Mưa là tắc đường: Vì sao?

(PLVN) - Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của bão khiến mưa kéo dài, Hà Nội dường như trở thành “thiên đường” của ùn tắc giao thông. Một lần nữa câu chuyện thiếu văn hóa khi tham gia giao thông lại được đề cập đến. Đây luôn là vấn đề nhức nhối và chưa có dấu hiệu cải thiện.
Hà Nội ùn tắc mỗi khi mưa.
Hà Nội ùn tắc mỗi khi mưa.

Mạnh ai nấy đi

Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, coi thường pháp luật về giao thông, vì “nhanh một phút của mình” mà làm cả nghìn người khác phải chậm theo… vẫn diễn ra rất phổ biến. Thậm chí, người chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ như đi đúng làn đường, dừng đèn đỏ, không lạng lách, đánh võng… đôi khi còn bị chính những người đang cùng di chuyển trên đường lớn tiếng trách móc ngược.

Ví dụ, chiều 14/10, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh xe buýt số 36 mang BKS 51B - 21840 chạy lấn làn đường, nháy đèn ra hiệu “bắt” ô tô đi ngược chiều đang đi đúng làn phải nhường đường xảy ra trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM. Khi ô tô không thể nhường, tài xế xe buýt vẫn cố tình đánh lái tranh giành vào làn đường đúng chiều để tiếp tục di chuyển. Sau khi clip được đăng tải, nhiều người tỏ ra bức xúc trước hành động xem thường luật lệ giao thông của tài xế xe buýt.

Còn tại Hà Nội, những ngày gần đây, do ảnh hưởng của bão khiến mưa kéo dài, Hà Nội dường như trở thành “thiên đường” của ùn tắc giao thông. Từ đường lớn đến đường nhỏ đều ùn tắc nghiêm trọng. Dù đường tắc nghẽn, hàng trăm chiếc xe máy vẫn cố tình luồn lách qua khe hở của ô tô. Hàng trăm xe khác lại tìm cách cho xe chiếm vỉa hè của người đi bộ để di chuyển.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ khoảng 17h ngày 14/10/2020, nhiều tuyến đường xảy ra ùn tắc kéo dài. Phố Nguyễn Chí Thanh, Chùa Bộc, Xã Đàn, Hồ Đắc Di, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, khu vực cầu vượt Ngã Tư Sở, đường Láng, Tố Hữu, Nguyễn Tuân... các phương tiện nhích từng xăng-ti-mét. Khung cảnh hỗn loạn xảy ra ở nhiều tuyến đường khi xe máy lao lên vỉa hè, len lỏi vào làn dành cho ô tô. 

Mặc dù vài năm trở lại đây, nhiều tuyến phố tại Hà Nội được nâng cấp mở rộng nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra vào giờ cao điểm hoặc mỗi khi trời mưa. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do sự vô tổ chức trong lưu thông của một bộ phận người tham gia giao thông. Ai cũng muốn đi trước nên thiếu sự nhường nhịn và phớt lờ sự điều tiết của lực lượng chức năng.

Không riêng Thủ đô Hà Nội, ở nhiều đô thị lớn trong cả nước cũng đều chung tình trạng hễ... mưa là tắc đường. Nếu ví chuyện tắc đường trong giờ cao điểm là “đặc sản” ở Hà Nội, thì ý thức kém của người tham gia giao thông lại là… “đặc sản của đặc sản”, nhất là mỗi khi trời đổ mưa.

Trong hoàn cảnh ấy, thay vì nhường nhịn để cùng nhau vượt qua một cách an toàn; thay vì chấp hành theo sự điều tiết của cảnh sát giao thông, đa phần người điều khiển xe máy thường mạnh ai nấy đi, luồn lách, quay đầu chuyển hướng vô tội vạ… Nhiều trường hợp còn điều khiển xe theo kiểu… “đường thừa chỗ nào thì xông vào chỗ đó”, miễn sao nhanh hơn người khác, dù chỉ cách nhau vài xăng-ti-mét.

Cũng tại Hà Nội, ngày 3/9, tài khoản facebook Phạm Tùng Lâm đã ghi lại hình ảnh ô tô BKS 29D-062.32 vô tư di chuyển tại tầng 1 cầu Thăng Long (hướng trung tâm thành phố), chắn hết phần đường lưu thông của các phương tiện khác. Trước đó, từ ngày 28 - 30/7, mạng xã hội cũng xuất hiện liên tiếp hình ảnh các xe ô tô BKS: 98A-270.25, 30E-932.69, 19A-262.44 thản nhiên di chuyển tại tầng 1 cầu Thăng Long khiến hàng trăm xe máy phía sau phải lưu thông với tốc độ “rùa bò”.

