AFP dẫn lời ông Kerry nói rằng Washington sẽ xem việc thiết lập một khu vực như vậy là “hành động gây hấn và gây mất ổn định”, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. “Chúng tôi sẽ xem một ADIZ ở các phần của biển Đông là một hành động gây hấn và gây mất ổn định, có thể tự động làm gia tăng căng thẳng và đặt nghi vấn về cam kết của Trung Quốc trong việc quản lý các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp ngoại giao. Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là không nước nào được đơn phương quân sự hóa khu vực” – ông Kerry nói.
Các phát biểu của ông Kerry được đưa ra ngay trước thềm một cuộc đối thoại của Mỹ và Trung Quốc ở Bắc Kinh và sau khi một tờ báo của Hong Kong dẫn các nguồn tin quân đội Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang cân nhắc về việc lập một ADIZ ở biển Đông, tương tự như khu vực mà nước này đã tuyên bố thiết lập ở biển Hoa Đông hồi năm 2013.
Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Kerry nhắc lại quan điểm của Washington rằng nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp trên biển. Phát biểu này được cho là ít mạnh mẽ hơn so với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hồi tháng trước cáo buộc Bắc Kinh đang “theo đuổi những tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức, trái với luật pháp quốc tế”.
Tuyên bố của ông Kerry được đưa ra cùng ngày với việc Đối thoại Shangri-La – diễn đàn an ninh lớn nhất khu vực – kết thúc tại Singapore trong bất đồng sau khi Trung Quốc cáo buộc Mỹ “khiêu khích” ở biển Đông và tuyên bố nước này không sợ rắc rối ở các vùng biển có tranh chấp. “Vấn đề biển Đông đang trở nên quá nóng vì các hành vi gây hấn của một số nước vì lợi ích ích kỷ của họ” – Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc nói.
Ông Tôn cũng ngang ngược tuyên bố Trung Quốc sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực của LHQ trong vụ Philippines kiện phản đối các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông dự kiến sẽ được đưa ra trong ít ngày tới.
Tuyên bố trên của đại diện Trung Quốc được đưa ra 1 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter cảnh báo Trung Quốc đang tự xây “Vạn Lý Trường Thành” tự cô lập mình với việc mở rộng các hoạt động quân sự ở biển Đông. Ông Carter cũng khẳng định Mỹ và các nước khác có thể sẽ hành động nếu Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng ở khu vực Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Theo Straits Times, ngoài ông Carter, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Anh, Pháp, Canada và Ấn Độ và đại diện của nhiều nước khác trong các bài phát biểu của mình tại Đối thoại Shangri-La đều đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ 4 của Đối thoại diễn ra ngày 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đề xuất hải quân các nước châu Âu tăng cường hiện diện ở biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này. “Tôi sẽ sớm công bố chi tiết đề xuất này với những người đồng cấp châu Âu của mình” – Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Le Drian cho biết trong bài phát biểu tại Đối thoại.
Ông Le Drian nhấn mạnh rằng biển Đông là vấn đề liên quan trực tiếp đến Pháp và các nước thành viên EU khác không chỉ vì lợi ích kinh tế của các nước này trong việc duy trì tự do hàng hải ở khu vực mà còn bởi niềm tin vững chắc của các nước này trong việc đảm bảo luật pháp không bị vi phạm.