Mùa đông người bị đột quỵ gia tăng: Sở Y tế Hà Nội yêu cầu chống rét cho bệnh nhân

(PLVN) - Từ đầu mùa đông đến nay nhiệt độ giảm mạnh khiến số người bị đột quỵ gia tăng. Chỉ tính riêng trong hai ngày 7 và 8/12, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận điều trị cho gần 20 bệnh nhân nhập viện do đột quỵ. Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện của thành phố chuẩn bị đầy đủ phương tiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đột quỵ gia tăng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đột quỵ là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng tổn thương não (thường là khu trú), tồn tại trên 24 giờ hoặc bệnh nhân tử vong trước 24 giờ. Những triệu chứng thần kinh khu trú phụ thuộc vào vùng não bị tổn thương, loại trừ nguyên nhân chấn thương.

Đột quỵ là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu hiện nay. Ước tính, ở nước ta mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trong đó, hơn 50% người bệnh tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.

Nhiều người cho rằng, đột quỵ chỉ xảy ra ở những người trung niên và cao tuổi, tuy nhiên đó là suy nghĩ sai lầm vì bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị đột quỵ. Đặc biệt, ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh này. Bệnh xảy ra đột ngột khi dòng máu cung cấp lên não bị ngưng trệ do vỡ hoặc tắc mạch máu, do đó rất khó để kiểm soát. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ đột quỵ có thể kể đến như: Bệnh lý tim mạch, cholesterol cao, tăng huyết áp, stress kéo dài, đái tháo đường, nhiệt độ thay đổi đột ngột,...

Một nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Đại học Jena ở Thuringia, miền trung nước Đức, thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 30%.  Nguy cơ này xuất hiện tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, trong những tháng mùa đông, số lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện được ghi nhận tăng 10-15% so với ngày thường.

Người ta nhận thấy rằng nhiệt độ giảm 5°C làm tăng tỷ lệ đột quỵ thêm 7%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được lý giải rằng, dưới thời tiết lạnh, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch co lại và hẹp hơn.

Đồng thời, khi nhiệt độ xuống thấp, máu có xu hướng cô đặc. Chính hai yếu tố co mạch và máu cô đặc hơn làm tăng nguy cơ hình thành những cục máu đông. Nếu chúng di chuyển lên não và kẹt lại ở khu vực lòng mạch hẹp sẽ làm tắc mạch máu, dẫn tới việc cung cấp máu, dinh dưỡng và oxy lên não bị gián đoạn. Khi đó, các tế bào não không đủ dinh dưỡng và oxy sẽ dần hoại tử. Tình trạng này được gọi là đột quỵ nhồi máu não.

Đặc biệt, người cao tuổi đang ở trong chăn ấm mà đứng dậy sẽ dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch máu co lại, huyết áp tăng cao đột ngột. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh đột quỵ có thể tử vong hoặc phải gánh chịu những di chứng hết sức nặng nề.

Tại Hà Nội, những ngày qua tỉ lệ người nhập viện vì đột quỵ có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Trung tâm Đột quỵ não - Bệnh viện Thanh Nhàn cho thấy, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng 15-30%. Đột quỵ do nhiều yếu tố nguy cơ như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, loạn nhịp tim, bệnh van tim... 

Tương tự, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông...  cũng ghi nhận nhiều người cao tuổi nhập viện điều trị do đột quỵ hoặc các bệnh về tim mạch, hô hấp, xương khớp...

Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện của thành phố chuẩn bị đầy đủ phương tiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngoài việc đề nghị các cơ sở y tế có biện pháp chống rét cho người bệnh đến khám, điều trị, Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải bố trí đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu để kịp thời xử lý các trường hợp mắc các bệnh đột ngột do cảm lạnh, viêm đường hô hấp cấp...

Cách phòng ngừa đột quỵ cho mùa đông

Để phòng ngừa đột quỵ trong mùa đông, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên: Giữ cho cơ thể đủ ấm, tránh những đợt gió lạnh bất thường, không bước ra ngoài gió ngay khi thức dậy tránh để cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột... là những điều ai cũng phải làm để phòng ngừa bệnh vào mùa đông.

