Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ 2023. (Ảnh: Ngọc Tuyết) |
Nhiều hoạt động đặc sắc
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023 gắn với Tuần văn hóa - Du lịch Đất Tổ diễn ra từ ngày 20 - 29/4 (tức mùng 1 - 10 tháng 3 Âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị xã trong tỉnh.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2023 thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ; đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương và nhân dân cả nước trực tiếp tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên.
Phần lễ được tổ chức trang trọng, tập trung vào các hoạt động chính như Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong”, Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Nổi bật là chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 và Tuần lễ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; Hội thảo quốc tế Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam; Giải bơi chải và trình diễn ván chèo đứng trên hồ Công viên Văn Lang; Giải bóng đá Cúp Hùng Vương; Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương; Hội chợ Du lịch Tây Bắc; Hội chợ triển lãm thương mại công thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ…
Liên hoan Văn hóa ẩm thực Đất Tổ năm nay có nhiều hoạt động nổi bật, như nghi lễ dâng lễ vật đặc sản ẩm thực Việt Nam lên Vua Hùng nhằm tỏ lòng thành kính nhớ về nguồn cội, với các món ẩm thực được các nghệ nhân tiêu biểu Việt Nam chuẩn bị cùng nhiều sản vật địa phương.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, năm nay còn diễn ra các hoạt động đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại có sức lan tỏa rộng rãi như: triển lãm Di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam; Lễ hội áo dài trẻ em Việt Nam “Hướng về nguồn cội;” trình diễn trang phục áo dài dân tộc Việt Nam; Giải đua xe đạp phong trào các câu lạc bộ Việt Trì mở rộng; tổ chức đoàn famtrip “Hành trình du lịch sắc màu trung du”, qua đó giúp du khách được trải nghiệm nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa Đất Tổ.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023 dự kiến thu hút 8 triệu lượt người dân và du khách tham dự. Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án đón tiếp, các kế hoạch dự trù khi lượng khách tăng cao đột biến; triển khai quy hoạch hàng quán, kiểm soát chất lượng dịch vụ cũng như các kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ và dịch bệnh...
Rước kiệu truyền thống - nghi lễ quan trọng mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. (Ảnh Vũ Tuân) |
Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu
Thông tin từ Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu cho biết, năm 2023, Ban dự án tiếp tục phối hợp với các Hội đoàn, Cộng đồng kiều bào các nước, nhà khoa học quốc tế, các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam cùng các nước sở tại tổ chức “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2023”. Lễ diễn ra trực tiếp tại Đức (nước tổ chức trọng điểm châu Âu, vào ngày 23/4) và Lào (nước tổ chức trọng điểm châu Á, vào ngày 29/4) với sự tham gia của các đại biểu, kiều bào từ gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Buổi lễ cũng được thực hiện trực tuyến, kết nối với hàng chục điểm cầu trên thế giới vào ngày lễ chính, lúc 13 giờ (theo giờ Việt Nam) ngày 29/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch).
Chương trình “Về cùng nước Việt” giới thiệu các tiết mục văn nghệ đặc sắc của kiều bào. Ban Tổ chức và Hội đồng Vinh danh sẽ tiến hành “Vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2023” với các cá nhân, tập thể là người Việt, bạn bè quốc tế từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có đóng góp cho cộng đồng xã hội, Ban dự án, kết nối tình hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Phần tiếp theo, Hội thảo Quốc tế - Vinh danh giá trị quốc gia - phẩm hạnh dân tộc gồm 3 nội dung: “Việt Nam - Vị thế và Tiềm năng”; “Kiều bào hướng về quê hương Việt Nam” và “Vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế”, với sự tham gia của các diễn giả là các nhà trí thức, nhà khoa học, lãnh đạo, du học sinh, kiều bào và các chuyên gia quốc tế...
Chương trình Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và Vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2023 được phát trực tuyến trên nhiều nền tảng mạng xã hội, kênh truyền thông để đông đảo công chúng cùng theo dõi, trong đó có Fanpage của Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu (https://www.facebook.com/quoctovietnamtoancau)...
Dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” là sáng kiến của một số nhà khoa học, trí thức, lãnh đạo hội đoàn cộng đồng kiều bào của 7 quốc gia nhân dịp về tham dự “Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX” tại Hà Nội (năm 2015). Dự án này đã góp phần kết nối người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế tham gia bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam, gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; lan tỏa các giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Vào dịp này, kiều bào ta ở nhiều quốc gia trên thế giới đều tiến hành tổ chức nghi lễ bái vọng các Vua Hùng, thành tâm hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Theo ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), hằng năm, Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) cũng đều tổ chức cho đoàn đại biểu kiều bào về dự Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) và hỗ trợ cộng đồng NVNONN tổ chức những hoạt động tri ân công đức các Vua Hùng tại các nước trên thế giới. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 21/8/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 ngày 31/12/2021 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác NVNONN giai đoạn 2021 - 2026, góp phần thực hiện nhiệm vụ đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ NVNONN giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Trong 20 năm qua, cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 2,7 triệu người năm 2003, hiện đã tăng lên khoảng hơn 5,3 triệu người sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Đáng chú ý, thành phần cộng đồng ngày càng đa dạng, trong đó số lượng du học sinh, lao động xuất khẩu, người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài có xu hướng tăng. Địa vị pháp lý, điều kiện kinh tế, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao.