Mùa dã quỳ trên đỉnh Chư Đăng Ya

(PLO) -Khoảng giữa tháng 11, khi những cơn mưa tạm nhường chỗ cho mùa khô của phố núi cũng là lúc mọi cung đường, núi đồi Tây Nguyên bao phủ bởi sắc vàng dã quỳ. Dã quỳ hoang dại và mãnh liệt. Dã quỳ rực rỡ mà vẫn dịu dàng. Dã quỳ bung nở mời gọi du khách bốn phương. Và dã quỳ càng rạng ngời hơn khi tập trung khoe sắc trên sườn núi Chư Đăng Ya (thuộc xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai), cái tên nổi tiếng mỗi độ dã quỳ nở rộ.
Hoa dã quỳ trên đỉnh Chư Đăng Ya.
Hoa dã quỳ trên đỉnh Chư Đăng Ya.

Sắc vàng trên miệng núi lửa

Nằm cách trung tâm thành phố chừng 30km về hướng Đông Bắc, ngọn núi Chư Đăng Ya là điểm đến lý tưởng cho những người yêu thích khám phá nét đẹp hoang sơ và quyến rũ của vùng đất đại ngàn Gia Lai. Vào mùa mưa, ngọn núi khoác lên mình một màu xanh tươi mơn mởn. Sức sống tràn trề từ những luống khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng khiến cảnh vật nơi đây trở nên tràn trề nhựa sống.

Khi những đóa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ bên sườn núi, cũng chính là thời điểm mùa mưa kết thúc. Mùa khô Tây Nguyên khắc nghiệt là thế, nhưng trên ngọn núi này người ta vẫn nhìn thấy rõ sự sinh sôi mãnh liệt qua hàng vạn đóa dã quỳ bung nở trên sườn núi.

Chư Đăng Ya theo tiếng đồng bào Jrai có nghĩa là “củ gừng dại”. Nơi đây vốn là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động, song vẫn còn nguyên hình phễu của dòng nham thạch phun trào từ lòng đất cách đây hàng triệu năm. Có lẽ, cũng chính đặc trưng ấy đã khiến cho nơi đây được khoác lên mình cái vẻ đẹp hoang dại, kỳ bí quanh năm với 2 gam màu chủ đạo cho 2 mùa: mùa mưa xanh mướt, mùa khô rực rỡ vàng. Chư Đăng Ya ẩn mình giữa bốn bề núi non, âm thầm nhưng đầy sức quyến rũ, mê hoặc lòng người.

Dấu tích của nham thạch qua hàng triệu năm để lại cho Chư Đăng Ya là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, trù phú. Theo những người già trong làng kể lại, vào thời Pháp thuộc, nơi đây từng là đồn điền cà phê bạt ngàn cho ra những hạt cà phê có chất lượng tuyệt hảo. Tuy nhiên, năm 1970, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn đồn điền cà phê. Hiện nay, vùng đất này đã không còn trồng cà phê mà được giao lại cho những người dân trong vùng canh tác các loại cây trồng ngắn ngày như ngô, khoai, dong riềng, bí đỏ.

Điều đặc biệt ở đây là miệng núi lửa không hề có nước. Với địa hình núi cao ghồ ghề, trơn trượt không một ai có thể đem nước lên đây tưới cho các loại cây trồng, nhưng cây trồng ở đây quanh năm xanh tốt mang đến cho người dân những mùa bội thu. Bên cạnh vẻ đẹp rất đỗi đời thường của những luống khoai hay những đám dong riềng, điểm nhấn cho ngọn núi này là sự hòa quyện của những loài hoa, cỏ dại. Mỗi mùa ngọn núi sẽ có những nét đẹp riêng.

Vẻ đẹp say lòng du khách

Đến Chư Đăng Ya vào tháng 11 là thời điểm được cho là đẹp nhất trong năm. Men theo những ngả đường dẫn lên núi, hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ tạo nên nét đẹp đặc trưng cho cả ngọn núi giữa những tháng đầu mùa khô. Có lẽ chẳng có nơi nào hoa dã quỳ mọc nhiều và đồng loạt nở hoa đẹp ở như thế. Một trời vàng rực giữa cái nắng hanh hao lẫn trong làn gió nhẹ đã làm xiêu lòng biết bao lượt người đã từng đặt chân đến nơi đây.

Triền núi phủ sắc vàng dã quỳ.

Triền núi phủ sắc vàng dã quỳ.

