Một số vướng mắc trong áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND

(PLO) - Áp dụng các  biện pháp xử lý hành chính (BPXLHC) tại Tòa án nhân dân (TAND) là một vấn đề hoàn toàn mới trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013 (XLVPHC), mang tính đột phá trong pháp luật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đối với công tác quản lý nhà nước, góp phần quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của người chưa thành niên.
Hình chỉ có tính minh họa
Hình chỉ có tính minh họa

Trao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC cho TAND là đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013

Theo điều 102 Hiến pháp 2013 thì “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…”. Theo quy định khoản 2 Điều 105 Luật XLVPHC thì TAND cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (TGD); đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (CSGDBB) và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (CSCNBB).

Việc chuyển giao thẩm quyền quyết định áp dụng các BPXLHC từ Ủy ban nhân dân sang cho TAND là một bước chuyển đổi về chất. Mục đích của việc chuyển đổi này là hướng tới việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, bình đẳng trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, tạo cho các đương sự có nhiều cơ hội để vệ quyền lợi của mình; phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế, đảm bảo các quyền con người, quyền công dân. 

Một số vướng mắc trong thực hiện pháp luật về áp dụng các BPXLHC tại TAND

Sau một thời gian thực hiện, hệ thống pháp luật về các BPXLHC và các văn bản pháp luật khác có liên quan đã bộc lộ một số những vướng mắc cần hoàn thiện, cụ thể như: 

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vàoTGD, đưa vào CSGDBB. Tại khoản 3, khoản 5 Điều 90 Luật XLVPHC quy định điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là “02 lần trở lên trong 06 tháng” có hành vi vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC), có nghĩa là từ lần vi phạm thứ 2 có thể lập hồ sơ áp dụng biện pháp GDTXPTT. Tuy nhiên tại Khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định: “ít nhất hai lần bị XPVPHC đó trong 06 tháng”; Điểm c, đ khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định: “trong 06 tháng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi…”. Tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 48/2014/TT-BCA đã nói rõ: Trong 06 tháng bị XPVPHC 2 lần, nếu còn tiếp tục có hành vi vi phạm hành chính từ lần thứ 3 trở đi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì không ra quyết định xử phạt hành chính tại lần vi phạm này mà lập biên bản vi phạm và lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn…Quy định tại các văn bản trên đang khiến các địa phương lúng túng, chưa có sự thống nhất cả về nhận thức và phối hợp thực hiện.

Thứ hai, Khoản 2 Điều 99 Luật XLVPHC: Trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm do cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào TGD theo quy định tại Điều 92 của Luật XLVPHC thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào TGD đối với người đó. Các đối tượng vi phạm thuộc đối tượng đưa vào CSGDBB theo quy định tại Điều 94 Luật XLVPHC cũng được quy định tương tự như vậy.

Tuy nhiên Nghị định số 02/2014/NĐ-CP, Thông tư số 43/2014/TT- BCA lại không quy định cụ thể việc giao đối tượng bị lập hồ sơ cho gia đình, tổ chức quản lý trong quá trình lập hồ sơ sau khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam (nếu có) thuộc về đơn vị và cấp nào. 

Thứ ba, khoản 2 Điều 118 Luật XLVPHC, quy định trường hợp một người vừa thuộc đối tượng đưa vào CSGDBB vừa thuộc đối tượng đưa vào CSCNBB: Trường hợp người nghiện ma túy thuộc loại côn đồ hung hãn thì áp dụng biện pháp đưa vào CSGDBB. CSGDBB thực hiện việc cai nghiện cho đối tượng này. Tuy nhiên đến nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể thế nào là hành vi côn đồ hung hãn.

Thứ tư, theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Luật XLVPHC thì sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào TGD, đưa vào CSGDBB, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ để đọc hồ sơ, ghi chép nội dung cần thiết. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này trên thực tế cho thấy người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ thường không đến nên cơ quan Công an gặp rất nhiều khó khăn trong công tác lập, hoàn thiện hồ sơ đề nghị, hoặc họ lợi dụng việc được thông báo để bỏ trốn. Đây là một trong những nguyên nhân gây nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa vào TGD, CSGDBB. 

Thứ năm, về phối hợp thực hiện các quy định về biện pháp đưa vào TGD, đưa vào CSGDBB. Hiện nay, việc thực hiện quy định của Luật XLVPHC về biện pháp đưa vào TGD, đưa vào CSGDBB do nhiều cơ quan khác nhau thực hiện vào các giai đoạn khác nhau từ khi lập hồ sơ đề nghị áp dụng đến thi hành các biện pháp này và đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, tổ chức xã hội và các cơ quan. Tuy nhiên, trên thực tế Luật XLVPHC chưa quy định nên việc phối hợp gặp nhiều khó khăn như: công tác phối hợp trong việc kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, việc chuyển hồ sơ xem xét, quyết định. 

