Muôn chuyện sinh nở thời xưa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -“Đàn ông đi biển có đôi/Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình”. Câu ca đó nói lên nỗi khó nhọc, cay đắng của phụ nữ xưa khi có bầu rồi sinh con. Họ phải làm việc cực nhọc, lại kiêng cữ, nên chuyện sinh nở với họ vừa là gánh nặng, vừa là trách nhiệm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có thai phải làm việc nặng

Ảnh minh họa, nguồn internet.

Ảnh minh họa, nguồn internet.

Người phụ nữ xưa khi mang bầu theo quan niệm cho dễ sinh nở nên cần phải làm việc nhiều hơn mọi ngày. Người xưa có câu: “Khi mang thai đứa con đầu lòng, người mẹ phải làm việc bên nhà hàng xóm”. Ý nói rằng nếu thiếu việc nhà, người mẹ phải kiếm thêm việc mà làm.

Tục đó là do người Việt ta bắt vợ chửa con so, trong suốt thai kỳ phải làm những công việc khó nhọc. Nhà nghiên cứu người Pháp Gustave Dumoutier quan sát thấy rằng: “Chị ta phải mang vật nặng, dỡ hàng trên thuyền, chuyển đất đắp ụ và đê, làm hồ xây nhà. Trong tất cả đám phu phen người ta thấy số lượng đáng kể các bà bầu; có chị vác từ sáng tới chiều những khối lượng có thể kiến một người đàn ông ngã quỵ. Điều đó nhằm giúp việc đẻ con so được dễ dàng và giúp đứa bé sinh ra thật khoẻ mạnh”.

Điều này quả là khác với bây giờ, khi phụ nữ mang thai được cưng chiều đủ điều, lại hạn chế vận động nặng nhọc. Người xưa còn quan niệm rằng, để đứa con không quá lớn, người phụ nữ không được ăn ban đêm, uống một ít nước trước mỗi bữa ăn. Việc này cũng mâu thuẫn với xã hội hiện đại, khi phụ nữ mang bầu là được chăm sóc ăn uống quá nhiều cả ngày lẫn đêm, với quan niệm “mẹ ăn là để tốt cho con”.

Phụ nữ mang bầu cho uống nước dừa, ăn trứng gà, đu đủ chín, cho đứa bé da trắng đẹp, hồng hào, luôn tâm trạng phải tươi cười hoà nhã, dịu dàng, tâm hồn thảnh thơi, trong nhà treo những bức tranh màu sắc vui tươi như các em bé xinh xắn, béo tốt, đùa giỡn, để đưa trẻ sinh ra không bị xấu tính, cáu gắt. Tục này, bây giờ vẫn giữ gìn. Người ta cũng thường cho người mang bầu ăn cháo vừng để dễ đẻ.

Người xưa đẻ nhiều, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Nhiều gia đình xưa sinh tới 10 người con nhưng chỉ nuôi trưởng thành 2 đến 3 đứa, thậm chí 1 đứa. Nhiều nhà nghiên cứu người Pháp khi sang Việt Nam cho rằng tỷ lệ trẻ tử vong cao là do bệnh uốn ván, lao và cơ thể thiếu dinh dưỡng, nhưng không vì thế mà phụ nữ lại không sinh đẻ. Một học giả người Pháp khác, ông Pierre Gourou có nhận xét: Chắc chắn là người phụ nữ Việt Nam có sức bao nhiêu thì đẻ bấy nhiêu. Lấy chồng khi còn trẻ, thường là trước 20 tuổi, họ sinh con sòn sòn cho đến tận khi mãn kinh. Tuy nhiên, sức đẻ của họ bị hạn chế với nhiều nguyên nhân khác nhau của sự vô sinh.

