Một phút tội lỗi, một đời day dứt: Bài 1: “Phiên tòa” theo suốt cuộc đời nghịch tử sát hại cha

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dường như khi mà xã hội ít nhiều bị ảnh hưởng bởi trào lưu sống gấp, suy nghĩ gấp, quyết định gấp; bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội, tâm lý coi trọng vật chất - hạ thấp tình cảm; thì tội phạm phức tạp hơn. Nhưng có một quy luật không thay đổi; là nỗi tiếc nuối giá như trước khoảnh khắc gây án ta biết bình tĩnh suy xét hơn, biết hít thở sâu nén cơn giận; thì đã không có một phút tội lỗi để rồi vật vã, đau đớn, day dứt suốt phần đời còn lại... PLVN xin khởi đăng loạt bài ghi nhận tại một số trại giam.
Một phạm nhân chia sẻ về những dằn vặt trong những ngày thụ án. (Ảnh: Minh Trang)
Một phạm nhân chia sẻ về những dằn vặt trong những ngày thụ án. (Ảnh: Minh Trang)

Vụ án cha say xỉn, con cũng có hơi men

Mùi Anh Quy (tên các phạm nhân trong loạt bài đã thay đổi, SN 1995, người dân tộc Mường, quê huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La; đang chấp hành án tại Trại giam Yên Hạ) là con út, cũng là con trai duy nhất trong gia đình 4 người con. Nhà nghèo, nên học hết lớp 9, Quy đành bỏ học đi làm, từ phụ hồ, xách vữa, làm công nhân...

Hàng xóm biết chuyện, đánh giá Quy là đứa con biết điều, nhưng bi kịch gia đình bắt nguồn từ tật nghiện rượu của cha Quy. “Từ khi nhận thức được, tôi đã thấy cha ngày nào cũng uống rượu, rồi mang bực tức ở ngoài về trút lên đầu mấy mẹ con”, Quy nói.

Mâu thuẫn gia đình càng căng thẳng khi người cha bị cho là “có mối quan hệ ngoài luồng”. Trong khi người cha thường xuyên say xỉn, chửi mắng, không quan tâm gia đình, thì mẹ Quy được các con đánh giá chỉ chịu đựng. “Mẹ tôi bị bệnh suy tim, than mệt thường xuyên. Mẹ từng có ý định chia tay cha, nhưng vì thương con, e ngại điều tiếng mà bà lại cố gắng chịu đựng”, Quy kể lại.

“Ngày định mệnh” xảy ra vào giữa tháng 7/2013, khi Quy 18 tuổi, đang đi làm thuê tại Hà Nội. Trong một dịp về thăm nhà 4 ngày, Quy cùng mẹ đi làm nương. Về nhà trời đã quá trưa, chưa thấy cha nấu cơm, gọi điện mới biết ông đang đi uống rượu. Mấy mẹ con nấu cơm, đang ngồi ăn cơm thì người cha về, lớn tiếng quát vợ tại sao ông đang uống rượu mà lại gọi điện “quấy rầy”?. Quy khi đó cũng đã uống vài chén rượu, kèm theo nỗi bực tức “chôn” trong lòng từ lâu nên lớn tiếng: “Bố suốt ngày đi uống rượu, việc nhà đầy ra mà không quan tâm gì”. Lời qua tiếng lại, Quy đập bát, xô xát với cha. Cha Quy đến trình báo công an xã, Quy đi theo. Cha Quy nói “mày định lên đây đánh tao à, mày muốn giết thì giết mẹ mày đi”.

Hơi men cùng lửa giận bùng lên, sẵn chiếc dù ở tay, Quy tấn công. Bố Quy cầm một đoạn gỗ tấn công lại, mẹ Quy nhảy vào chắn cho con nên bà hứng trọn cú đánh. Quy chạy vào bếp tìm con dao. Người cha bỏ chạy, Quy đuổi theo rồi phi thẳng hung khí khiến lưỡi dao cắm sâu vào lưng. Nạn nhân tiếp tục chạy được vài bước rồi gục ngã, được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong trước khi nhập viện.

