Một số mặt hàng nông sản và thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU bị thu hồi, cảnh báo

(PLVN) - Nhiều sản phẩm nông sản và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có mức dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định vừa bị Liên minh châu Âu (EU) thu hồi và cảnh báo.
Doanh nghiệp cần lưu ý tồn dư hóa chất trong sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU.

Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa nhận được 02 Công văn của Bộ Công Thương về việc nông sản và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có mức dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định của Liên minh Châu Âu (EU).

Cụ thể, Công văn số 6195/BCT-AM về việc thu hồi 01 lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng tại Bỉ. Sau khi xuất khẩu lô hàng gạo thơm cao cấp ST12 nhãn hiệu Nữ hoàng vào Bỉ, Doanh nghiệp nhập khẩu là Vinamex Group đã tự tiến hành kiểm tra chất lượng lô gạo theo tham vấn của Cơ quan liên bang về an toàn chuỗi thực phẩm của Bỉ (FASFC).

Kết quả kiểm tra cho thấy lô hàng có mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tricyclazole là 0,017 mg/kg, theo quy định của EU mức dư lượng tối đa cho phép là 0,01 mg/kg. Do vậy, Vinamex Group đã chủ động đăng thông báo thu hồi và yêu cầu khách hàng không tiêu thụ lô sản phẩm này và chuyển về kho để được hoàn tiền.

Với kinh nghiệm xuất khẩu gạo hữu cơ trước đây và hiểu biết về những quy định khắt khe của EU, Vinamex Group đã tự kiểm tra chất lượng lô gạo này hết sức nghiêm túc. Trước khi xuất khẩu lô hàng này vào Bỉ, Vinamex Group đã tiến hành kiểm tra tại Việt Nam và xác nhận sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của EU.

Tuy nhiên, khi lô hàng được nhập khẩu vào thị trường Bỉ, Vinamex Group tự tiến hành kiểm tra chất lượng lô hàng lần nữa thì phát hiện hàm lượng chất tricyclazole vượt quá ngưỡng cho phép của EU.

Việc thu hồi sản phẩm của Vinamex Group xuất phát từ việc chủ động kiểm tra, kiểm soát sản phẩm nhập khẩu. Vì vậy, thông tin thu hồi sản phẩm do nhà nhập khẩu chủ động đăng trên trang của FASFC của Bỉ, sản phẩm này chưa bị đưa vào diện cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Ủy ban châu Âu (RASFF).

Chất tricyclazole là một hoạt chất được sử dụng rộng rãi làm thuốc trừ sâu trong ngành trồng lúa gạo. Đây là hoạt chất nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định giới hạn tối đa dư lượng thuộc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.

Trước đây, EU cho phép mức dư lượng chất tricyclazole tối đa trong gạo nhập khẩu là 1 mg/kg. Kể từ tháng 01/2018, EU đã hạ mức dư lượng tricyclazole tối đa cho phép trong gạo nhập khẩu xuống ngưỡng 0,01 mg/kg. Sau khi áp dụng ngưỡng dư lượng mới, hệ thống RASFF đã đưa ra khoảng 10 cảnh báo đối với sản phẩm gạo từ nhiều quốc gia như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan…

Công văn thứ hai mà Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được là công văn số 6353/BCT-AM về việc cảnh báo dư lượng các chất có hại trong một số nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.

Công văn nêu rõ, Cơ quan y tế Hà Lan phát hiện hóa chất chlorpyrifos ethyl trong lô hàng mướp đắng của Công ty TNHH SAKA SAKA xuất khẩu sang thị trường EU; cơ quan y tế Italia phát hiện chất sulphite không khai báo đối với lô hàng động vật giáp xác và hải sản xuất khẩu của Công ty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Châu (số giấy phép DL154);

Tương tự, cơ quan y tế Tây Ban Nha phát hiện chất cấm Profenofos (ngoài chất chlorpyrifos ethyl) cũng của Công ty TNHH SAKA SAKA.

Cơ quan y tế Na Uy và Pháp trước đó cũng phát hiện các chất nitrofurans (furazolidone) trong lô hàng đùi ếch đông lạnh và chất propargite, fenobucarb trong lô hàng bưởi nhập khẩu từ Việt Nam từ hệ thống cảnh báo RASFF.

Cũng theo thông báo của Bộ Công thương, Bộ Y tế Tây Ban Nha, các cơ quan hữu quan tại các cửa khẩu EU đều đã được thông báo và sẽ nâng cao các biện pháp kiểm dịch đối với các dòng hàng hóa liên quan nhập khẩu từ Việt Nam.

Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý, các doanh nghiệp cần nắm chắc và tuân thủ nghiêm túc các quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa không bị thu hồi, cảnh báo vi phạm, tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Đối với các sản phẩm thủy sản, các đơn vị cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nuôi trồng thủy sản và kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến.

Đối với các sản phẩm gạo, rau quả, trái cây cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về hóa chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, đóng gói; tăng cường truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng…

Đọc thêm