Tính chất phát, mộc mạc và sự khoẻ mạnh của những người đàn bà này thật đáng khâm phục; những người mang thai làm cả công việc nặng nhọc và có thể vì vậy mà họ đẻ dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ nông dân phải làm việc quá sớm sau khi đẻ, do vậy cơ thể họ không phải là không bị ảnh hưởng…

Nông dân muốn có con cháu đầy đàn để bảo đảm việc thờ cúng tổ tiên. Nếu người vợ không đẻ được cho chồng một đứa con trai để kế nghiệp thì anh ta sẽ lấy người vợ thứ hai và chỉ có hoàn cảnh quá nghèo túng mới ngăn cản anh ta làm việc đó. Nên việc sinh đẻ đối với phụ nữ ngày xưa rất nặng nhọc, vừa là trách nhiệm, nhất là phải đẻ được con trai để gia đình chồng “nối dõi tông đường”.

Kiêng cữ, mê tín đủ đường

Việc kiêng khem của phụ nữ lúc bầu bí, sinh nở còn có sự tham gia của hủ tục mê tín dị đoan xuất phát từ sự khắc nghiệt của quan niệm.

Có rất nhiều thứ bùa khác nhau dành cho bà bầu đẻ treo ở cổ. Việc đeo bùa vậy để cầu mong sự an lành vì người Việt coi “sinh dữ tử lành”. Người Việt sợ đẻ dọc đường, nếu xảy ra đẻ dọc đường nếu ai hỗ trợ thì coi đó là làm phúc. Đàn bà Việt Nam bao giờ cũng đẻ ở nhà mình.

Theo nhà nghiên cứu Gustave Dumoutier thì người xưa còn có tục lệ sinh con phải sinh chỗ đậu thai chứ không phải mang đến bệnh viện như bây giờ. “Con phải sinh ngay tại chỗ đậu thai; gia chủ hết sức quan tâm giữ đúng tập tục này, vì người ta tin rằng chết mang điều tốt tới ngôi nhà, còn sinh mang tới bất hạnh. Sinh con tại một căn nhà khác nơi đậu thai thì suốt năm đó, con gái, con dâu của gia chủ sẽ mất mọi hy vọng sinh nở”.

Ông quan sát thấy rằng hủ tục mê tín trong sinh nở rất cầu kỳ ở người miền Bắc: Tại vùng quê ngoài thành Hà Nội, khi sinh đẻ khó khăn, ông chồng phải trút hết quần áo, chỉ đóng một cái khố, trèo lên mái ngói và tụt xuống phía bên kia hoặc chải tóc để cho phụ nữ dễ sinh.

Ngoài ra, khi đẻ khó, người chồng cầm một chiếc đòn gánh đứng giữa cửa lao ra đường; trèo lên cây cau cao, ôm cây tụt xuống; lật đít ông đồ rau giữa bếp, nhổ nước bọt vào.

Khi đứa trẻ ra đời, người ta giết một con gà mái cho sản phụ ăn, rồi đóng một cái đinh xuống đất, ngay giữa ngưỡng cửa và đưa đứa bé qua phía bên trên, sau đó mới đóng ngập cái đinh. Việc này nhằm tránh cho đứa bé sơ sinh khỏi sài đẹn lúc còn nhỏ.

Đứa bé mới chào đời được khoán ngay cho một vong hồn gọi là “Bb mụ”, bà này sẽ canh giữ đứa bé cho đến tuổi lên hai.

Tất cả các thành viên gia đình hoặc bạn bè có mặt trong nhà lúc lâm bồn, giả sử mắc một chứng bệnh loại nhiễm trùng, mà người ta gọi là “cung long”, bệnh này rất mau trở nặng nếu không chăm sóc. Chỉ cần ngay lúc ấy mua vật gì đó, hoặc đơn giản là ném ra đường bảy đồng trinh, nếu trẻ sơ sinh là bé trai, chín đồng trinh nếu là bé gái.

Người vô ý vào nhà lúc sản phụ lâm bồn, ngoài việc có thể ảnh hưởng tai hại đến sức khoẻ đứa trẻ sơ sinh, thì chính người ấy cũng như mọi người trong nhà còn bị “cung long” (theo Tiểu luận về dân Bắc kỳ - Gustave Dumoutier).