Ngoài ra, để ngừa đột quỵ vào mùa đông, mọi người cần lưu ý các vấn đề sau:

- Hạn chế uống rượu: Nhiều người cho rằng uống rượu vào thời gian này sẽ ấm bụng, tuy nhiên mùa đông khi uống rượu chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm, dẫn tới tăng huyết áp, nhịp tim, tăng lưu lượng máu và làm giảm độ kết dính của máu.

- Điều trị tốt các bệnh lý cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, máu nhiễm mỡ: Người bị nhóm bệnh này đặc biệt có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn hẳn những người khác. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu dẫn, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp của những bệnh tim mạch nguy hiểm như: Huyết áp cao, động mạch vành, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy tim, đột quỵ... Nhóm bệnh nhân bị huyết áp cao thường rơi vào những người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu...

- Ăn nhiều rau, củ, quả, hạn chế muối để tránh nguy cơ cao huyết áp - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ: Một chế độ ăn không quá nhiều muối, hạn chế thịt sữa, tránh xa thực phẩm chứa nhiều cholesterol, ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước, tránh hút thuốc lá và và rượu bia... sẽ có tác dụng giúp bạn phòng bệnh.

- Thay đổi nếp sống: Hãy cố gắng duy trì đời sống tình cảm tâm lý ổn định, tránh những xúc động hay chấn thương quá mức. Việc làm này không những giúp cơ thể khỏe mạnh, lưu thông, tuần hoàn tốt mà còn giảm hẳn stress và các bệnh về tâm lý nên cũng giảm tải áp lực cho não.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Bạn nên đi khám ít nhất 1-2 lần 1 năm để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những nguy cơ gây đột quỵ.

- Luyện tập thể dục đều đặn: Một chương trình tập thể dục toàn diện, bao gồm cả bài tập sức mạnh, bài tập cốt lõi, kéo giãn cơ thể cũng như cường độ cao... sẽ giúp tuần hoàn máu trong cơ thể thuận lợi hơn, nhịp tim ổn định, nhờ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch dẫn đến đột quỵ.

- Chọn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chất lượng cao, uy tín để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả: Khi lựa chọn sản phẩm bổ trợ sức khỏe phải chọn sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí: Nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (và có thể dễ dàng kiểm chứng được); Thành phần được trình bày công khai, đầy đủ.

Những dấu hiệu đột quỵ não và xử lý trước cấp cứu

Đột quỵ não thường khởi phát đột ngột. Người bệnh bỗng nhiên có các triệu chứng như: Nhức đầu nghiêm trọng kèm theo nôn mửa, chóng mặt; Cảm giác tê yếu một bên mặt, một bên cơ thể, không giữ được thăng bằng...

Nặng hơn, bệnh nhân đột nhiên bị ngã hoặc bỗng nhiên mất phối hợp trong các động tác như đang ăn làm rơi đũa, rơi bát; Liệt nửa mặt, một bên mép xệ xuống, liệt nửa người; Khó nuốt; Khó nói, nói ngọng; Mắt đột nhiên nhìn mờ, nhìn thấy hình đôi hoặc đen...

Tùy theo đột quỵ não do thiếu máu não hay do xuất huyết não, nhồi máu não mà các triệu chứng có thể biểu hiện từ mức độ nhẹ tăng dần hay ồ ạt, nặng ngay từ đầu.

Đột quỵ não là một cấp cứu tối khẩn cấp, từng giờ, từng phút đều ảnh hưởng tới nguy cơ tổn thương não và tử vong. Do vậy, khi thấy các dấu hiệu nghi đột quỵ, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay.

Trong thời gian chờ đợi trợ giúp của y tế, cần đặt người bệnh lên mặt phẳng cứng, không nên để đầu trên gối mềm, đệm mềm. Ủ ấm cho bệnh nhân. Quay nghiêng mặt bệnh nhân sang một bên để tránh nôn ói gây ngạt thở.

Nếu có thể, kiểm tra nhịp tim, huyết áp của người bệnh. Kiểm tra xem người bệnh còn tỉnh hay hôn mê. Nếu thấy không còn thở có thể sơ cứu hô hấp nhân tạo miệng - miệng. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hay uống bất cứ loại thuốc gì cho đến khi được đưa tới bệnh viện.

Đọc thêm