Với tâm lý ngại đi xa theo hướng cầu Nhật Tân để bất chấp quy định của cơ quan chức năng, cho xe đi vào đường cấm, vi phạm ấy của các tài xế không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Nguy hiểm hơn, xe ô tô lưu thông tại làn đường không thiết kế dành cho ô tô sẽ vừa gây tác động tiêu cực đến tuổi thọ hạ tầng giao thông, vừa gây ùn ứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông.

Người tham gia giao thông tại Việt Nam còn có rất nhiều hành động thể hiện ý thức văn hóa kém như: Dừng, đỗ xe trên cung đường có biển cấm; chở hàng quá khổ, quá tải, lùi xe trên cao tốc; đặc biệt là sử dụng rượu, bia, chất ma túy trước khi điều khiển phương tiện. Tất cả hành vi đó đều có thể dẫn đến những vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

Đừng “đổ oan” cho mưa

An toàn giao thông là vấn đề luôn được các ngành, các lực lượng chức năng quan tâm, thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục rộng khắp. Nhưng nhiều người tham gia giao thông vẫn có những ứng xử, hành động thiếu văn hóa, gây ảnh hưởng và nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng.

Từ những hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong tham gia giao thông đã dẫn đến những tai nạn, va chạm đáng tiếc xảy ra, làm nhiều người bị thương, thậm chí là tử vong. Tổn thất do tai nạn giao thông để lại là hệ lụy lâu dài cho gia đình và xã hội. Do vậy, mọi người dân cần phải có trách nhiệm xây dựng văn hoá giao thông ngay từ những hành vi nhỏ hàng ngày trên đường. 

Hiện nay, nhiều ý kiến đánh giá mức phạt như Nghị định 100/2019 của Chính phủ đã khá cao, cùng với đó giải pháp phạt nguội đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần có chế tài mạnh để xử lý nghiêm những hành vi thiếu văn hóa trong giao thông, đảm bảo đủ sức răn đe và tạo chuyển biến trong nhận thức của người tham gia giao thông. 

Cơ quan chức năng cũng có thể xem xét áp dụng hình thức phạt lũy tiến, nếu lần đầu vi phạm không cần phạt cao nhưng nếu tái phạm lần hai, lần ba mức phạt sẽ tăng lên. Cũng có thể áp dụng thêm chính sách dành cho những lái xe thường xuyên vi phạm hoặc gây tai nạn giao thông phải đóng mức bảo hiểm cao.

Sự coi thường pháp luật của người tham gia giao thông dường như đã trở thành thói quen cố hữu của người Việt Nam. Những điều bình thường (dừng trước đèn đỏ, không đi vào đường cấm, không phóng nhanh vượt ẩu...) trở thành không bình thường, còn những điều không bình thường (vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn tuyến...) lại hóa ra bình thường. Nhiều trường hợp còn trông cậy vào "gọi điện cho người thân" khi bị lực lượng chức năng phát hiện vi phạm.

Chế tài xử phạt thời gian gần đây tuy đã tăng nặng và có tính răn đe cao, nhưng việc xử phạt còn chưa nghiêm khắc, vẫn có một bộ phận không nhỏ lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra tiêu cực, nhận tiền mãi lộ mà bỏ qua vi phạm, hoặc "duy tình", nể nang các mối quan hệ.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi người "cầm cân, nảy mực" thiếu nghiêm minh, người dân "nhờn" luật là tất yếu. Khi những người xung quanh còn làm ngơ, thậm chí khuyến khích, khi một bộ phận cán bộ công quyền còn tiêu cực, hoặc dung túng trước hành vi vi phạm Luật Giao thông, chừng đó chưa thể mong giao thông được cải thiện.

Ðể nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đòi hỏi một quá trình công phu, bao gồm cả việc khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

Không chờ hội đủ các điều kiện trên, ngay từ bây giờ, cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, nhà trường,... phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật và đặc biệt là văn hóa giao thông, nhằm tạo thói quen cư xử có văn hóa, coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức và là biểu hiện văn minh của người tham gia giao thông.

Những biện pháp đồng bộ trên cần triển khai quyết liệt, kết hợp trước mắt và lâu dài, mới mong tạo ra sự chuyển biến thật sự về ý thức người tham gia giao thông, nhân tố bảo đảm sự bền vững trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đọc thêm