Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ đang mở rộng công tác huấn luyện sử dụng vũ khí bắn đạn thật nhằm nâng cao năng lực tác chiến trong những trận đánh lớn – những trận đánh có sự khác biệt rất nhiều so với thực tế mà quân đội Mỹ đã trải qua trong 15 năm qua.
Thay đổi về chất
Các cuộc chiến tranh trên bộ tại Iraq và Afganistan đã mang lại cho quân đội Mỹ kinh nghiệm trong loại hình chiến tranh chống nổi dậy. Đó là theo dõi, tấn công và tiêu diệt những nhóm kẻ thù quy mô nhỏ - những kẻ thường sử dụng chiến thuật trà trộn vào dân thường, đánh bom xe hay ẩn nấp tại những địa hình khác nhau để tiến hành phục kích.
Các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Mỹ nhấn mạnh rằng chiến tranh chống nổi dậy vẫn hết sức quan trọng, và quân đội sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng để có thể đối phó với mọi tình huống. Thế nhưng, họ cũng thừa nhận là đang có một sự chuyển dịch rõ nét trong hoạt động huấn luyện để có thể chiến đấu và chiến thắng trong các trận đánh lớn với những đối thủ mạnh như Nga và Trung Quốc.
Các cuộc tập trận bắn đạn thật của quân đội Mỹ được dàn dựng phù hợp với kịch bản chiến tranh quy mô lớn, nơi mà các lực lượng cơ giới hóa sẽ đối mặt với các kẻ địch có trang bị các loại vũ khí công nghệ hiện đại như máy bay không người lái, xe tăng, pháo cối, tên lửa và các phương tiện bọc thép.
“Quân đội đã có nhiều kinh nghiệm chiến tranh chống nổi dậy ở thời điểm này. Quân đội đã có sức mạnh về chiều sâu, nhưng còn cần phát triển về chiều rộng. Chúng tôi có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ chống nổi dậy, chống phá và các hành động để đảm bảo an ninh. Giờ đây, chúng tôi sẽ cần tập trung vào các chiến dịch ở khoảng cách lớn hơn, trên diện rộng hơn” – ông Rickey Smith, Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy huấn luyện Mỹ cho biết.
Tất nhiên, quân đội Mỹ không nêu tên đích danh các nước Nga, Trung Quốc là kẻ thù tiềm ẩn hoặc mong muốn nổ ra chiến tranh với các nước này. Tuy nhiên, nhận thấy môi trường quốc tế hiện nay đang có nhiều biến động với các mối đe dọa biến động không ngừng, bao gồm căng thẳng và sự ganh đua giữa các cường quốc, công tác huấn luyện của quân đội Mỹ ngày càng tập trung vào khả năng phản ứng khi nổ ra chiến tranh tổng lực.
Binh lính Mỹ trong cuộc diễn tập “Hành động Quyết định” |
Kế thừa và phát huy
Về mặt lý thuyết, chiến tranh cơ giới hóa trên diện rộng với các cường quốc lớn trong tương lai sẽ khác hoàn toàn so với chiến tranh chống nổi dậy. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực có sự giao thoa giữa loại hình chiến tranh này, cả về vũ khí, chiến thuật và chiến lược.
Hai cuộc chiến tranh trên bộ tại Iraq và Afganistan trong thời gian hơn 10 năm qua là cơ hội để Mỹ ra mắt nhiều loại vũ khí tấn công có thiết bị dẫn đường như pháo cối và tên lửa có thiết bị định vị GPS. Các vũ khí như pháo Excalibur 155 li có dẫn đường GPS có khả năng phá hủy chính xác các mục tiêu của kẻ thù ở khoảng cách hơn 30 km, giúp sĩ quan chỉ huy xác định các mục tiêu của địch như nhóm binh sĩ đang tiến lên tấn công, các tòa nhà hoặc các cơ sở chế tạo bom.
Hệ thống tên lửa có dẫn hướng và có thể phóng nhiều tên lửa cùng lúc (gọi tắt là GLMRS) cũng là một ví dụ. Đây là loại tên lửa chính xác tầm xa, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 70 km, đã rất thành công trong việc tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lớn của Taliban ở Afganistan.
Các loại vũ khí chính xác này được Mỹ sử dụng đầu tiên tại Iraq và Afganistan, cũng là những vũ khí có thể phát huy tác dụng rất lớn trong chiến tranh mô lớn với các đối thủ mạnh. Chúng có thể nhắm đến những vị trí trọng yếu phía sau hàng tiền tuyến của đối phương, ví dụ như hậu cần, quân dự bị và các phương tiện chiến đấu cơ giới hóa.
Máy bay không người lái cũng là một lĩnh vực nằm trong sự giao thoa giữa hai loại hình chiến tranh. Trong cuộc chiến ở Iraq và Afganistan, Mỹ đã sử dụng nhiều máy bay không người lái, đồng thời phát triển nhiều kỹ thuật mới cho loại phương tiện này. Khi bắt đầu chiến dịch Giải phóng Iraq, Mỹ chỉ có khoảng chục chiếc máy bay không người lái.
