Theo đó, phiên IPO vào 08h30 ngày 05/9/2018 thu hút tổng cộng 42 nhà đầu tư (NĐT) đăng ký mua với khối lượng 5.439.800 cổ phần, chỉ nhỉnh hơn 1,1% trên tổng số gần 490 triệu cổ phần đưa ra đấu giá. Trong đó các cá nhân đăng ký mua 5.139.800 cổ phần, các tổ chức gom 300.000 cổ phiếu.
Kết quả, 42 nhà đầu tư đã trúng đấu giá với tổng khối lượng bằng với lượng đăng ký. Với mức giá khởi điểm 10.000 đồng cho mỗi cổ phần, các nhà đầu tư đặt mua trúng giá cao nhất là là 13.000đồng/cp. Giá đấu thành công bình quân đạt 10.002 đồng/cp, xấp xỉ giá khởi điểm.
Theo quy định hiện hành, Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải đủ điều kiện tiến hành các thủ tục để chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần dự kiến vào cuối năm 2018 đầu năm 2019. Chậm nhất 90 ngày kể từ phiên đấu giá 5/9/2018, cổ phiếu của công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ được giao dịch trên sàn chứng khoán Upcom.
Dù kết quả sản xuất kinh doanh của Vinalines đã có nhiều khởi sắc trong thời gian qua nhưng nhìn chung ngành hàng hải vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Đây có lẽ là lý do để phiên IPO Vinalines chưa hấp dẫn các nhà đầu tư trong ngắn hạn. Nhìn về dài hạn, Vinalines, với lợi thế nắm trong tay những cảng biển lớn ở cả ba miền, với chiến lược phát triển dịch vụ chuỗi từ lợi thế tích hợp "đội tàu - cảng biển - logistics" sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư "chiến lược" hơn.
Trước đó, trong nửa đầu năm 2018, hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn đã tổ chức IPO. Ngoài thành công của những doanh nghiệp lớn với ưu thế ngành nghề như Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, còn lại các ông lớn khác như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam 2018, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty sông Đà cũng bị "ế", chỉ bán được từ 0,3-25% số cổ phần chào bán.