Người Việt ta có câu, quê nhà là “chôn nhau cắt rốn”. Ý câu đó liên quan đến khi chúng ta chào đời việc cắt rốn, chôn nhau rất quan trọng. Cuống rốn phải cắt dài 15 đến 20cm từ vòng rốn bằng một con dao tre chứ không phải bằng đồ kim khí như bây giờ ở trong bệnh viện. Khi vết sẹo cuống rốn còn ướt, người ta xức bằng tro tẩm chiếu hay tổ kén...

Lý giải việc cắt rốn bằng tre, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nhất Thanh cho rằng: “Vì không có kéo dùng riêng cho việc này, mà nhiều nhà chỉ có một con dao dùng đủ mọi việc, người ta cho rằng dao không sạch bằng que nứa, mảnh chai mới mượn cái thuyết kiêng kỵ đồ sắt, là dụng ý vệ sinh, có biết đâu rằng cái hại thảm khốc làm nhiều hài nhi chết về bệnh uốn ván do que nứa, mảnh chai có vi trùng”.

Việc chôn nhau cũng rất quan trọng và kiêng khem. Nhau được chôn trước cửa chính căn nhà và người ta đóng xuống bậu cửa một cái đinh có trét bãi phân đầu tiên của đứa bé. Chôn nhau phải tránh giọt tranh là có ý sợ nước mưa trút xuống làm lủng đất, nhau sẽ sình thối lên.

“Một số làng tại Bắc kỳ có thói quen chôn nhau ở chỗ đặc biệt, thỉnh thoảng thăm qua, để canh chừng lớp đất phủ bên trên. Người ta nói rằng nếu đất cứng quá, đứa bé bị ngạt mũi, ngược lại, nếu đất xốp quá, đứa bé sẽ bị nôn mửa. Bởi vậy, tại các vùng ấy, khi đứa bé nôn mửa, cha mẹ sẽ đạp cho đất nén xuống, ngay ở chỗ chôn và khi đứa bé bị cảm lạnh sổ mũi, cha mẹ sẽ xới đất ở cùng một chỗ, cho đất xốp hơn” (theo Tiểu luận về dân Bắc kỳ - Gustave Dumoutier).

Người phụ nữ mới sinh không được phép ra ngoài, không hơ đôi mắt lên than hồng, có rắc muối. Việc làm này ngăn cản tà ma, rình mò ở cửa, nhập vào phụ nữ qua đôi mắt, nên có câu rằng “ba tháng mười ngày mới hết chay gái đẻ”.

Sách “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn có chép: Tục nước ta đẻ con được 3 ngày thì làm cỗ cúng mụ. Ngày đầy tháng, đầy 100 ngày và đầy tuổi tôi (đầy đủ một năm cũng gọi là thôi nôi) đều làm cỗ cúng gia tiên, bày tiếc ăn mừng, bà con quen thuộc cho quần áo đồ chơi, lại thường làm thơ làm câu đối mừng...

Theo nhà nghiên cứu Nhất Thanh thì có nhiều hình thức chăm con và bảo vệ đứa bé như: không được khen đứa bé đẹp, béo mập mà phải nói: “Nó ngoan, nó chơi như chó”, nghĩa là đứa bé khoẻ mạnh, ăn chơi như con chó lớn lên dễ dàng. Ẵm con đi đâu phải mang dao, kéo, quyệt vệt nhọ nồi lên trán để đánh dấu, ma quỷ không dễ gì bắt đi.

Không được đưa con qua cửa sổ cho người khác bế, sợ con thành trộm cắp.

Con lòi rốn thì nhờ một người ăn mày cầm gậy của họ chọc vào rốn. Nếu đứa trẻ không lớn, ốm yếu thì bế nó chui qua áo quan người trăm tuổi, thượng thọ lúc đưa ma.

Người xưa đặt tên con rất xấu xí như: thằng cu, thằng cò, cãi đĩ, cái hĩm... để tránh tà ma dòm ngó, quấy nhiễu và tránh cho người đời quở quang, bệnh tật... Thế nên, người xưa có câu ca dao hài hước: “Hỡi thằng cu lớn, hỡi thằng cu bé, cu tí, cu tị, cu tì ơi/Con dậy, con ăn, con ở với ông/Để mẹ đi lấy chồng kiếm chút em con”.

Đọc thêm