Sức mạnh cảm hóa trên hành trình cải tạo, hoàn lương: Bài 6: Nữ Đại úy tận tâm xóa mù chữ cho các phạm nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trại giam Phú Sơn 4, nơi đang giam giữ khoảng 6.000 phạm nhân với rất nhiều tội danh và mức án khác nhau, có một lớp học rất đặc biệt. “Học sinh” có người đã bạc đầu, hoàn cảnh số phận khác nhau, nay mới có cơ hội tập đánh vần ê a rồi sau đó vui mừng khi viết xong một bức thư gửi về gia đình...
Đại úy Trang trong lớp học xóa mù chữ (Ảnh: Hà My)
Đại úy Trang trong lớp học xóa mù chữ (Ảnh: Hà My)

Trình độ, kiên nhẫn, tận tâm

Đại úy Ngô Thị Huyền Trang (người phụ trách lớp học, SN 1985, quê Nghệ An) mồ côi cha từ khi 3 tuổi. Mẹ chị vất vả nuôi lớn chị và một người em trai trong những khó khăn, gian khổ. Mẹ chị công tác trong quân đội nên ngay từ nhỏ chị đã có ước mơ sau này tham gia lực lượng vũ trang nhân dân.

Ban đầu, vì không đủ chiều cao nên chị bị loại ở vòng sơ tuyển khi thi vào ngành Công an. Sau đó, chị thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, dạy học ở một trường trung học cơ sở tại huyện Đại Từ. Năm 2007, một lần đi chơi với một người bạn vào thăm anh trai đang cải tạo tại Trại giam Phú Sơn 4, cô gái xao xuyến với một sĩ quan công an công tác tại đây. Hai người thư từ, nhắn tin qua lại rồi nên duyên vợ chồng vào 2009. Chồng chị quê Thái Bình, công tác tại Phân trại số 4 từ 2005 đến 2015 thì chuyển về Phân trại số 2.

Sau khi kết hôn, trong dịp ngành Công an có chương trình tuyển dụng, chị nộp hồ sơ và sau quá trình kiểm tra đã được đứng vào hàng ngũ Công an nhân dân, nhận nhiệm vụ xóa mù chữ cho các phạm nhân.

Nhớ lại những ngày đầu công tác tại Trại giam Phú Sơn 4, Đại úy Trang chia sẻ, khi mới nhận nhiệm vụ vô cùng bỡ ngỡ vì chưa được qua chương trình dạy học cho các phạm nhân bao giờ. Trong khi đó, các phạm nhân mù chữ phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số nên gặp khó khăn trong khâu tiếp cận, tiếp xúc ban đầu.

Ban đầu, các phạm nhân tham gia lớp học vào mỗi thứ Sáu hàng tuần. Vì học không liên tục, thường xuyên, nên có khi buổi học trước buổi học sau học viên đã quên sạch mặt chữ. Có người học 6 tháng vẫn chưa thuộc bảng chữ cái, chỉ có sự kiên nhẫn và tận tâm mới có thể thành công. Ban đầu dạy trên bảng, trên sách, sau này có máy chiếu, quá trình dạy và học trở nên dễ dàng hơn.

“Việc xóa mù chữ có tác động rất lớn đến nhận thức của phạm nhân. Nếu không biết chữ, việc phạm nhân bị tụt hậu lại phía sau trong quá trình cải tạo là điều không thể tránh khỏi. Khi không biết chữ sẽ dẫn đến khó khăn trong tiếp nhận thông tin về công tác giáo dục và thực hiện chế độ chính sách tại trại; khó bắt nhịp lại xã hội sau khi chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, Trại luôn trăn trở phải cố gắng thật nhiều để xóa mù chữ cho càng nhiều phạm nhân càng tốt”, Đại úy Trang nói.

Tháng 5/2023, Sở GD&ĐT Thái Nguyên và Trại giam Phú Sơn 4 đã ký kết chương trình phối hợp tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân giai đoạn 2023 - 2030. Chương trình được thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho phạm nhân; tạo điều kiện cho phạm nhân tiếp cận các loại hình giáo dục phù hợp để sau khi chấp hành án có thể sớm hòa nhập cộng đồng, có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống, trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội.

