Trong khi lời khai của bị hại, nhân chứng và các bị cáo mâu thuẫn nhau (khiến việc điều tra bổ sung phải thực hiện gần 20 lần) thì HĐXX sơ thẩm vẫn cho rằng “lời khai của bị hại là phù hợp”.
Cố “gọt chân cho vừa giày”
Theo HĐXX sơ thẩm thì đã có đủ cơ sở để kết luận: khoảng 16h30, tại khu đất tranh chấp ở Gò Chè, bị cáo Thúy đã cầm ống tuýt sắt đuổi, vụt trúng ngón trỏ bàn tay phải của anh Đỗ Đăng Của. Khi anh Của bỏ chạy lên đường thì bị Quý đuổi kịp, đứng đối diện và cầm dao rựa chém 1 nhát trúng vào trán bên phải. Bị Quý chém tiếp 1 phát nữa, anh Của giơ tay lên đỡ thì nhát dao trúng cổ tay phải. Anh Của được xác định bị tổn hại 34,16% sức khỏe do có vết thương rách da vùng trái đỉnh phải và cẳng tay phải.
Các bị cáo liên tục kêu oan không thừa nhận là thủ phạm gây ra các thương tích trên và cho rằng có thể bị hại đã tự ngã ở mương nước (bằng bê tông) tại hiện trường. Tuy nhiên, HĐXX đã bác bỏ lời khai này của bị cáo và chấp nhận lời khai của bị hại về việc đã bị Quý chém 2 nhát.
Đáng nói, tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã thừa nhận, bản thân bị hại cũng có nhiều lời khai khác nhau nên hồ sơ vụ án bị trả đi, trả lại để điều tra bổ sung nhiều lần. Còn chính bị hại Của khi trả lời HĐXX cũng thừa nhận lời khai của mình trong hồ sơ là mâu thuẫn nhau và cho biết: “Lúc đầu, tôi khai bị ông Họp (bố bị cáo Quý- PV) chém vào trán. Sau này, tôi đã thay đổi lời khai là bị Quý chém”.
Không chỉ có lời khai mâu thuẫn về người chém mình, bị hại Của còn “bất nhất” về diễn biến khi bị chém. Anh này thừa nhận tại Tòa rằng: “Lúc thì tôi khai bị chém ở tay trước, ở trán sau. Lúc thì khai bị chém ở trán trước, tay sau…”.
Trong khi đó, nhân chứng Nguyễn Công Long thì khai tại CQĐT rằng, việc anh này khai ra tình tiết nhìn thấy Quý dùng dao chém Của là do “tự suy diễn” hoặc “do anh Của bảo tôi khai và viết tường trình như vậy”. Cuối cùng, anh Long thừa nhận, “không nhìn thấy gì” do “bị khuất mấy kiêu gạch”.
Khai tại CQĐT, nhân chứng Đỗ Đăng Chắt từng cho biết, “Thúy dùng xẻng vụt vào đầu Của” (trong khi Của khai bị Quý dùng dao chém). Lần khác, anh Chắt lại khai “Cẩu quay người lại bị Quý chém 1 nhát vào tay, 1 nhát vào trán” (trong khi Của khai bị Quý chém vào trán trước, vào tay sau).
Lời khai của nhân chứng và bị hại mâu thuẫn như vậy nhưng HĐXX sơ thẩm vẫn đưa ra nhận định rằng, lời khai của bị hại “phù hợp” với lời khai của nhân chứng. Thậm chí, hung khí của vụ án cũng không thu được; CQĐT vẫn không biết con dao được cho là Quý đã dùng để chém người có hình thù, kích thước như thế nào? Con dao này có gây được vết thương rách da dài 7cm trên đỉnh trán phải của bị hại mà không ảnh hưởng đến xương sọ hay không? Còn bị hại được xác định là không có “tổn thương xương sọ”. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm vẫn thản nhiên nhận định, lời khai của bị hại “phù hợp” với hung khí, phù hợp với “kết luận giám định pháp y về thương tích”.
Nhân chứng có được Tòa triệu tập?
Đáng nói là việc HĐXX đưa ra nhận định về việc lời khai “phù hợp” như trên trong một phiên tòa có đến 8/10 nhân chứng vắng mặt. Đặc biệt, hầu hết các các nhân chứng vắng mặt này đều đã từng đưa ra lời khai mâu thuẫn với các lời khai của chính mình và mâu thuẫn với các lời khai khác.
Đáng nói, tại Bản án sơ thẩm số 7A/2007/HSST, HĐXX sơ thẩm đã không hề đề cập đến chuyện vắng mặt hay có mặt của các nhân chứng tại phiên tòa, cũng như việc Tòa đã triệu tập các nhân chứng này ra sao, có triệu tập hợp lệ hay không?
Trình bày trong đơn kháng cáo, đơn kêu cứu, anh Quản Đắc Quý cho biết, 2 nhân chứng có mặt tại tòa (anh Quản Đắc Chế và Quản Đắc Công) cũng không hề nhận được giấy triệu tập của TAND huyện Hoài Đức. Họ đến tòa là do được bị cáo Quản Đắc Quý “thông báo miệng”.
Đáng nói, một số nhân chứng (như ông Đỗ Đăng Trung, ông Quản Đắc Tiến, ông Quảng Đắc Công) và người liên quan là ông Quản Đắc Họp (bố bị cáo Quý) đều có văn bản xác nhận việc họ “không nhận được bất kỳ giấy triệu tập nào của TAND huyện Hoài Đức để dự phiên tòa nào ngày 26/5/2017”. Ông Nguyễn Công Tài (bưu tá xã Vân Côn) cũng xác nhận: “Trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 26/5/2017, tôi không nhận và không phát bất kỳ giấy triệu tập nào của TAND huyện Hoài Đức cho 10 nhân chứng trong vụ án “cố ý gây thương tích” ở thôn Vân Côn”.
Từ căn cứ trên, bị cáo Quý và Thúy đều cho rằng Tòa cấp sơ thẩm đã có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không thông báo hoặc gửi giấy triệu tập dự phiên tòa cho các nhân chứng của vụ án.
CQĐT có Quyết định trưng cầu giám định trước khi biết vụ việc
Luật sư Nguyễn Văn Phương (Cty Luật TNHH BROSS và Cộng sự) có văn bản cho biết, theo Bản kết luận điều tra số 203/PC14 ngày 12/11/2004 của Công an tỉnh Hà Tây (cũ) thì: “Ngày 27/10/2003 Công an huyện Hoài Đức nhận được báo cáo của Công an xã Vân Côn về vụ đánh nhau”. Trong khi đó, Quyết định trưng cầu giám định thương tật của bố con anh Đỗ Đăng Của lại được CQĐT- Công an huyện Hoài Đức ban hành lần lượt vào các ngày 19/8/2003 và ngày 29/9/2003. Như vậy, Quyết định trưng cầu đã được ký trước khi CQĐT biết vụ việc tới cả tháng trời, vi phạm quy định của Bộ luật TTHS. Chính vì vậy, Kết luận giám định thương tích không thể được sử dụng là chứng cứ để giải quyết vụ án.