Một số vi phạm trong xây dựng, bất động sản: Đề xuất tăng gấp đôi mức phạt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đây là đề xuất đáng chú ý được Thanh tra Bộ Xây dựng đưa ra tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Cưỡng chế tháo dỡ một công trình không phép tại TP HCM.
Cưỡng chế tháo dỡ một công trình không phép tại TP HCM.

Sau nhiều năm thực hiện, bên cạnh kết quả đạt được, Nghị định 139 bộc lộ một số tồn tại, bất cập như chưa có chế tài xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép với nhà ở riêng lẻ ở nông thôn; thời gian cho phép xin cấp và điều chỉnh giấy phép chưa phù hợp từng loại công trình; chưa điều chỉnh xử lý hành vi vi phạm sau khi đã ban hành quyết định xử phạt… Một số lĩnh vực chế tài xử lý chưa phủ kín; chế tài xử lý với một số vi phạm chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…

Phạt đến 600 triệu với công trình không phép

Thanh tra Bộ Xây dựng là cơ quan được giao xây dựng dự thảo thay thế Nghị định 139. Dự thảo Nghị định gồm 89 điều, 7 chương, 70 nhóm hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là điều chỉnh mức phạt theo hướng tăng 1,5 - 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định 139. Đặc biệt xử phạt tăng nặng với vi phạm về điều chỉnh quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng nhà chung cư.

Theo dự thảo, với vi phạm trật tự xây dựng sẽ xử phạt đến 1 tỷ đồng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm với trường hợp tái phạm.

Dự thảo đã điều chỉnh các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập, điều chỉnh quy hoạch, khảo sát xây dựng, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát, lựa chọn nhà thầu cho đến nghiệm thu, bàn giao công trình vào khai thác sử dụng.

Với hành vi điều chỉnh quy hoạch không phù hợp quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng hoặc điều chỉnh quy hoạch không đúng căn cứ, điều kiện, nguyên tắc, trình tự điều chỉnh, mức xử phạt lên đến 250 triệu đồng (mức phạt hiện tại khoảng 70 triệu đồng). Đồng thời buộc tổ chức vi phạm phải lập lại quy hoạch xây dựng; bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc dừng thi công với công trình xây dựng vi phạm về khởi công, công trình chỉ được tiếp tục thi công xây dựng khi đã được cơ quan thẩm quyền xử lý vi phạm xác nhận đã khắc phục xong vi phạm.

Với nhóm vi phạm quy định về trật tự xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề xuất điều chỉnh theo hướng phân tách hành vi theo quy mô công trình để xử phạt cho phù hợp, đồng thời tăng mức phạt.

Dự thảo nêu rõ phạt tiền đến 300 triệu đồng với hành vi xây dựng công trình không phép, sai phép, sai thiết kế, sai quy hoạch xây dựng (với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư). Phạt tiền đến 600 triệu đồng với hành vi tiếp tục vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hoặc sau khi đã ban hành quyết định xử phạt (mức phạt theo Nghị định 139 là 350 triệu đồng).

Đặc biệt việc tái phạm sẽ bị xử phạt đến 1 tỷ đồng (với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư). Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, trong nhiều trường hợp còn bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Trường hợp tổ chức, cá nhân không khắc phục việc xây dựng sai so với giấy phép xây dựng trong thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm; thì người có thẩm quyền xử phạt đề nghị cơ quan thẩm quyền thu hồi, hủy giấy phép xây dựng và thông báo cho chủ đầu tư, UBND cấp xã nơi có công trình.

Phạt kịch khung với nhiều vi phạm trong kinh doanh bất động sản

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, dự thảo thay thế Nghị định 139 sẽ tăng mức phạt gần kịch khung (800 triệu đồng) với một số hành vi trong kinh doanh bất động sản (BĐS) để đảm bảo tính răn đe.

Cụ thể, trên cơ sở quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, mức xử phạt tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng từ 300 triệu đồng lên đến 1 tỷ đồng (áp dụng với tổ chức).

Một số vi phạm bị đề nghị tăng mức phạt lên đến 600 triệu đồng như kinh doanh BĐS mà BĐS đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định; thu tiền của bên mua, bên thuê mua BĐS hình thành trong tương lai không đúng tiến độ thực hiện dự án hoặc thu vượt tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng theo quy định.

Dự kiến tăng mức phạt lên đến 800 triệu đồng với một số vi phạm của chủ đầu tư liên quan việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án vi phạm trình tự thủ tục quy định; bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ trong dự án đã được phê duyệt; hoặc đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa đảm bảo kết nối với hạ tầng chung của khu vực...

Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh BĐS có thời hạn và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc hoàn trả kinh phí, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy định…

Đọc thêm