Mùa mía… đắng

Nhiều người lo ngại, do lượng hàng tồn kho lớn, thời tiết thuận lợi, thì vụ tới, mức giá mía vụ vừa qua sẽ bị lung lay và nguy cơ nông dân phá mía trồng sắn hiện hữu.


Năm nay, người trồng mía lại lâm vào cảnh trúng mùa rớt giá. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính từ ngày 15/12/2010 đến 15/4/2011, cả nước đã sản xuất được 878.000 tấn, trong khi tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm chỉ được hơn 469.000 tấn. Tính đến ngày 15/4, lượng đường tồn kho tại các nhà máy lên đến trên 524.000 tấn.

Thời điểm này, giá cả các mặt hàng đều đua nhau “leo thang”, chỉ riêng giá đường lội ngược dòng, nên bao nhiêu khó khăn dội lên đầu người trồng mía và các nhà máy đường. Ông Hà Hữu Phái, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trong quý II cũng chưa mong vực được giá, chỉ có thể hy vọng kìm chân cỗ xe đang tụt dốc.

“Nếu chặn được đường lậu từ Thái Lan thì còn có thể giữ được giá. Tại Châu Đốc hiện chỉ có 16.100 đồng/kg đường, TP.Hồ Chí Minh 16.500 đồng/kg, nhưng ở miền Bắc giá đường cao hơn,  17.000 – 18.000 đồng/kg. Giờ quan trọng nhất chặn đường lậu từ Thái Lan vào, các cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc quyết liệt. Bởi đã có thời điểm 300-400 tấn đường thẩm lậu/ngày qua Lao Bảo, Cầu Treo…”, ông Phái nói.

Mùa mía… đắng ảnh 1

Ông Lê Quang Trưởng - Tổng giám đốc  Công ty cổ phần Đường Kon Tum cho hay: “Hiện tại, công ty tồn kho 12 nghìn tấn đường, quá nhiều không bán được. Thời điểm này mỗi ngày chỉ bán được 10 tấn,  vậy 12 nghìn tấn  trong 6 tháng còn lại (bắt đầu tháng 10 vào vụ mía đường mới) thì làm sao tiêu thụ hết. Trong khi vốn của công ty chủ yếu là đi va , mà lãi suất ngân hàng cao, cứ mở mắt ra là phải trả lãi rồi”.

 Theo lời ông Trưởng, với tình hình này, đến 31/12 năm nay công ty của ông cũng vẫn “khóc” vì không thể tiêu thụ hết số đường  đã sản xuất ra. “Bây giờ chúng tôi năn nỉ ngân hàng kéo dài thời gian cho vay tới vụ mía sau. Để đẩy mạnh đầu ra, chúng tôi  đã tung hết “quân” tham gia bán hàng. Ngày xưa mình ngồi tại chỗ, đại lý chở về rồi phân phối cho các tiểu lý (cơ sở bán lẻ) bán. Giờ, chúng tôi chở tới đại lý ký gửi. Đó là giải pháp tình thế, nhưng cái quyết định bây giờ là cung - cầu. Giờ thị trường đang “no” - kích sao được. Thêm nữa, ngành đường khó khăn do Vedan tự nhập khẩu 250.000 tấn mật chứ không nhập của các doanh  nghiệp trong nước nữa” – vị giám đốc than thở.

Ông Phái thông tin, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản kiến nghị hai Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giãn tiến độ nhập khẩu đường năm 2011 sang tháng 8/2011 hoặc chuyển sang vụ sau. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ vốn cho các nhà máy đường, như: tăng hạn mức cho vay theo yêu cầu sản xuất của nhà máy, đảm bảo tiêu thụ hết mía cho dân; áp dụng lãi suất ưu đãi tương ứng với lượng hàng tồn kho theo Chương trình bình ổn giá của Chính phủ; gia hạn có thời hạn đối với các khoản vay đến hạn mà các nhà máy chưa hoàn trả do hàng tồn kho chưa bán được. 

Vụ mía đường vừa qua, mặc dù giá đường giảm nhưng nông dân vùng mía không bị ảnh hưởng, bởi nông dân được bao tiêu sản phẩm, vào vụ các nhà máy vẫn phải ép hết. Thời điểm đó, các doanh nghiệp thu mua với giá 1,3 triệu đồng/tấn mía. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, do lượng hàng tồn kho lớn, thời tiết thuận lợi, thì vụ tới, mức giá này sẽ bị lung lay và nguy cơ nông dân phá mía trồng sắn hiện hữu.

Mai Hoa

Đọc thêm