Mùa lễ tết tại châu Á tràn đầy hy vọng vượt qua “bóng đen” dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cũng như Việt Nam, các nước châu Á như: Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc,… đều đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp. Dù vậy, người dân vẫn tràn đầy lạc quan đón năm mới với những hoạt động lễ hội với quy mô vừa và nhỏ để vừa tận hưởng được ngày lễ cổ truyền vừa tuân thủ các quy tắc phòng dịch.

Malaysia: Quy mô “khiêm tốn” hơn, ưu tiên an toàn

Lễ hội đầu năm tại Malaysia năm nay chủ yếu tập trung vào những sự kiện có quy mô vừa và nhỏ trên phạm vi toàn quốc. Người dân được yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn cộng đồng để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Giới chức nước này khuyến cáo với người dân ăn mừng Tết Nguyên đán, đặc biệt là cộng đồng người Hoa, đều không được chủ quan trước bệnh dịch, nên tuân thủ giãn cách xã hội và 5K ngay cả khi ở cùng với những thành viên trong gia đình.

Du khách đi cầu an tại một ngôi đền ở đảo Penang, Malaysia.

Du khách đi cầu an tại một ngôi đền ở đảo Penang, Malaysia.

Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng việc được mở lại các sự kiện truyền thống đã góp phần cho không khí xuân thêm phần sôi động ở Malaysia. Đơn cử, tại bang Sabah, người dân có thể đi xem các điệu múa rồng và múa lân truyền thống đầu năm, có thể đến thăm bạn bè và người thân. Các buổi lễ cho các tín đồ Phật giáo cũng được phép tổ chức tại các đền chùa. Theo đó, ngôi chùa Kuan Loon Tien ở bang này đã mở cửa chào đón du khách và đảm bảo chỉ sử dụng tới 50% sức chứa.

Tại bang Selangor, cộng đồng người Hoa nơi này cũng kỷ niệm một năm mới bằng cách cầu nguyện cho những điều may mắn, hạnh phúc sau những rủi ro, xui xẻo, bất hạnh của một năm đã qua, đặc biệt họ cũng đề cập đến trận lũ lụt xảy ra gần đây. Theo tờ Malay Mail, những tín đồ bắt đầu có mặt tại Đền Klang Kwan Imm từ 7 giờ sáng để thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Nhằm đảm bảo việc tuân thủ phòng dịch, lực lượng an ninh trật tự cũng có mặt để phối hợp với ban quản lý đền kiểm soát đám đông và đảm bảo các buổi lễ được diễn ra an toàn.

Tại hòn đảo Penang, người dân cũng đã đón năm mới trong tâm trạng vui vẻ và luôn ý thức đảm bảo an toàn. Chia sẻ với Malay Mail, Lam Chong Sun (54 tuổi) cho biết, sau hai năm xảy ra đại dịch COVID-19, lễ cổ truyền năm nay rất có ý nghĩa đối với ông vì cả gia đình đã có thể tụ họp đầy đủ để chung vui, tận hưởng bữa ăn truyền thống và không khí lễ hội.

Đoàn múa lân biểu diễn bên ngoài chợ Trung tâm ở Kuala Lumpur ngày đầu năm mới.

Đoàn múa lân biểu diễn bên ngoài chợ Trung tâm ở Kuala Lumpur ngày đầu năm mới.

Đền San Kau Tong tại bang Negri cũng đón khách từ sáng sớm và đảm bảo tuân thủ các quy tắc phòng dịch của Chính phủ. Chủ tịch đền San Kau Tong, ông Mah Kin Hock cho biết, chỉ có tối đa 250 du khách được phép vào trong đền cùng một lúc trong suốt giờ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 12 giờ 30 phút trưa. Các cơ quan chức năng địa phương cũng có mặt nhằm kiểm soát tình hình khi cần thiết.