Giờ đây, Mỹ đã đưa vào sử dụng hàng nghìn chiếc và phụ thuộc phần lớn vào máy bay không người lái để tìm kiếm vị trí ẩn nấp của kẻ thù, xác định đội hình phục kích và cứu sống binh sĩ. Kinh nghiệm sử dụng máy bay không người lái cũng rất phù hợp với các trận đánh lớn trên bộ. Tuy nhiên, những chiếc máy bay không người lái có thể phải bổ sung những chiến thuật, kỹ thuật và quy trình hiệp đồng tác chiến mới trong những trận đánh lớn như vậy.
Ông Rickey Smith cho biết: “Chúng ta đang tính tới những kịch bản trong tương lai, khi mà quân đội Mỹ có thể phải đối mặt với những kẻ thù với năng lực lớn hơn rất nhiều. Khi đó, các tướng lĩnh quân đội Mỹ - những người đã có nhiều kinh nghiệm về chiến thuật chống nổi dậy – sẽ cần phải đánh giá lại những chiến thuật mới mà họ phải áp dụng trong các cuộc chiến quy mô lớn.”
Phi đội máy bay không người lái – công nghệ mới chỉ có Mỹ triển khai trong các trận chiến tổng lực. |
“Hành động quyết định”
Để có thể tiếp cận với loại hình chiến tranh mới, quân đội Mỹ đưa ra mô hình huấn luyện kết hợp có tên “Hành động Quyết định”. Đô đốc Wayne Grigsby, Chỉ huy Sư đoàn Bộ binh số 1 cho biết, các đợt huấn luyện bắn đạn thật của quân đội Mỹ ở Trung tâm huấn luyện Fort Riley mang đến cơ hội kiểm chứng những chiến thuật này trên thực tế. Ông Grigsby nói: “Mỗi sáng tôi đều bố trí một tiểu đoàn ở phía Bắc, một tiểu đoàn ở phía Nam để luyện tập thể loại tác chiến trong đội hình kết hợp”.
Những cuộc diễn tập này bao gồm sử dụng máy bay không người lái và máy bay chiến đấu cho các cuộc tấn công trên không, kết hợp với phương tiện bọc thép, pháo cối, xe tăng, các đơn vị bộ binh được trang bị hỏa lực nhỏ trên bộ. Một số chiến thuật và công nghệ chính đã được tiến hành trong quá trình tập trận “Hành động Quyết định”, bao gồm những bài tập như “tiêu diệt mục tiêu”, “Di chuyển để tiếp cận”, “đồng bộ hỏa lực gián tiếp”…
Ông Grigsby còn cho biết, các cuộc diễn tập chiến tranh bắn đạn thật hiện nay không chỉ nhằm phối hợp hàng loạt những công nghệ mới, mà còn để tiên đoán trước những chiến thuật, vũ khí và hệ thống mà kẻ thù trong tương lai có thể triển khai. Trên cơ sở đó, các cuộc tập trận của Mỹ hướng đến mục tiêu đồng bộ hóa các loại vũ khí, công nghệ và khí tài khác nhau, có thể áp đảo ngay từ đầu, gây hỗn loạn và tiêu diệt đối thủ.
Smith ví von cụm từ “vũ khí kết hợp” giống như một dàn nhạc giao hưởng, nơi mà mỗi nhạc cụ sẽ đóng góp vào hiệu ứng chung của bản nhạc. Trong chiến tranh tổng lực, các “nhạc cụ” chính là cuộc tấn công tăng – đối – tăng, hỏa lực gián tiếp hoặc pháo hạng nặng, hệ thống phòng không, các phương tiện bay trên không, máy bay không người lái, rocket, tên lửa, công nghệ kết nối liên lạc, hòa trộn tất cả những phương tiện này để tạo ra một hiệu ứng duy nhất có thể áp đảo trên chiến trường – chính là hiệu ứng của bản nhạc.
Ông Smith ví dụ về một cuộc tấn công sử dụng “vũ khí kết hợp” như vậy: Sử dụng các phương tiện bay và pháo cối để tấn công xe tăng và các phương tiện bọc thép của đối phương, mở đường cho xe tăng, các đơn vị bộ binh tiến lên đánh chiếm vị trí của kẻ thù. Giữ vai trò yểm trợ sẽ là máy bay tấn công Apache và máy bay không người lái từ trên không, pháo tầm xa trên mặt đất, kết hợp với xe tăng Abrams và các phương tiện chiến đấu trên bộ khác.
Các cuộc diễn tập bắn đạn thật “Hành động Quyết định” hiện nay của quân đội Mỹ còn gồm khả năng triển khai hành động khi có lệnh tác chiến ngay trong đêm tại những chiến trường ở khoảng cách xa, trong khi vẫn đảm bảo đầy đủ đội hình kết hợp của vũ khí, bộ binh, thiết bị bọc thép và toàn bộ những khí tài cần thiết khác.
Vì vậy, trong các bài diễn tập của mình, với nội dung “Di chuyển để tiếp cận”, Mỹ có thể nhanh chóng triển khai đội hình tới những địa bàn với khoảng cách 620 km – khả năng mà những đối thủ Mỹ coi là “ngang cơ” khác cũng khó có thể có được. Khả năng tác chiến nhanh ở những chiến trường có khoảng cách địa lý xa cũng là cách để Mỹ duy trì khả năng can thiệp tại bất kỳ điểm nóng nào trên thế giới…/.