'Muốn làm giàu trước tiên hãy làm đường'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Muốn làm giàu trước tiên hãy làm đường” là một trong những quan điểm được nêu lên tại Hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, vừa diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Hội nghị có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính.
Ảnh minh họa (Ảnh: Báo giao thông).
Ảnh minh họa (Ảnh: Báo giao thông).

Thực ra đây không chỉ là kinh nghiệm của một quốc gia nào mà là kinh nghiệm của mọi quốc gia, nhất là thời đại chuỗi giá trị mang tính toàn cầu, nền kinh tế của mỗi quốc gia muốn phát triển phải hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nói cách khác, các quốc gia muốn thịnh vượng phải liên kết từ hạ tầng đến thị trường.

Ở Việt Nam, cũng luôn xác định “Giao thông phải đi trước một bước”. Nhiều văn kiện Đại hội Đảng đều nhấn mạnh đến nhiệm vụ và giải pháp phát triển giao thông. Cách đây 12 năm, Trung ương (khóa XI) có Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đầu tháng 2/2024, Bộ Chính trị có Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/2/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết này.

Đất nước đã có những thay đổi cơ bản về kết cấu hạ tầng giao thông. Chân lý đường sá đến đâu văn minh đến đó, tiếp tục được khẳng định. Tuy nhiên, chúng ta còn cần phải tiếp tục tạo ra được những bước đột phá trong huy động nguồn lực để tạo nên kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Những năm gần đây, chúng ta đã ngày càng nghe nhiều khái niệm logistics, chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên chuỗi giá trị trong nước và khu vực còn một số hạn chế. Nguyên nhân là hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ, thiếu kết nối nội vùng, liên vùng và giữa các lĩnh vực hạ tầng; công tác đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và duy tu, sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng còn khó khăn. Đến một số vùng sâu, vùng xa mới cảm nhận được hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức; tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân tại một số đô thị lớn. Chi phí logistics ở Việt Nam bị đánh giá còn cao so với các nước trong khu vực, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Hiện nay, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đang là một đại công trường lớn về phát triển hạ tầng giao thông. Và tới đây, với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài trên 1.500km dự kiến triển khai vào 2026 - 2027, thì các yêu cầu về đột phá trong giao thông càng cần được chú trọng hơn nữa.

Đọc thêm