Mục tiêu 'trên hết, trước hết'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khi các tỉnh phía Bắc đang tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), thì áp thấp nhiệt đới, nguy cơ mạnh lên thành bão và mưa lũ ập đến với các tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi).
Ảnh minh họa (Ảnh VOV)
Ảnh minh họa (Ảnh VOV)

Bài học ứng phó với cơn bão số 3 còn nguyên giá trị. Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung, theo sát tình hình, dự báo sát, chính xác diễn biến cường độ và đường đi của bão, cảnh báo nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất và triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp trước, trong và sau bão.

Cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt vào cuộc, thông tin và chỉ đạo kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó, hạn chế tác động và khắc phục hậu quả bão số 3… Nhờ đó, chúng ta đã hạn chế tối đa mức độ thiệt hại, nguy cơ có thể xảy ra và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3.

Tuy nhiên, hậu quả để lại vô cùng lớn. Không ai được phép chủ quan trước thiên tai. Chính vì thế, liên tiếp trong hai ngày 17 và 18/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành hai Công điện chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.

Nguy cơ mưa lớn, ngập lụt đô thị và vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, sườn dốc đe dọa an toàn tính mạng, thiệt hại về tài sản của Nhân dân đang hiện hữu.

Tại Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, Chính phủ xác định, “mục tiêu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết”.

Đối với các tỉnh miền Trung, nơi áp thấp nhiệt đới sắp ập vào, các dòng sông thường ngắn và dốc, sẽ rất nguy hiểm nếu mưa lớn cộng hưởng với xả lũ. Do vậy, Chính phủ đặc biệt lưu ý, việc vận hành, điều tiết các hồ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm an toàn các công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra tình trạng lũ chồng lũ. Bài học các trận lũ ở miền Trung, nhất là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế năm 2020 còn nguyên giá trị cảnh báo.

Để thực hiện được yêu cầu “trên hết, trước hết”, chắc chắn phải chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; kịp thời cung ứng lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng, nhất là các hộ dân tại các khu vực nếu bị cô lập...

Dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết, chia ngọt, sẻ bùi. Qua việc giải quyết hậu quả của cơn bão số 3 cho thấy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần “tương thân, tương ái” đã được phát huy để đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi khó khăn.

Việt Nam đã có bài học trong việc thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, tin chắc rằng, chúng ta luôn chủ động xử lý các tình huống nếu thiên tai xảy ra.

Đọc thêm