Những ngôi đền chùa nổi tiếng khác ở Malaysia như đền Kong Hock Keong (bang Kedah), chùa Nam Thean Tong (bang Perak), đền Johor Kuno (bang Johor)… đều tuân thủ những quy tắc phòng chống dịch. Điều này là rất quan trọng bởi trong số thành phần đi lễ chùa đầu năm còn có cả người già, trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, dù đã được mở, lễ hội xuân năm nay vẫn được cho là “khiêm tốn” và kém sôi động hơn so với trước dịch. Đơn cử, ngôi đền Johor Kuno cổ (được xây dựng từ năm 1870) nằm ở trung tâm Johor là điểm đến của rất nhiều tín đồ Phật giáo, cộng đồng người Hoa vào những ngày đầu năm để cầu nguyện. Tuy nhiên, theo Chủ tịch đền Lee Poo Sin, dù sức chứa cho phép là 50% diện tích đền, tuy nhiên có nhiều thời điểm số lượng du khách chiếm chỉ khoảng 30%.

Nếu như mọi năm, những lời cầu nguyện chủ yếu tập trung vào sức khoẻ, tài lộc, may mắn thì những năm nay nhiều người dân còn cầu chúc cho dịch bệnh sớm qua. Chan Michael (60 tuổi) hy vọng rằng người Malaysia sẽ không bỏ cuộc trong cuộc chiến chống lại COVID-19 bằng cách tuân thủ các quy định phòng dịch vì lợi ích chung của tất cả mọi người.

Singapore: Dù dịch bệnh nhưng vẫn rực rỡ sắc màu

Mấy năm nay, những phiên chợ Tết quy mô lớn ở các khu phố Tàu tại Singapore hầu như “vắng bóng” vì các lệnh cấm tụ tập. Trong bối cảnh đó, để người dân tận hưởng được không khí nhộn nhịp quen thuộc của phiên chợ Tết cổ truyền, nhật báo Lianhe Zaobao đã thiết lập một trang web, trong đó có các gian hàng ảo nơi độc giả có thể “tham quan”, được tư vấn các công thức nấu ăn truyền thống, rút quẻ đầu năm về vận may trong năm tới, cũng như một số tiết mục, lời chúc của những người nổi tiếng…

Đường phố Singapore trang hoàng rực rỡ ngày Tết.

Đường phố Singapore trang hoàng rực rỡ ngày Tết.

Trả lời tờ Strait Times Singapore, bà Han Yong May – Giám đốc điều hành của Lianhe Zaobao cho biết: “Chợ Tết cổ truyền vốn luôn là điểm nhấn trong suốt mùa lễ hội xuân ở Singapore. Do đại dịch nên không có một phiên chợ lớn nào cả tại khu phố Tàu trong 2 năm qua, khiến nhiều người hụt hẫng và thất vọng. Vì thế, chúng tôi đã cố gắng thiết kế một trải nghiệm tương tự qua website tương tác chợ Tết trực tuyến, hy vọng góp phần giúp cho độc giả có thể tận hưởng được không khí lễ hội sôi động hơn dù chỉ là online”.

Dù hạn chế các hoạt động tụ tập, không có pháo hoa hay các cuộc diễu hành, các đường phố trung tâm và các khu dân cư ở Singapore vẫn được trang hoàng rực rỡ. Không khí ấm áp và náo nhiệt tràn ngập khắp các ngõ ngách của Singapore và tất cả đón Tết Nguyên đán 2022 với hy vọng về một năm “mạnh mẽ” hơn. Điểm nhấn của các hoạt động đầu năm là lễ hội ánh sáng trên các con đường trung tâm ở Singapore; triển lãm trưng bày các tác phẩm điêu khắc về linh vật hổ tại Quảng trường Kreta Ayer nhằm nâng cao ý thức bảo tồn loài vật này; sự kiện River Hongbao trên vịnh Marina;…

Trước đại dịch Chingay là một trong những sự kiện lớn nhất đầu năm với sự tham gia của hàng nghìn nghệ sĩ biểu diễn và nhiều đoàn diễu hành khổng lồ. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch diễn ra, Chingay đã chuyển sang hình thức trực tuyến trên truyền hình cũng như mạng xã hội để người dân có thể thưởng thức tại nhà. Đặc biệt hơn nữa, Chingay năm nay được gọi là Chingay50, nhằm đánh dấu kỷ niệm chặng đường lễ hội trong 50 tuổi.

