Sáng nay (21/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Nguy cơ tham nhũng trong các dự án khu vực đầu tư công là khá lớn
Báo cáo tóm tắt phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc Hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo ông Hải nhiều ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các vấn đề vướng mắc, sửa đổi Luật Đầu tư công toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thống nhất tên gọi của Luật là Luật Đầu tư công (sửa đổi). Một số ý kiến đề nghị nên tập trung vào sửa đổi một số điều cần thiết và lấy tên là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công”.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh quan trọng việc sửa luật này có giải quyết được ách tắc của Luật đầu từ công hiện nay hay không? Theo Chủ tịch Quốc hội trên thực tế có dự án Quốc hội giao vốn rồi thậm chí gần một năm mà Chính phủ chưa triển khai. “Đây là do vấn đề triển khai, trình tự thủ tục nên làm cho rõ. Do đó, bây giờ bất hợp lý chỗ nào thì sửa. Đừng để sửa rồi mà vẫn bất hợp lý khi triển khai”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu.
Đồng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, khi ban hành luật phải đáp ứng thực tiễn các vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư công nổi lên hiện nay. Bà Nga cho biết, qua theo dõi thực tế công tác phòng chống tham nhũng và theo dõi các vụ án thời gian vừa qua, các dự án đầu tư công nổi lên các đặc điểm chính. Đa số các dự án đánh giá chất lượng tốt. Nhưng nổi lên một số dự án thứ nhất là chất lượng xuống cấp rất nhanh, thứ hai là tiến độ chậm, thứ ba là một số vụ án chứng minh rằng thất thoát trong các dự án đầu tư công là lớn.
“Các vụ án xảy ra thời gian vừa qua thấy rất là rõ nguy cơ tham nhũng trong các dự án khu vực đầu tư công là khá lớn. Trong hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương cũng tập trung vào các dự án khu vực đầu tư công. Đây là vấn đề khi sửa Luật này cần hết sức chú ý”, bà Nga nêu quan điểm.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, giữa các dự án đầu tư công và dự án đầu tư tư nhân thấy hai điểm lớn khác nhau là chất lượng và tiến độ. “Các dự án do các tập đoàn lớn thực hiện chất lượng khá tốt. Nhưng chất lượng các dự án đầu tư công có nhiều vấn đề, nhất là các dự án giao thông”, bà Nga nhận xét và cho biết vấn đề về tiến độ chậm cũng cần xem chỗ nào dẫn đến thực trạng này.
Cũng bà theo Nga, Luật Đầu tư công hiện hành có đời sống quá ngắn. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Tờ trình sớm nhất của Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa luật nhưng không được chấp nhận vào tháng 4/2018. Như vậy, vừa hết 3 năm chúng ta đã rục rịch sửa luật rồi. Vì vậy, phạm vi sửa đổi cần cân nhắc.
Bà Lê Thị Nga cho rằng, cần xem xét cái gì đã đáp ứng yêu cầu thực tế và cái gì lỗi do Luật. Do đó, không nhân cơ hội này để đổi tất cả cho luật. “Cái gì vướng mắc trong thực tiễn thì sửa. Nếu phạm vi rộng thì gọi tên là luật sửa đổi còn nếu phạm vi không lớn thì gọi là luật sửa đổi, bổ sung. Phạm vi không quan trọng bằng nội dung”, bà Nga nói.
Dự án đền bù giải phóng mặt bằng không là dự án đầu tư công độc lập
Liên quan đến việc tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là dự án độc lập (Điều 6) cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Là cơ quan đề nghị tách riêng, cơ quan soạn thảo dự án luật lập luận, việc bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng là vấn đề phức tạp. Nếu tách việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại thời điểm trước khi quyết định chủ trương đầu tư sẽ tạo thuận lợi để triển khai dự án ngay sau khi có quyết định đầu tư. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc quy định về dự án bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư công là chưa hợp lý. “Nếu tách riêng công tác này để bố trí vốn đầu tư công có thể sẽ dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng xong không đủ nguồn lực để thực hiện dự án vì không nhìn được tổng thể nhu cầu nguồn lực, hoặc dự án không được phê duyệt, dẫn đến tình trạng “dự án treo”, lãng phí nguồn lực và dễ gây bức xúc trong nhân dân”, ông Hải nói.
Riêng đối với các trường hợp đặc thù, trong quá trình tổ chức thực hiện dự án mà cần thiết phải tách riêng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện trước, căn cứ vào tình hình cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định. “Do đó, đề nghị không quy định dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng là dự án đầu tư công độc lập. Trong trường hợp dự án đặc biệt cần thiết, Chính phủ có thể trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định song Dự thảo luật cần quy định những điều kiện, tính đặc thù của loại dự án này”, ông Hải nói.
Cũng cho ý kiến về các nội dung cụ thể tại Dự án Luật này , đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên quy định dự án đền bù giải phóng mặt bằng là một dự án đầu tư công độc lập. Những trường hợp đặc biệt như dự án Sân bay Long Thành là rất lớn sẽ được Quốc hội quyết định.