Mùa xuân ở Chiến khu Đ

(PLVN) - Nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, được thành lập cách đây 20 năm (2004), Chiến khu Đ là ngôi nhà của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm. Đây là "viên ngọc xanh" giữa lòng miền Đông Nam Bộ, là nơi lưu giữ những chiến tích hào hùng của vùng đất Đồng Nai.

Ăn tết ở rừng

Theo chân anh Nguyễn Bá Lộc - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm cơ động thuộc Khu bảo tồn, chúng tôi chạy dọc con đường ĐT 761 để vào rừng Chiến khu Đ. Hai bên đường có hàng ngàn cây dầu, chò, kơ- nia sừng sững bị dây leo chằng chịt quấn quanh. Mùa xuân đến, rừng chiến khu thêm se lạnh, thi thoảng có gió thổi làm đám lá khô rơi bay bay, che mờ lối đi. Tiếng chim hót rộn vang, những bầy vượn chuyền cành khiến không gian thêm sống động.

Các chiến sỹ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai thắp nhang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại di tích Trung ương Cục miền Nam

Các chiến sỹ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai thắp nhang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại di tích Trung ương Cục miền Nam

Anh Lộc cho biết, từ năm 2009 đến nay, Khu bảo tồn đã trồng khôi phục được 1.800 ha rừng cây gỗ lớn bản địa và khoanh nuôi, phục hồi được gần 3.000 ha rừng tự nhiên. Rừng trồng hỗn giao các loài cây gỗ thuộc nhóm thực vật bản địa, quý hiếm như: sao, dầu, gõ đỏ, muồng, bằng lăng… được trồng với mục đích bảo tồn các nguồn gien quý hiếm. Điều đó khẳng định chủ trương về khôi phục rừng cây gỗ lớn bản địa ở Chiến khu Đ của tỉnh Đồng Nai là hoàn toàn đúng đắn cả về khoa học, thực tiễn và quản lý.

Nhìn cánh rừng nguyên sinh đang vươn lên xanh tốt, anh Lộc cho hay, Trạm Kiểm lâm cơ động được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra trên toàn bộ diện tích rừng và hồ Trị An do Khu Bảo tồn quản lý với diện tích lớn trên 100.500 ha. Tết là thời gian cao điểm của công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng nên anh em trong đơn vị phải thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra dài ngày, ăn ở tại rừng để ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đồng thời, các trạm triển khai lực lượng trực để khi có cháy rừng xảy ra kịp thời thực hiện công tác chữa cháy.

Vị trạm trưởng này cho biết, do diện tích Khu bảo tồn lớn trong khi biên chế ngày càng giảm, không tuyển dụng mới được nên việc trấn áp các đối tượng vi phạm gặp khó khăn.

Đã qua 10 năm đón tết trong Chiến khu Đ, anh Lộc luôn coi đón xuân ở rừng là một trải nghiệm đầy cảm xúc. Xuân ở rừng không có tiếng pháo hoa rộn ràng hay dòng người tấp nập, điều này khiến nỗi nhớ nhà trở nên mãnh liệt hơn khi nghĩ về những bữa cơm sum họp bên gia đình.

Tuy vậy, xuân trong rừng lại mang đến một vẻ đẹp riêng biệt. Đó là khoảnh khắc ngồi quây quần bên ánh lửa trại, kể cho nhau nghe những câu chuyện về quê hương, gia đình. Để từ đó tiếp thêm nghị lực và quyết tâm cho anh em bảo vệ tốt diện tích rừng trên mảnh Chiến khu Đ anh hùng.

Lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai tuần tra giữ rừng trong những ngày giáp tết

Lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai tuần tra giữ rừng trong những ngày giáp tết

Trở ra Khu bảo tồn, anh Trần Đình Hùng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn, cũng như các anh em kiểm lâm, mấy chục năm qua, anh Hùng gắn bó với những cánh rừng già. Anh ít về nhà, cuộc sống chủ yếu ở trong rừng nhưng có niềm vui là được sát cánh với anh em kiểm lâm, bảo vệ rừng.

