Mưa lớn gây ngập nhiều tuyến đường Đà Nẵng, học sinh được nghỉ học

(PLVN) - Mưa lớn liên tiếp kéo dài khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư ở TP Đà Nẵng ngập sâu, hàng loạt phương tiện chết máy, giao thông hỗn loạn. Để đảm bảo an toàn, Sở GD&ĐT thành phố cho học sinh nghỉ học.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão, từ sáng sớm 18/9, tại TP Đà Nẵng đã có mưa to kéo dài nhiều giờ khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư ở địa bàn các quận Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê... ngập sâu.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số tuyến phố như Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Nguyễn Tri Phương, Núi Thành… ngập 30 - 50cm, nhiều phương tiện chết máy, lưu thông khó khăn. Lực lượng chức năng thành phố đã túc trực, triển khai điều tiết giao thông tại các điểm ùn tắc cục bộ do mưa lớn, nhiều phương tiện giao thông di chuyển khó khăn. Các tổ công tác CSGT-TT có mặt tại các khu vực giao thông nguy cơ ngập cao, hướng dẫn phương tiện lưu thông theo hướng thuận lợi nhất, tránh việc ùn ứ, gây ách tắc kéo dài; đồng thời túc trực và sẵn sàng làm nhiệm vụ tại các địa điểm, tuyến đường có nguy cơ ngập lụt trên địa bàn để hỗ trợ người dân kịp thời nhất.

Nhiều tuyến phố tại Đà Nẵng ngập sâu từ 30 -40mm, ùn tắc cục bộ do mưa lớn vào sáng 18/9.

Từ đêm nay 18/9 đến 20/9, địa bàn TP Đà Nẵng được dự báo sẽ có đợt mưa vừa, có nơi mưa to, mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm, có nơi trên 200mm.

Trước tình hình diễn biến của thiên tai, trưa 18/9, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên trên toàn thành phố nghỉ học chiều nay và cả ngày 19/9.

Các trường đại học tư thục căn cứ tình hình thực tế, chủ động quyết định việc đi học của sinh viên. Các trường có tổ chức bán trú liên hệ với cha mẹ trẻ mầm non, học sinh về thời gian đón con; đảm bảo trẻ mầm non, học sinh được quản lí, chăm sóc tốt ở trường khi cha mẹ chưa thể đến đón.

Để đảm bảo an toàn, học sinh trên toàn thành phố được nghỉ học chiều nay và cả ngày mai, 19/9.

Sở yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học nghiêm túc thực hiện việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2024. Thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới và mưa lớn hiện nay; giữ liên lạc qua nhiều kênh thông tin để chủ động ứng phó một cách an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra. Đảm bảo liên lạc thường xuyên, thông suốt hai chiều giữa lãnh đạo Sở (Phòng) GD&ĐT – Thủ trưởng các đơn vị, trường học – giáo viên chủ nhiệm – cha mẹ học sinh, học viên.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy phòng Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng đã ban hành công điện đề nghị các lực lượng, sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị ứng phó với ATNĐ gần Biển Đông; đề nghị các đơn vị chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ có thể xảy ra. Đồng thời kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo Phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 trên địa bàn thành phố.

Nước ngập lên lề đường, nhiều cửa hàng ở đường Lê Duẩn.

Ban Chỉ huy phòng Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển;….

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng đã triệu tập cuộc họp ứng phó, kiểm đếm tàu thuyền, rà soát việc nạo vét cống rãnh. Đến chiều ngày 17/9, tổng tàu thuyền neo đậu tại các bến của thành phố là 1.091 phương tiện/7.801 lao động, đang hoạt động trên biển là 68 phương tiện/515 lao động.

Ông Chinh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo công tác thoát nước và chống ngập úng, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp đến. Đặc biệt, chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu xảy ra chậm trễ trong việc khơi thông, nạo vét cống thoát nước, dẫn đến ngập úng nghiêm trọng vào mùa mưa bão. Các cơ quan này phải chuẩn bị kỹ lưỡng và không được để xảy ra tình trạng bị động, gây thiệt hại về người và tài sản khi có mưa bão xảy ra...

Đọc thêm