Như vậy, các nhà đầu tư Mỹ bị cấm đầu tư vào 59 công ty có tên trong danh sách.
Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tương tự đối với 31 công ty Trung Quốc. Sắc lệnh đó có hiệu lực chỉ vài ngày trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống.
Tuy nhiên, sau nhiều vấn đề pháp lý khiến lệnh cấm chưa áp dụng triệt để, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Biden đã rà soát lại danh sách đen nói trên, loại một số công ty đồng thời bổ sung một số công ty khác và chốt danh sách gồm 59 công ty Trung Quốc mà công dân Mỹ không được đầu tư.
Lệnh cấm đầu tư có hiệu lực từ ngày 2/8 và các cổ đông hiện tại có thời hạn 1 năm để rút đầu tư.
Trong số các công ty bị trừng phạt có nhiều công ty lớn trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ và xây dựng của Trung Quốc như Tập đoàn công nghệ Huawei, Công ty Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), các công ty China Mobile, China Telecom, Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), Công ty Công nghệ kỹ thuật số Hangzhou Hikvision, Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc...
Đây được coi là một trong số hàng loạt các biện pháp của Nhà Trắng nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của “gã khổng lồ châu Á.” Song điều này đã khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia trở nên căng thẳng nghiêm trọng.
Quyết định trên được chính quyền của Tổng thống Biden đưa ra sau khi hai công ty Trung Quốc khiếu nại thành công lệnh cấm đầu tư của cựu Tổng thống Donald Trump lên tòa án.
Ông Biden sau đó nói rằng lệnh cấm cần phải đảm bảo kín kẽ và bền vững về mặt pháp lý.
Trong khi chính quyền Tổng thống Biden cam kết thực hiện chính sách đối thoại mang tính ngoại giao hơn với Trung Quốc sau giai đoạn nhiều biến động của người tiền nhiệm, ông Biden khẳng định vẫn giữ vững đường lối về một số vấn đề bao gồm quốc phòng và công nghệ.