Tàu trang bị 4 động cơ diesel MTU, 4 máy phát, động cơ điện Siemens cùng 120 khối pin điện, cho phép nó đạt tốc độ tới 46 km/h khi lặn. Tàu được nâng cấp hệ thống động cơ và pin điện tại Brazil trong giai đoạn 1999 - 2001, sau đó được hiện đại hóa trong nước từ năm 2007 - 2013 với mục đích kéo dài tuổi hoạt động thêm 30 năm.
Chuyến ra khơi cuối cùng của tàu San Juan dự kiến kéo dài 35 ngày, bắt đầu từ căn cứ Mar del Plata, thành phố nằm ở vùng đông bắc Argentina làm nhiệm vụ giám sát vùng biển ở cực nam đất nước cách đó 2000km. Sau vài ngày làm nhiệm vụ tàu sẽ trở về cùng với 44 thủy thủ đoàn.
San Juan lẽ ra phải trở về căn cứ ngày 20/11, nhưng đến ngày 15/11 con tàu bỗng nhiên bị mất tích sau lần liên lạc cuối cùng vào lúc 7h30 giờ địa phương. Hải quân Argentina cho biết thuyền trưởng tàu ngầm báo cáo hệ thống ắc quy gặp "sự cố" và xảy ra "chập điện" không lâu trước khi mất liên lạc.
|
Một mảnh vỡ được cho là của San Juan |
Sự cố dạng này được hải quân Argentina coi là bình thường và thủy thủ đoàn không gặp vấn đề nào gây nguy hiểm tính mạng. Sở chỉ huy liên lạc thêm một lần nữa với thuyền trưởng trước khi tàu ngầm mất tích.
Trước khi biến mất, San Juan được yêu cầu quay về căn cứ Mar del Plata do nước tràn qua ống thông hơi vào tàu, khiến một ắc-quy bị đoản mạch. "Họ phải cô lập ắc-quy đó và tiếp tục di chuyển dưới nước về Mar del Plata bằng một ắc-quy khác", Enrique Balbi, người phát ngôn hải quân Argentina, cho biết.
San Juan là tàu ngầm diesel - điện, không phải tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nên thời gian lặn của nó chỉ có giới hạn. Tàu ngầm của Argentina có dự trữ hành trình tối đa tới 70 ngày, nhưng thời gian ở dưới nước liên tục của nó ngắn hơn rất nhiều.
Thông thường tàu ngầm diesel - điện sẽ phải nổi lên sau 24 giờ để bổ sung oxy, chạy động cơ diesel để nạp điện cho ắc quy, cũng như gửi tín hiệu vô tuyến về sở chỉ huy. Tuy nhiên, hải quân Argentina không thu được tín hiệu nào như vậy kể từ khi ARA San Juan mất tích. Tàu ngầm Argentina được trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh khẩn cấp dạng phao nổi. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy thủy thủ đoàn đã triển khai thiết bị này.
Vì sao không phát tín hiệu báo động? Hải quân Argentina cực kỳ thận trọng với các giả thuyết liên quan đến số phận của tàu San Juan. Trong trường hợp bị mất liên lạc, quy trình hoạt động dự trù tàu phải nổi lên mặt nước hoặc phát tín hiệu gặp nạn.
Tàu San Juan có làm như vậy không? Nếu không, tại sao quy trình báo động này không thể thực hiện? Liệu sau khi ắc quy có vấn đề, có phải tàu San Juan đã bị chìm dưới đáy biển là do sai sót vận hành, hay do trục trặc kỹ thuật?
Theo ông Bertran Dumoulin, thuyền trưởng tàu ngầm của hải quân Pháp: “Trên một chiếc tàu ngầm, không thể loại trừ hết nguy hiểm cho dù tàu được trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết”.
Thuyền trưởng Dumoulin giải thích tiếp: “Trong tình huống bình thường, tàu ngầm không liên lạc khi đang ở dưới sâu. Không giống như máy bay, không thể theo dõi tàu ngầm liên tục trong hành trình. Thường thì cứ 2 hay 3 ngày tàu phải nổi lên mặt nước một lần để liên lạc với căn cứ. Trong trường hợp của San Juan, tàu đã không có thao tác liên lạc này vì lý do mà ta chưa biết, các tìm kiếm đã tập trung vào vị trí cuối cùng của tàu mà người ta đã biết hôm bị mất tích”.