Phải đến khoảnh khắc âm dương cách biệt, cả thủ phạm và nạn nhân mới tỉnh rượu, mới đau đớn nhận ra trên cuộc đời này, có những sai lầm không thể sửa chữa. “Trong khoảnh khắc cha còn thở hấp hối, tôi ôm lấy ông nói lời xin lỗi. Khi đó bố tôi cười và gật đầu, quay lại thều thào với mẹ: “Đừng trách gì con cả!”. Đó là khoảnh khắc ám ảnh, day dứt tôi suốt cuộc đời. Giá như tôi mở lòng thuyết phục ông bỏ rượu, giá như tôi lúc đó cũng không uống rượu, giá như tôi nói với mẹ không hợp với cha thì ly hôn đi còn hơn, giá như tôi biết hít thở sâu kìm lửa giận bốc lên…”, đôi mắt Quy hướng nhìn xa xăm.

Không đêm nào có một giấc ngủ trọn vẹn

Đứng ở góc độ pháp lý, bản án với Quy đã nhận định phía nạn nhân cũng có một phần lỗi, nên HĐXX tuyên bị cáo 18 tuổi mức án 20 năm tù.

Nhưng còn một “phiên tòa” khác, mở hàng ngày, hàng tháng, hàng năm trong tâm trí đứa con vì một phút lửa giận bùng lên, vì hơi men “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” mà mang tội sát hại cha. Những ngày đầu sau khi gây án, những ngày mới vào trại chấp hành án, Quy không đêm nào có một giấc ngủ trọn vẹn. Nỗi ám ảnh thường trực trong đầu, cứ nhắm mắt lại là khoảnh khắc kinh hoàng ấy lại hiện ra trong đầu, giày vò tâm trí.

Sau những năm tháng tự dằn vặt về những tội lỗi mình gây ra, được sự động viên của các cán bộ quản giáo, Quy đã tự vực dậy bản thân mình. Động lực lớn nhất của Quy là mẹ. Quy luôn cố gắng phấn đấu từng ngày để được giảm án nhiều nhất, sớm quay trở về với gia đình và xã hội.

Suốt 11 năm chấp hành án, sau khi nhận thức ra được lỗi lầm, Quy luôn cố gắng cải tạo tốt từng ngày, là một cách chuộc lỗi. Nhận xét về phạm nhân này, Trung tá Nguyễn Chí An (Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ) cho biết: “Phạm nhân Mùi Anh Quy bị phạt 20 năm tù vì tội “Giết người”, đến nay đã chấp hành án được 11 năm. Từ 2014 - 2017, Quy chỉ đạt mức cải tạo Khá, nhưng từ 2018 đến nay, phạm nhân liên tục được xếp loại Tốt. Quy cũng được giao nhiệm vụ Đội trưởng đội phạm nhân và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Từ bản án 20 năm, Quy đã được giảm án 4 lần, tương đương 4 năm. Quy cho biết, nếu tiếp tục học tập, cải tạo tốt, dự kiến ngày 2/9 tới đây, theo quy định, Quy sẽ tiếp tục được giảm án một lần nữa. Mỗi lần được giảm án như vậy, Quy vui mừng không chỉ vì ngày về đã gần hơn, mà còn vì tâm niệm ở một thế giới nào đó, cha Quy cũng sẽ yên lòng. Có những sai lầm không thể sửa chữa như hành vi con sát hại cha, nhưng sai lầm nào cũng có thể được nguôi ngoai khi thủ phạm đã trả giá, đã thành tâm hối cải, đã nhận thức ra được lỗi lầm.

Mẹ Quy giờ đây đã hơn 60 tuổi, mang trong mình nhiều bệnh nền từ suy tim, cao huyết áp, tiểu đường. Thời gian đầu, tháng nào bà cũng vào thăm con, nhưng vì sức khỏe giảm sút, những cuộc thăm hỏi thưa vắng dần. Đến Tết 2024 vừa qua, cơ thể kiệt quệ, bà không thể vào thăm con. Quy lo lắng hơn cho mẹ, càng tự động viên, thúc giục mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. “Mỗi lần gọi điện về, mẹ đều nhắc tôi giữ gìn sức khỏe, cố gắng cải tạo tốt. Tôi cũng luôn hứa với mẹ sẽ cố gắng từng ngày để về sớm nhất với mẹ. Lúc nào tôi cũng nhắc đi nhắc lại mẹ phải giữ sức khỏe, phải đợi đến khi con về”, Quy nói.

Trầm ngâm đúc kết những tháng ngày đã qua trong đời mình, Quy nói: “Tôi đã mất kiểm soát trong cơn tức giận và hơi men, để rồi phải trả giá bằng cả cuộc đời. Sau tội lỗi ấy, tôi đã thay đổi, bình tĩnh, biết suy nghĩ kỹ mọi thứ trước khi hành động”.

Đọc thêm