Vẻ đẹp mê hoặc lòng du khách dường như cũng chính là niềm tự hào của những người dân nơi đây. Chị H’Yum, một người dân trong làng cho biết: “Mình được sinh ra và lớn lên dưới chân núi Chư Đăng Ya, từ bao mùa qua, mình quen núi, núi cũng quen mình rồi. Người làng này thì còn lạ gì với cảnh vật cây cối nơi đây nữa, nhưng chẳng bao giờ chán núi đâu. Mình đi nhiều nơi rồi nhưng mình vẫn thấy núi mình là đẹp nhất”.

Vẻ đẹp thiên nhiên chẳng giấu riêng cho bất kỳ ai, khi những bông dã quỳ nở rộ khiến Chư Đăng Ya trở nên rực rỡ như một bức tranh hoa, một tuyệt tác của tạo hóa, cũng là lúc du khách khắp nơi tìm đến. Mùa dã quỳ nở rộ chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn (từ 2 - 4 tuần) vậy nên bạn trẻ nào cũng muốn tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp này.

Đặc biệt những ngày cuối tuần, ngay từ sáng sớm, nơi đây đã đón tiếp hàng chục lượt khách, những bông hoa dã quỳ vươn mình đón lấy những giọt sương mai làm bao du khách gần xa thích thú. Chiều tàn trên ngọn núi, những khóm hoa e ấp nép mình dưới ánh chiều cũng là khoảng thời gian du khách vội vàng chớp lấy những khoảnh khắc cuối ngày và ra về trong niềm tiếc nuối.

Chỉ mới đầu mùa, Chư Đăng Ya đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan. Không ít cô dâu, chú rể cũng lên đây để chụp hình cưới, ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của đôi lứa vào đúng mùa dã quỳ. Những hình ảnh ở Chư Đăng Ya vàng rực khắp các trang facebook khi ai cũng muốn khoe thành quả leo núi ngắm cảnh của mình.

Tuy nhiên, sự thiếu ý thức của một số người đã biến bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên thành một bãi rác. Những luống khoai, luống môn của người dân nơi đây trong chốc lát đã trở nên hoang tàn khiến người dân không khỏi xót lòng.

Sau 2 ngày cuối tuần, chai lọ, giấy rác, vỏ lon bia, bát đĩa đựng đồ ăn nhanh... ngổn ngang giữa lối đi nhỏ bé khiến du khách đến sau không biết phải đặt chân lên lối nào để tìm đường lên. Nhiều người đem đồ ăn thức uống lên, trải bạt, tụ tập ăn uống, vui chơi, sau đó vô tư ra về, không hề dọn đống rác thải vừa vứt lăn lóc bên cạnh.

Chưa dừng ở đó, để có những tấm ảnh đẹp, độc đáo giữa những vồng khoai xanh mướt đem về khoe với bạn bè, nhiều du khách đã không ngần ngại lội vào sát những vạt hoa, chạy nhảy, giẩm nát những luống khoai lang mật dưới chân, bẻ những bông hoa dong riềng đỏ để làm “đạo cụ” chụp hình.

Những hành động thiếu ý thức của du khách đến tham quan đã và đang hủy hoại cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng cho Chư Đăng Ya. Nhiều người dân nơi đây bức xúc trước sự việc này nên đã dẫn đến hành động “cấm đường” không cho khách tham quan lên núi.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ Tịch xã Chư Đăng Ya cho biết: “Chúng tôi đã nghe rất nhiều người dân phản ánh về thiệt hại những luống khoai lang, khoai môn, dong riềng… của họ. Bên cạnh đó tôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến của du khách khi họ bị “cấm đường” lên thưởng ngoạn hoa dã quỳ. Thực tế cho thấy, người dân nơi đây họ rất mến khách và yêu cảnh đẹp thiên nhiên, họ cũng rất muốn cảnh đẹp quê hương được nhiều người biết đến. Tuy nhiên trước những thiệt hại lớn liên quan trực tiếp đến tài sản riêng và đời sống của họ thì hành động “cấm đường” của người dân cũng là có lý do chính đáng. Chúng tôi sẽ đề xuất sự việc này lên các cấp chính quyền, có hướng giải quyết tốt nhất để du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng trọn vẹn nét đẹp Chư Đăng Ya trong sự tiếp đón nhiệt tình của người dân nơi đây thay vì giận giữ đuổi khách”./.