Một số bất cập trong quy định xét nâng ngạch công chức

(PLVN) -Thực tế cho thấy, nhiều công chức có thành tích xuất sắc đáp ứng các điều kiện theo qui định nhưng khi xét nâng ngạch thì thành tích đó không nằm trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ.

Một trong những nội dung mới của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, đó là xét nâng ngạch công chức. Theo đó, tại Điều 31 qui định: Công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 30 thì được xét nâng ngạch công chức trong các trường hợp: Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận; Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

Quy định về thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 bao gồm các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo công trạng, thành tích đạt được trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo từng ngạch công chức, cụ thể: … Đối với nâng ngạch từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương: Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương và thành tích đó phải trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ.

Như vậy, để xét nâng từ ngạch Chuyên viên lên ngạch Chuyên viên chính thì thành tích xuất sắc qui định trên phải trong thời gian giữ ngạch Chuyên viên; lên ngạch Kế toán viên chính thì thành tích xuất sắc phải trong thời gian giữ ngạch Kế toán viên; lên ngạch Chấp hành viên trung cấp thì thành tích xuất sắc đó phải trong thời gian giữ ngạch Chấp hành viên sơ cấp... Quy định này giúp cho công chức có thành tích xuất sắc trong công tác có cơ hội được xét nâng ngạch cao hơn, không phải tham gia kỳ thi nâng ngạch, tạo điều kiện để mọi công chức phấn đấu lập thành tích xuất sắc trong công tác, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trên thực tế qui định này vẫn còn rất nhiều bất cập, chưa xem xét toàn diện để ghi nhận đầy đủ thành tích xuất sắc của công chức trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Trên thực tế, để đạt được thành tích trên, công chức phải phấn đấu thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong một thời gian rất dài, có thể 10 năm, 15 năm hoặc 20 năm và thậm chí có thể còn lâu hơn nữa. Với một thời gian dài như vậy, nhưng yêu cầu thành tích xuất sắc đó phải nằm trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ là rất bất cập, không đảm bảo quyền lợi của công chức.

Thực tế cho thấy, nhiều công chức có thành tích xuất sắc đáp ứng các điều kiện theo qui định nhưng khi xét nâng ngạch thì thành tích đó không nằm trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ. Đơn cử, một công chức giữ ngạch Thẩm tra viên có thành tích xuất sắc (theo điểm a, khoản 1 và điểm b khoản 2 điều 31) được công nhận trước năm 2019, đến năm 2020 do yêu công tác luân chuyển cán bộ, công chức phải chuyển sang ngạch tương tương (ngạch Chấp hành viên sơ cấp); năm 2021, lập hồ sơ đề nghị xét nâng lên ngạch Chấp hành viên trung cấp, đối chiếu với qui định thì thành tích không nằm trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ là Chấp hành viên sơ cấp. Có trường hợp thành tích xuất sắc vừa đạt được ở ngạch Thẩm tra viên (được tặng Huân chương Lao động hạng ba năm 2018), năm 2019 chuyển sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp (được công nhận Chiến sỹ thi đua ngành năm 2020), năm 2021 lập hồ sơ đề nghị xét nâng ngạch lên Chấp hành viên trung cấp thì lại toàn bộ thành tích cũng không nằm trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ là Chấp hành viên sơ cấp.

Thành tích xuất sắc đạt được là một quá trình, là kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian rất dài ở tất cả các ngạch, kết quả của năm trước, ngạch công chức trước là cơ sở để được công nhận toàn bộ thành tích nhưng lại không được công nhận để xét nâng ngạch là không phù hợp. Điều đó cho thấy, qui định chưa công bằng, thiếu khách quan và không tạo động lực để công chức phấn đấu lập thành tích, hoàn thành xuất sắc sắc các nhiệm vụ sau này.

Để đảm bảo quyền lợi của công chức, đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ và các Bộ, Ngành có liên quan sớm xem xét có văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất theo hướng: Đối với quy định xét nâng ngạch công chức theo điểm a, khoản 1, Điều 31: Công nhận các đối tượng có thành tích xuất sắc nêu trên thuộc đối tượng được xét nâng ngạch công chức. Thành tích xuất sắc đạt được trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ, công vụ của tất các ngạch công chức tương đương đều được bảo lưu, công nhận trong một thời hạn nhất định, như 10 năm hoặc 15 năm tính từ ngày thành tích được cấp có thẩm quyền công nhận đến khi lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét nâng ngạch công chức. Đối với quy định xét nâng ngạch công chức khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm theo qui định tại điểm b, khoản 1, Điều 31 sớm có hướng dẫn để các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện, sớm khắc phục những bất cập trong công tác cán bộ thời gian qua.

Đọc thêm