Mua về được một tháng thì vào ngày 20/12 vừa qua tôi bị mời lên cơ quan công an để điều tra về việc chiếc xe máy trên và nói đây là chiếc xe ăn trộm mà có. Khi tôi xuất trình hóa đơn mua xe và giấy tờ cũ của xe ra thì họ nói giấy tờ xe của tôi là giả và sau khi thẩm định, biển số xe đã bị đục khung, xe của tôi bị công an thu để trả lại cho người đã mất.
Vậy trong trường hợp của tôi thì tôi có phải trả lại chiếc xe cho người bị mất không khi mà tôi đã dùng tiền để mua nó? Nếu tôi phải trả lại chiếc xe đó thì chủ cửa hàng bán xe cho tôi có phải trả lại số tiền mà tôi đã mua chiếc xe ở cửa hàng họ hay không?.(Hoàng Thị Tuyết Mai, Đông Anh, Hà Nội)
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự thì giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
“a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện”.
Tại điều 127 Luật này thì khi giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 nêu trên thì vô hiệu. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì: “Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Đối chiếu với trường hợp của bạn với các quy định vừa viện dẫn thì việc chủ cửa hàng bán cho bạn chiếc xe là tang vật của một vụ trộm là đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Do vậy, việc mua bán đương nhiên bị vô hiệu, và các bên phải trả lại nhau những gì đã trao. Bạn phải trả lại chiếc xe đó cho người bị mất và chủ cửa hàng có trách nhiệm trả lại bạn số tiền mà bạn dùng để mua chiếc xe đó.
Trong trường hợp chủ cửa hàng không chịu hoàn trả số tiền bạn mua chiếc xe đó thì bạn có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để đề nghị xét xử, buộc chủ cửa hàng phải hoàn lại tiền cho bạn.