Mùa dịch, chủ nhà và người thuê cần lắm sự sẻ chia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, CGV Việt Nam, cụm rạp hàng đầu trong nước vừa có đợt “liên hoàn kiện” đối với các chủ cho thuê mặt bằng. 
Minh họa (Ảnh: Vượng Phát)
Minh họa (Ảnh: Vượng Phát)

Đầu tiên, CGV khởi kiện Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Lapen, đơn vị cho thuê mặt bằng tại CGV Vũng Tàu. Theo nội dung đơn khởi kiện, CGV thuê mặt bằng của Lapen thời hạn 20 năm tính từ năm 2018, tiền thuê và phí dịch vụ là hơn 413 triệu/tháng.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện hợp đồng, từ năm 2020, tình hình kinh doanh của CGV rơi vào khó khăn vì dịch bệnh bùng phát, lượng phim sản xuất hiếm hoi, rạp vắng khách và phải đóng cửa nhiều đợt do giãn cách. 

CGV yêu cầu Lapen điều chỉnh lại hợp đồng thuê nhà sao cho có thể “trụ” được trong giai đoạn khó khăn trước mắt. Vì đơn vị cho thuê không đồng ý, CGV đã khởi kiện ra tòa yêu cầu được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không phải bồi thường và được nhận lại khoản tiền cọc. Tiếp đó, CGV cũng tiếp tục khởi kiện một đơn vị cho thuê mặt bằng khác ở TP HCM với nguyên do tương tự. 

Không rầm rộ như vụ kiện của CGV và các đơn vị cho thuê mặt bằng, nhưng thời gian qua, tại các thành phố lớn đã xảy không ít vụ tranh chấp giữa chủ nhà và người thuê, hầu hết xoay quanh câu chuyện hủy hợp đồng hoặc yêu cầu giảm giá thuê trong mùa dịch. 

Anh Nguyễn Văn Cân, chủ một quán cà phê khu vực Phan Xích Long chia sẻ: “Tôi thuê mặt bằng giá 30 triệu/ tháng từ đầu năm 2019. Doanh thu 2019 trung bình là 90 triệu/tháng, trừ phí mặt bằng, nhân công và nguyên liệu, tôi còn có lợi nhuận đủ sống. Nhưng mùa dịch năm 2020, nửa năm đầu doanh thu giảm còn chưa đến 1/2 năm 2019, làm ra không đủ chi nên tôi có năn nỉ chủ nhà cố gắng giảm tiền nhà còn 20 triệu/tháng cho tôi trụ được qua đợt ấy, chủ nhà không chịu, nhất quyết lấy đủ tiền, đúng ngày. Cuối năm 2020, số tiền bù lỗ hàng tháng quá lớn nên tôi chấp nhận bỏ cọc, dẹp quán để cắt lỗ”.

Giữa tình hình dịch bệnh, cửa hàng dẹp tiệm, phá sản nhiều. Nhiều người thuê mặt bằng vẫn than thở giá thuê cao, chủ nhà nhất quyết không hạ giá. Ở góc độ chủ nhà, ông Trương Văn Tuấn, chủ một mặt bằng chuyên cho các showroom thuê ở đường Cách Mạng Tháng 8 chia sẻ, chủ nhà cũng có cái khó của chủ nhà. Trong giai đoạn dịch, nhiều người thuê đòi hỏi mức giảm giá quá nhiều, thậm chí giảm còn 1/2 số tiền cũ và kí thời hạn 1 năm, 3 năm, như vậy gây khó cho chủ  nhà, làm “thất thu” không nhỏ.  

Quay lại câu chuyện CGV khởi kiện các chủ nhà, theo đơn kiện, căn cứ mà CGV dựa vào là “tình huống khó khăn khách quan”. Chưa biết CGV có thắng kiện hay không nhưng đây sẽ là một tiền lệ mà nhiều người kinh doanh “trông vào” để giải quyết tình trạng bế tắc của mình.

Những tình huống như trên xảy ra có một phần nguyên nhân từ ảnh hưởng của dịch, nhưng nói cho cùng cũng do sự thiếu cảm thông, chưa tìm được tiếng nói chung giữa người thuê và chủ nhà. Vẫn có những hành xử đẹp từ chủ nhà và người thuê để cùng “dìu” nhau qua khó khăn như nhiều chủ nhà trọ khu Gò Vấp, Bình Tân không những giảm tiền nhà cho công nhân, sinh viên mà còn tặng quà cho người thuê gặp khó khăn. Một loạt chủ khu nhà trọ ở Bình Chánh còn giảm 100% tiền nhà trong giai đoạn đỉnh điểm giãn cách năm ngoái cho công nhân. Ngược lại, cũng có không ít người thuê mặt bằng chủ động tìm cách vượt khó, hỗ trợ chủ nhà và có những cam kết đường dài để “bù đắp” thiệt hại cho chủ nhà, chủ mặt bằng sau khi qua giai đoạn khó khăn...

Có thể thấy, nếu chủ nhà và người thuê có thể cảm thông, chia sẻ với nhau, cái lợi sẽ thuộc về đôi bên. Đó không chỉ là văn hóa ứng xử hợp tình, hợp lý trong mùa dịch mà còn là phương châm kinh doanh nên có trong mọi thời điểm để cùng tồn tại, phát triển bền vững.

Đọc thêm