Đã huy động tất cả các nguồn điện than
Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, theo cập nhật của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tại Công văn số 03/DBQG ngày 15/03/2024, trong năm 2024 nắng nóng dự kiến đến sớm khiến nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C. Dự kiến xuất hiện tình trạng nắng nóng kéo dài, trong khi đó, lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm so với trung bình nhiều năm.
Trong khi đó, ngay trong 3 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ toàn quốc trung bình 762 triệu kWh/ngày, tăng cao hơn so với dự báo. Đáng chú ý, 3 ngày đầu tháng 4, lượng điện tiêu thụ đã vọt tới hơn 900 triệu kWh/ngày. Dự báo cao điểm những tháng mùa hè 2024, lượng điện tiêu thụ toàn quốc sẽ đạt tới hơn 1 tỷ kWh/ngày (trong khi con số đạt đỉnh năm 2023 là khoảng 940 triệu kWh/ngày).
Đặc biệt, khu vực miền Bắc, lượng điện tiêu thụ đã tăng rất mạnh từ đầu năm. Lượng điện sử dụng đã tăng hơn 12 triệu kWh/ngày, đạt mức 343,6 triệu kWh/ngày từ đầu tháng 4 đến nay. Dự báo, lượng điện cần sử dụng tại miền Bắc sẽ đạt 27.481MW giai đoạn tháng 4 - 7/2024, tăng 17% so với kỷ lục vận hành cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, theo tính toán của A0, dự kiến tháng 6, công suất khả dụng của tất cả hệ thống ở miền Bắc chỉ từ 23.900 - 24.500MW; Công suất tăng thêm do dịch chuyển giờ phát thủy điện nhỏ đạt khoảng 1.000- 1.200MW; Công suất tăng thêm do thực hiện điều chỉnh phụ tải và máy phát điện diesel của khách hàng sẽ đạt khoảng 400 - 2.300MW. Trong khi đó, giờ cao điểm tiêu thụ điện của miền Bắc có thể lên tới 25.2450 - 27.480MW. Như vậy, miền Bắc có thể thiếu hụt từ gần 1.600 - 2.900MW vào giờ cao điểm.
Đáng chú ý, ông Trung cho biết, chưa đến nắng nóng cực điểm nhưng A0 đã phải huy động tất cả các nguồn điện than để cung ứng điện cho tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Tất cả các nhà máy điện ở khu vực miền Bắc đều đã vận hành tối đa. Việc nhập khẩu điện cũng được thực hiện tối đa theo điều kiện lưới và tận dụng tối đa truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc.
Về nguồn điện, hiện Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào điện than và điện khí. Với năng lượng tái tạo, dù điện mặt trời, điện gió đã tăng lên rất nhiều nhưng sản lượng đóng góp thực tế rất thấp. EVN cũng đã phải nhập nguồn khí hoá lỏng LNG với giá thành cao để cấp điện cho khu vực miền Nam. Đây là giải pháp được áp dụng để giảm bớt gánh nặng cung ứng điện cho hệ thống nhưng đồng nghĩa tăng sức ép giá điện rất lớn.
Sẵn sàng nguồn điện dự phòng
Để đối phó với nguy cơ thiếu điện, từ đầu năm, A0 đã giữ mực nước ở tất cả các hồ thủy điện lớn ở miền Bắc. Tuy nhiên, tính đến nay, nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc lại thấp hơn dự báo (tương đương thiếu hụt khoảng 92 triệu kWh). Tuy nhiên, lượng nước về miền Trung lại cao hơn dự báo (tương đương sản lượng điện khoảng 1,2 tỷ kWh). Đây là nguồn dự phòng quan trọng cho hệ thống thống điện trong các tháng cao điểm 5, 6, 7.
Bên cạnh đó, huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện (duy trì tồn kho than các nhà máy nhiệt điện than cao hơn định mức tồn kho tối thiểu, tận dụng triệt để khả năng cấp khí, nhập khẩu LNG,...), các tổ máy phát điện duy trì khả dụng cao nhất có thể.
Đại diện A0 cũng cho biết, EVN đã mua tối đa từ tất cả các nguồn nhập khẩu. Thậm chí lãnh đạo EVN cũng đã có văn bản yêu cầu đàm phán mua tăng sản lượng, công suất nhập khẩu để tăng cường khả năng cung cấp điện (tối đa có thể theo điều kiện lưới trong các tháng cao điểm mùa khô).
Ngoài ra, EVN cũng đã đề nghị chủ đầu tư nhà máy thủy điện nhỏ miền Bắc thực hiện điều chỉnh các khung giờ phát điện từ ngày 01/5/2024 đến hết ngày 30/6/2024 nhằm phát công suất cao vào khung giờ 12h30 - 15h30 và 21h00 - 23h00. Đồng thời tận dụng tối đa khả năng truyền tải Trung - Bắc nhằm hỗ trợ giữ nước các hồ thủy điện miền Bắc bảo đảm khả dụng cao để bảo đảm an toàn cho hệ thống điện miền Bắc và quốc gia.
Song song đó, đẩy nhanh, bảo đảm tiến độ đầu tư xây dựng dự án đường trục mạch 3, các dự án giải toả công suất thủy điện nhỏ và nhập khẩu điện từ Lào hỗ trợ bảo đảm điện miền Bắc trong cao điểm mùa khô 2024.
Với các khách hàng sử dụng điện lớn, ngành điện cũng đã lưu ý khách hàng về máy phát diesel tại chỗ, bảo đảm sẵn sàng huy động khi cần thiết. Và thực hiện các biện pháp dịch chuyển cao điểm phụ tải, đồng thời đẩy mạnh tiết kiệm điện, kiên trì thực hiện chương trình điều tiết phụ tải nhằm đáp ứng công suất đỉnh của hệ thống trong thời tiết nắng nóng cao điểm.