Anh chia sẻ, tết này, các trạm kiểm lâm chia ca trực để đảm bảo ít nhất 50% quân số trong dịp Tết. Nhưng thực tế quân số ứng trực luôn lớn hơn nhiều, vì nhiều anh em nhà ở xa, tận miền Trung, Tây Bắc không đủ thời gian để về quê ăn tết nên ở lại trực, ăn tết cùng đồng đội.

Hiểu được hoàn cảnh và tâm lý anh em, hàng năm lãnh đạo Khu bảo tồn luôn xây dựng kế hoạch, phân công nhau vào các trạm kiểm lâm chúc tết, ăn tết. Đây cũng là niềm động viên, khích lệ rất lớn cho những người đang giữ rừng Chiến khu Đ.

Giữ gìn khu dự trữ sinh quyển

Ngược thời gian trở về năm 1997, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã chính thức đưa ra quyết định “đóng cửa rừng” không cho khai thác rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh và tập trung vào bảo vệ và phát triển rừng.

Sau một thời gian dài, qua kết quả nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học trong, ngoài nước đã chứng minh vùng rừng phía Bắc (tỉnh Đồng Nai) với diện tích trên 150.000 ha rừng tự nhiên liền mạch, giá trị đa dạng sinh học rất lớn. Đặc biệt có vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững của vùng Đông Nam bộ.

Tuần tra phòng chống cháy rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai.

Tuần tra phòng chống cháy rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai.

Sự kiện đáng nhớ, năm 2004, Khu bảo tồn được thành lập với chức năng bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng hiện còn, khôi phục và tiếp tục làm giàu rừng, bảo vệ và phát huy các di tích lịch sử cách mạng. Đồng thời, bảo vệ môi trường và vùng nước đầu nguồn, phát huy giá trị vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An, hạ lưu sông Đồng Nai phục vụ chiến lược phát triển bền vững kinh tế, bảo vệ môi trường của Đồng Nai và vùng Đông Nam Bộ.

Bằng sự nỗ lực và phấn đấu của cán bộ, lực lượng kiểm lâm, giờ đây Khu bảo tồn là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 580 (năm 2011). Diện tích khu dự trữ sinh quyển trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Nông. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên rộng lớn với hơn 150.000ha liền, khu Ramsar, vùng nước nội địa và có các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cấp quốc gia đặc biệt.

Gặp lại Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - nguyên Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Khu bảo tồn. Là nhà khoa học có nhiều đóng góp, xây dựng Khu bảo tồn ngay từ những ngày đầu, ông chia sẻ về tương lai của Khu bảo tồn, đó là vấn đề sống chung với xung đột giữa người và động vật hoang dã (cụ thể là Voi). Do thu hẹp sinh cảnh, ngăn cản voi đến các nguồn thức ăn, nước, khoáng, có thể đe dọa sự tồn tại của chúng.

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai nhìn từ trên cao

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai nhìn từ trên cao

Ông Nguyễn Hoàng Hảo - Giám đốc Khu bảo tồn cho biết, 20 năm không chỉ là một con số, mà còn là một hành trình dài đầy nhiệt huyết, gắn bó và sự hy sinh, nỗ lực không ngừng nghỉ. Nhìn về tương lai, công việc vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt, từ tác động của biến đổi khí hậu, áp lực từ sự phát triển kinh tế - xã hội, cho đến những khó khăn trong việc bảo vệ và phục hồi các loài động thực vật nguy cấp.

Ông Hảo tin tưởng, Khu bảo tồn sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình và trở thành niềm tự hào về phát triển, bảo vệ di sản thiên nhiên và di sản văn hóa không chỉ của tỉnh Đồng Nai mà còn của cả nước.

Theo ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang đề nghị Khu bảo tồn cần làm tốt một số nội dung về công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ viên chức; tập trung xây dựng các đề án, dự án, đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ…

Đặc biệt, Khu Bảo tồn triển khai tốt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đến năm 2030 đã được phê duyệt, tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho đơn vị ký hợp đồng thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch đối với các dự án đầu tư các sản phẩm du lịch chất lượng cao.

Đọc thêm