Đại úy Trang hào hứng kể lại việc những "học trò" của mình vui mừng khi viết xong một lá thư để gửi về cho gia đình (Ảnh: Nguyên Vũ)

Đại úy Trang hào hứng kể lại việc những "học trò" của mình vui mừng khi viết xong một lá thư để gửi về cho gia đình (Ảnh: Nguyên Vũ)

Cuộc đời bước sang trang mới sau khóa học

Tại lớp xóa mù chữ, với phạm nhân chưa thành thạo trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông, sẽ được dành nhiều thời gian, tâm huyết hơn. Với những phạm nhân được xóa mù chữ, quá trình được học là khoảng thời gian rèn thêm ý chí, nghị lực, tìm thấy thêm một nguồn vui ý nghĩa trong cuộc sống.

Đại úy Trang tâm sự, chị thường cảm thấy có lỗi khi chưa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. “Các cháu đã phải chia sẻ với cha mẹ nhiều quá. Công việc chiếm quá nhiều thời gian nên các buổi hoạt động ngoại khóa của con ở trường, vợ chồng tôi đều rất ít khi có thể tham gia. Việc học tập của cả 2 con rất ít khi trao đổi được trực tiếp mà chủ yếu là trao đổi qua điện thoại với giáo viên chủ nhiệm. May mắn thay, các cháu hiểu chuyện, biết tự lập từ nhỏ và luôn chủ động trong học tập”, Đại úy Trang nói.

Đọc lá thư của Hoàng Lý (tên những người từng chấp hành án đã được thay đổi - NV), người từng bị xử phạt 7 năm tù về tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy”, đều thấy bày tỏ sự vui mừng, biết ơn và nhớ cô giáo Trang, người đã giúp cho Lý biết đọc, biết viết, mở ra một chân trời mới. Đại úy Trang nhớ lại, đó là một nữ phạm nhân có tinh thần ham học hỏi, tối nào cũng ngồi học đến khuya và cũng là học trò thường xuyên mang bài ra hỏi cô giáo nhất.

Theo Đại úy Trang, niềm vui của những người dạy học là nhìn thấy những học sinh đặc biệt biết đọc, biết viết. “Khi mới chấp hành án phạt tù, các phạm nhân thường có tâm lý nhớ nhà nên chúng tôi thường xuyên động viên họ cần cố gắng học tập để viết thư gửi về cho gia đình. Phạm nhân nào vẫn còn bỡ ngỡ, viết sai chính tả, chưa thành thạo thì cán bộ sẽ giúp họ sửa lại để có bức thư hoàn chỉnh. Vì vậy, có thể nói lần viết xong lá thư đầu tiên gửi về gia đình, là bước ngoặt cuộc đời của phạm nhân vừa được xóa mù chữ”, Đại úy Trang nói.

Sự cống hiến của Đại úy Trang cho công việc, còn được bổ trợ từ chồng chị. Chồng Đại úy Trang cũng đang quản lý trực tiếp một đội phạm nhân khoảng 10 - 20 người. Khi gặp những phạm nhân có tư tưởng tiêu cực, gia đình không ai quan tâm, nên có những hành vi chống phá, gây mất đoàn kết; thì có khi cả vợ chồng Đại úy Trang cùng bàn cách cảm hóa, gặp gỡ, giáo dục. “Chúng tôi muốn cho phạm nhân hiểu khi đang chấp hành án thì quan trọng nhất là phải phấn đấu để cải tạo tốt, để sớm được trở về, tái hoà nhập cộng đồng”, chị nói. Nhiều ý kiến đánh giá, với những phạm nhân sau khi hoàn thành khóa học xóa mù chữ, cuộc đời họ đã bước sang một trang mới về nhận thức.

Ngoài việc đứng lớp, Đại úy Trang còn luôn tìm tòi, học hỏi, tìm hiểu về các chế độ, chính sách của phạm nhân, tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động của các phạm nhân theo quy định pháp luật.

Năm 2018, Đại úy Ngô Thị Huyền Trang được Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2017 - 2018.

Năm 2019, Đại úy Trang được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” từ 2017 - 2018 góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; được Cục trưởng C10 tặng Giấy khen.

Năm 2020, được Cục trưởng Cục C10 tặng Giấy khen vì đã có thành tích trong công tác phối hợp giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2016 - 2020.

Năm 2021, được Chủ tịch nước tặng Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba.

Năm 2022, được Cục trưởng C10 tặng Giấy khen vì đã có thành tích trong công tác đặc xá năm 2021 góp phần bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Năm 2023, được Cục trưởng C10 tặng Giấy khen vì có thành tích trong công tác đặc xá năm 2022.

(Còn tiếp)

Đọc thêm