Các thủy thủ đã trụ được trong thời gian bao lâu? Khi bị chìm, tàu San Juan có dung lượng dưỡng khí đủ cho 44 thủy thủ trong vòng 7 ngày, 7 đêm. “Nếu tàu nằm dưới đáy, để sống sót thì vỏ tàu phải còn nguyên vẹn, tức là nước không tràn được vào bên trong. Tiếp đó, các thủy thủ phải có khí để thở.
Trên tàu có hệ thống cấp cứu sản xuất oxy đồng thời hấp thụ khí CO2. Khả năng này cho phép duy trì được một số ngày. Kế đó là phải chống lại cái lạnh, thủy thủ đoàn phải đủ quần áo và chăn ấm. Cuối cùng, phải có đủ đồ ăn thức uống để tồn tại”, ông Bertrand Dumoulin nhận định.
|
Người thân cầm chân dung một thủy thủ trong cuộc biểu tình tại một căn cứ hải quân Argentina |
Thực tế, hải quân Argentina đã dừng chiến dịch cứu hộ vào hôm 30/11/2017, thức là 15 ngày sau khi tàu mất tích. Phân tích tín hiệu thủy âm thu được gần nơi tàu ngầm San Juan mất tích, Bruce Rule, cựu chuyên gia của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) nhận định con tàu đã bị áp lực nước nghiền nát ở trong lòng biển sau một tiếng nổ lớn khiến thủy thủ đoàn thiệt mạng ngay lập tức.
Tín hiệu thủy âm này được tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) thu được từ tọa độ 46 độ nam, 59 độ tây chiều 15/11. Theo Rule, đây nhiều khả năng là tiếng động phát ra khi vỏ tàu ARA San Juan bị bóp ở độ sâu 468 m. Tại độ sâu này, mỗi m2 vỏ tàu phải chịu áp lực lên tới 481 tấn, vượt quá khả năng chịu đựng trong thiết kế.
Vào thời điểm vỏ tàu bị hư hỏng, áp suất trong lòng biển biến thành động năng, hình thành dưới dạng những tia nước xuyên qua vỏ tàu. Hứng chịu nguồn năng lượng khổng lồ này, thân tàu San Juan bị ép vỡ chỉ trong 0,04 giây, nhanh gấp đôi tốc độ nhận thức của não người. "Thủy thủ đoàn không chết đuối hay phải chịu đau đớn. Cái chết đến nhanh hơn chớp mắt", ông Rule nhận định.
Kịch bản này có nhiều nét tương đồng với vụ chìm tàu ngầm USS Scorpion của Mỹ hồi năm 1968. Chiếc Scorpion bị nổ pin điện, khiến toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng hoặc bị thương. Vỏ tàu không bị thủng, nhưng việc thiếu lực đẩy từ động cơ cộng với việc không thủy thủ nào còn sức điều khiển khiến USS Scorpion chìm dần, sau đó bị ép vỡ ở độ sâu 466 m.
"Chúng tôi thiếu công nghệ hiện đại để thăm dò đáy biển và trục vớt tàu ngầm ARA San Juan", Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Oscar Aguad phát biểu, chỉ vài giờ sau khi công ty tìm kiếm Ocean Infinity của Mỹ phát hiện xác tàu ngầm. Tuyên bố này khiến người thân của 44 thủy thủ trên tàu San Juan giận dữ.
Nhiều người cho biết sẽ đấu tranh để chính quyền Argentina nhanh chóng trục vớt xác tàu ngầm. Tư lệnh hải quân Argentina Jose Luis Villan kêu gọi "sự thận trọng", cho biết một thẩm phán liên bang đang giám sát cuộc điều tra nguyên nhân chìm tàu và sẽ quyết định trục vớt một phần hoặc toàn bộ xác tàu San Juan.
Argentina nhiều khả năng sẽ phải tìm sự trợ giúp từ nước ngoài hoặc thuê các công ty tư nhân để đưa tàu San Juan về bờ. Hoạt động trục vớt được đánh giá là khó khăn và rất tốn kém, do tàu ngầm chìm ở vùng biển xa bờ và có địa hình đáy biển phức tạp.
"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chiến dịch trục vớt, nhưng hiện tại đang tập trung vào việc chụp ảnh các mảnh vỡ của tàu ngầm", giám đốc điều hành Ocean Infinity Oliver Plunkett cho biết, khẳng định chính quyền Argentina sẽ quyết định bước tiếp theo.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri y nói rằng gia đình những quân nhân trên tàu ngầm không nên cảm thấy đơn độc, cam kết sẽ điều tra toàn diện để tìm hiểu nguyên nhân. Cảnh sát đã khám xét căn cứ hải quân và các tòa nhà khác hồi đầu năm nay, ngay sau khi chính phủ sa thải tư lệnh hải quân Argentina.