“Mùa đỏ lửa” mứt Gừng
Mỗi năm vào đầu tháng Chạp, làng mứt gừng ở phường Kim Long lại bắt đầu vào mùa đỏ lửa, mùi mứt gừng lan tỏa khắp các con hẻm của làng. Mọi người tất bật chuẩn bị những củ gừng vàng rịm, người cạo vỏ, kẻ bào gừng, nói chuyện rôm rả tạo nên một khung cảnh vui tươi và ấm cúng bên cạnh bếp lửa hồng.
Mọi người xum vầy làm mứt gừng |
Gừng là nguyên liệu chính, được người dân lấy từ cầu Tuần, xã Thủy Bằng với hương vị rất lạ miệng vì loại gừng này được trồng trên vùng đất đồi pha sỏi ở ngã ba Tuần, nơi hai nhánh tả và hữu của con sông Hương gặp nhau. Để có những mẻ mứt gừng thơm ngon không chỉ nhờ vào những củ gừng vàng rịm mà còn phải nhờ vào bàn tay khéo léo của những người làm ra nó.
Hòa vào không khí rôm rả và tất bật của những người dân trong làng, mùi vị ngào ngạt của mứt gừng, mùi khói của bếp lửa hồng thì không ai có thể kìm được lòng mình. Hương vị Tết đang đến thật gần với những người dân ở đây.
Theo ông Nguyễn Văn Dân (60 tuổi, tại 67 Phạm Thị Liên, TP. Huế) cho biết, làng nghề mứt gừng ở phường Kim Long đã có từ rất lâu đời, đây được xem như là nghề truyền thống của làng và được truyền từ đời này sang đời khác. Các công đoạn chế biến mứt gừng tại làng đa phần làm theo phương thức thủ công. Chính nhờ vào những bàn tay khéo léo mà có những mẻ mứt gừng thơm phức và vàng ươm.
Sơ chế mứt gừng |
Gừng sau khi được lấy từ cầu Tuần về, mang đi cạo sạch vỏ rồi bào thành từng lát mỏng ngâm với nước vo gạo để giảm bớt độ cay của gừng. Gừng thái lát mỏng được rửa sạch, vớt để ráo nước trước khi bỏ đường vào. Sau đó, đun nước sôi luộc gừng cùng với một ít chanh.
Những lát gừng được thái mỏng ủ cùng với đường trắng với tỷ lệ cân bằng, trộn đều để gừng ngấm đường trong khoảng một giờ đồng hồ thì cho gừng vào chảo lớn, rim với lửa nhỏ.
Đóng gói mứt gừng |
Đảo đều gừng trong chảo cho đến khi gừng sánh lại và đường bắt đầu “thắn” lại thì đảo nhanh tay, công đoạn này được cho là quyết định đến hương vị và màu sắc của mứt có đẹp mắt và thơm ngon hay không. Thường công đoạn này mất từ 40 – 45 phút, người canh lửa phải chú ý và xào lên tục gừng trên bếp lửa hồng để gừng không bị cháy.
Sau khi đổ gừng từ chảo ra thì xếp từng lát gừng duỗi thẳng, đặt chồng lên nhau từng lớp, để nguội thì cho vào lọ thủy tinh hay bao bóng để mứt được bảo quản lâu hơn.
Ông Dân cho biết, trước đây tại Kim Long có khoảng 30 hộ chuyên làm và sản xuất mứt gừng, nhưng hiện nay thì trong làng số hộ gia đình còn theo nghề và truyền nghề làm mứt gừng không còn nhiều nữa. Mỗi năm đến gần Tết Nguyên Đán, tại cơ sở của ông sản xuất khoảng 3 tấn mứt gừng, vừa làm quà vừa cung cấp cho thị trường.
“Làng mứt Gừng” còn được nhắc đến bao lâu?
Nhắc đến mứt gừng Tết ở Huế là nhắc đến ngôi làng Kim Long nổi tiếng bởi hương vị mứt gừng thơm, cay của nó. Ở đây được xem như là ngôi làng truyền thống về sản xuất mứt gừng. Vào đến làng, các gian bếp đang đỏ lửa rim gừng để làm ra những mẻ mứt ngon lành phục vụ người dân từ Nam chí Bắc.
Âm thanh của củi lửa, tiếng nói cười rôm rả, tiếng xe của người chuyển gừng và tiếng nước chảy,… một khung cảnh tấp nập, rộn ràng mà chỉ có vào mùa mứt gừng của làng vào những ngày giáp Tết.
Không biết từ khi nào mà người ở làng Kim Long đã làm mứt gừng, nhưng nó đã để lại một nét riêng của Huế mà không thể lẫn với hương vị ở những nơi nào khác. Đó là lý do mà cứ mỗi năm đến Tết Nguyên Đán, mọi người lại tìm đến làng để mua những mẻ mứt về làm quà cho bạn bè hay chỉ để thưởng thức.
Đến với làng không chỉ có người Việt Nam mua mứt gừng mà còn có những người nước ngoài ăn tết ở Việt Nam cũng tìm đến đây để thưởng thức mùi vị đặc trưng, nếm thử một lát gừng cay và một ngụm trà nóng. Khi ăn có thể cảm nhận được từ đầu lưỡi vị cay ấm của gừng và đọng lại một vị ngọt thanh từ đường. Mỗi gói mứt gừng đã thành phẩm chất chứa rất nhiều tình cảm của người làm ra nó và muốn được mọi người nếm thử hương vị đó cùng với gia đình của mình trong dịp Tết.
Nổi tiếng là thế nhưng mấy năm trở lại đây, số lượng nhà nghề làm mứt gừng truyền thống ở làng Kim Long đang giảm xuống mặc dù đó là nghề của cha ông truyền lại qua mấy đời. Chỉ còn khoảng dưới 20 nhà còn làm mứt gừng, hầu hết là những nhà đã làm mứt gừng lâu năm và có tiếng vì những người trẻ không còn hứng thú với nghề truyền thống mà đi tìm những công việc ổn định hơn.
Ông Nguyễn Văn Dân chia sẽ về nghề làm mứt gừng |
“Ngày trước, cứ gần Tết là nhà nào trong làng cũng làm mứt gừng nhưng hiện nay thì không còn như vậy nữa. Chỉ còn vài nhà làm, mà có làm thì cũng chỉ để làm quà hoặc để dâng lên tổ tiên, còn có ai đặt hàng thì sẽ làm thêm”. – ông Dân chia sẻ.
Hương vị khó quên của mứt gừng khiến cho nhiều người xao xuyến nhưng lại đang dần mất đi, khi những người trẻ không còn hứng thú với nghề truyền thống của đất cố đô. Hương vị Tết Cổ Truyền – nét đặc trưng của xứ Huế còn được nhắc đến bao giờ khi Tết đến Xuân về, nghề xưa không còn nữa…