Mục tiêu phấn đấu vì con người

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tuần qua, Chính phủ ban hành một nghị quyết, được chờ đợi. Nghị quyết số 68/NQ-CP về 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tổng kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết ước tính khoảng 26.000 tỷ đồng.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống cho toàn nhân loại. Ở Việt Nam, thiệt hại cũng khó đếm đo, không chỉ hơn 80 nạn nhân đã chết, kinh phí phải huy động, phòng chống dịch, mua vaccine mà còn tác động trực tiếp đời sống của nhiều tầng lớp lao động.

Theo báo cáo của Chính phủ, đầu tháng 4 đã có khoảng 19% số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất, thu hẹp quy mô. Bên cạnh đó, 98% số lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% số lao động ngành vận tải, da giày, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc và 98% số lao động hàng không tạm nghỉ việc.

Từ cuối tháng 4 đến nay dịch bùng phát trên diện rộng, ước tính khoảng 2 – 3 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm. Rất khó khăn.

Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, việc ban hành các chính sách để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động… có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội; đồng thời thể hiện cam kết một “Chính phủ hành động” như phương châm nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ.

Thực tế, dưới sự chỉ đạo rất sớm, quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã được xây dựng với nhiều cuộc họp, bàn bạc, thảo luận hết sức kỹ lưỡng để bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Không chỉ người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dứt khoát yêu cầu phải bổ sung nhóm lao động tự do vào Nghị quyết cho dù việc triển khai có khó khăn tới đâu.

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, những người yếu thế, những người lao động, doanh nghiệp rất mong chờ gói hỗ trợ. Hơn lúc nào hết, tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải gần dân, sát dân, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn.

Cùng với các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho những người gặp khó khăn, Chính phủ đặc biệt quan tâm với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Kiên trì thực hiện mục tiêu kép là lựa chọn rất khó khăn nhưng không có cách nào khác, không có lựa chọn nào tốt hơn, chống dịch tốt để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế để có điều kiện chống dịch thành công. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, văn hóa, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Người dân và doanh nghiệp luôn ở vị trí trung tâm, chủ thể trong mọi quyết sách của Chính phủ, vì mục tiêu cuối cùng là sức khỏe, tính mạng, hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Đọc thêm