Một số giải pháp về hoàn thiện các quy định của pháp luật về áp dụng các BPXLH tại TAND

Một là, hoàn thiện quy trình lập hồ sơ tại cơ quan hành chính

Quy trình lập hồ sơ tại cơ quan hành chính gồm các giai đoạn: lập hồ sơ đề nghị, kiểm tra hồ sơ và chuyển hồ sơ đến Tòa án nhân dân. Về cơ bản, chúng tôi nhận thấy Luật XLVPHC đã quy định chi tiết các giai đoạn của quy trình lập hồ sơ. Tuy nhiên, một số nội dung cần được quy định chi tiết như:

- Xác định độ tuổi của người bị đề nghị áp dụng các BPXLHC

- Xác định thời điểm tiến hành lập hồ sơ đối với đối tượng có hành vi vi phạm 02 lần trở lên trong 6 tháng. 

Theo các Điều 90, 92, 94 Luật XLVPHC, cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được tiến hành khi nào, có nghĩa là các hành vi vi phạm này đã bị xử phạt hành chính hay chưa, vi phạm lần thứ hai đã bị lập hồ sơ hay là vi phạm lần thứ ba mới lập. Theo tác giả, nên quy định rõ những hành vi này trước đó đã bị xử phạt hành chính và chỉ lập hồ sơ khi trong 06 tháng người vi phạm đã bị xử phạt 02 lần mà vẫn tiếp tục vi phạm. 

Hai là,  từng bước hạn chế các đối tượng bị áp dụng BPXLHC tại TAND 

Giảm sự quá tải của Tòa án khi phải xét xử những vụ việc hành chính là một giải pháp có tính chất chiến lược, tiến tới xóa bỏ một số BPXLHC không còn áp dụng phù hợp với đời sống xã hội. 

Biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh áp dụng đối với gái mại dâm và người nghiện ma túy đến nay đã được bãi bỏ khi Quốc hội ban hành Luật XLVPHC thay thế cho Pháp lệnh XLVPHC.

Còn đối tượng là người nghiện ma túy, Luật phòng chống ma túy năm 2000 quy định người nghiện ma túy phải bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (như cai nghiện tại cộng đồng, tại các CSCNBB , không phải là BPXLHC nữa. Về mặt chính sách hình sự, hiện nay nhà nước ta không coi người sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm. Như vậy, nghiện ma túy là một căn bệnh, nhà nước cần có biện pháp giúp họ cai nghiện. 

Đưa vào CSGDBB - một BPXLHC, có thể nói là nghiêm khắc nhất trong các BPXLHC, cũng có thể nghiên cứu loại bỏ, các đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc cần được xử lý theo đúng bản chất vốn có của họ. Như chúng ta đã biết, đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGDBB là những người đã thành niên, có nhân thân phức tạp, phần lớn là lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, nhiều đối tượng đã từng tham gia băng nhóm tội phạm, hoạt động theo kiểu "xã hội đen", có nhiều tiền án, tiền sự hoạt động phạm pháp nhiều lần, chủ yếu là trộm cắp, lừa đảo, cướp tài sản, gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Với nhân thân như vậy mà thực hiện hành vi phạm pháp như trộm cắp, cướp giật tài sản, gây thương tích, gây thương tích, gây rối trật tự công cộng thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự... Theo Bộ luật Hình sự, các tội trộm cắp, lừa đảo, hủy hoại tài sản...tuy chưa đủ định lượng để cấu thành tội phạm nhưng đối tượng đã bị xử lý hành chính hoặc có án tích về các tội chiếm đoạt thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ba là, tăng cường mối quan hệ giữa TAND và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong áp dụng các BPXLHC đối với HVVPPL tại Tòa án

Việc áp dụng các BPXLHC có sự tham gia của nhiều tổ chức, cơ quan, cá nhân với vai trò khác nhau, bao gồm: Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; cơ quan đề nghị như Phòng lao động thương binh và xã hội cấp huyện, Công an huyện, phòng tư pháp cấp huyện; người có trách nhiệm chuyển giao bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác của Tòa án; Pháp luật đã quy định rõ nghĩa vụ của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan từ quy trình xây dựng hồ sơ, thẩm định hồ sơ đến chuyển giao hồ sơ đề nghị áp dụng các BPXLHC tại TAND giải quyết theo thẩm quyền. Vì thế, cần tăng cường mối quan hệ giữa TAND và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong giải quyết áp dụng các BPXLHC, nhưng vẫn phải đảm bảo tính độc lập của từng cơ quan trên cơ sở quy định của pháp luật.

Tóm lại, áp dụng các BPXLHC tại TAND là hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt của Tòa án, nhằm giải quyết đúng đắn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, bảo đảm pháp chế XHCN

Đọc thêm