Chingay50 – một trong những lễ hội đầu năm lớn nhất ở Singapore sẽ được tổ chức trực tuyến.

Chingay50 – một trong những lễ hội đầu năm lớn nhất ở Singapore sẽ được tổ chức trực tuyến.

Trong bối cảnh đại dịch, người dân Singapore vẫn có nhiều sự kiện họ có thể tham gia để hoà mình vào không khí lễ hội năm mới. Đơn cử, khu phố Tàu luôn luôn sáng đèn từ đầu tháng 1 cho đến đầu tháng 3 bởi vì đây là tâm điểm của Tết cổ truyền – không có lễ đón Tết Nguyên đán nào mà người dân lại không ghé thăm nơi này để dạo chơi, ngắm cảnh, mua đồ trang trí, bánh nướng, bưởi, hoa và những thức ăn, vật phẩm liên quan đến ngày tết hay lễ hội xuân. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể đến tham quan nhà kính Flower Dome được trang trí bởi 2.000 cây hoa gồm cúc đại đóa, địa lan… và thưởng thức các tác phẩm điêu khắc hổ.

Lâu đài Istana - Khu di tích lịch sử lâu đời nhất của Singapore cũng mở cửa đón khách từ những ngày đầu năm. Đây là nơi ở chính thức của 21 vị thống đốc Singapore trong thời kì thuộc địa và hiện nay là văn phòng của Tổng thống nước Cộng hòa Singapore. Do các hạn chế bởi dịch bệnh, đã không có những chương trình biểu diễn trực tiếp, tour du lịch hay xe bán đồ ăn uống trong khuôn viên Istana, cũng như số lượng du khách tham quan cũng phải đảm bảo giãn cách xã hội. Năm nay, ước tính khoảng 3.000 người đã có mặt tại Istana cho lễ khai mạc lễ hội mùa xuân đầu năm vào ngày 5/2 vừa qua.

Dù vậy, theo tờ Strait Times Singapore ghi nhận lại, những du khách đến đây vẫn cảm thấy rất hài lòng. Họ đơn giản đến đây tận hưởng không khí bình yên những ngày đầu năm cùng gia đình, bạn bè và mua về những đồ lưu niệm như sổ ghi chép, cốc và đặc biệt là cuốn sách kỷ niệm Istana ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong hơn 150 năm tuổi của điểm đến này. Nhiều du khách Singapore đã chia sẻ rằng, đây là cơ hội đặc biệt với để đón chào năm mới vì Istana chỉ mở cửa vào một số dịp nhất định, bao gồm Tết Âm lịch, Quốc khánh, Ngày Quốc tế Lao động,… Mặt khác, người dân cũng không thể đi du lịch bởi dịch bệnh. Trong suốt 2 giờ tham quan, du khách được yêu cầu luôn đeo khẩu trang, không được tụ tập ăn uống.

Quả thực, mặc dù giãn cách xã hội và hàng loạt các quy định nghiêm ngặt đang được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, nhưng người dân các nước vẫn hoạt động ăn mừng Tết cổ truyền sao cho đảm bảo an toàn. Ước tính, toàn thế giới có gần 2 tỷ người đón Tết Âm lịch, không chỉ ở các quốc gia châu Á mà còn cả những nơi ở của cộng đồng người gốc Á tại các nước Âu, Mỹ, Phi. Trong văn hoá châu Á, loài hổ tượng trưng cho sự mạnh mẽ và dũng cảm, vượt lên nghịch cảnh. Chính vì vậy, dù cho còn dịch bệnh, người dân châu Á tràn đầy kỳ vọng về một năm Nhâm Dần có nhiều thay đổi tích cực trong khu vực và trên toàn cầu.

Đọc thêm