Reuters ngày 3/7 dẫn tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 2/7, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, lượng vaccine nói trên sẽ được vận chuyển thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX “sớm nhất có thể”.
Ông Sullivan nói rằng, việc tặng số vaccine nói trên “nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ dành cho người dân Indonesia trong bối cảnh họ đang phải đối phó với sự gia tăng số ca COVID-19”.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm, hai bên cũng thảo luận về kế hoạch của Mỹ nhằm tăng cường hỗ trợ cho các nỗ lực lớn hơn của Indonesia nhằm ứng phó với COVID-19.
Indonesia là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới. Nước này đang phải đối phó với một trong những đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 tồi tệ nhất châu Á.
Trong 12 ngày qua, trên khắp cả nước này đã ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục, bao gồm 25.830 trường hợp được ghi nhận hôm 2/7 và kỷ lục 539 ca tử vong.
Indonesia chủ yếu dựa vào vaccine của công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc, nhưng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp.
Ông Penny K Lukito - Giám đốc cơ quan thực phẩm và dược phẩm của Indonesia – hôm 2/7 cho biết Indonesia đã cho phép sử dụng vaccine Moderna trong trường hợp khẩn cấp.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước đã cam kết chia sẻ mức ban đầu là 80 triệu vaccine do Mỹ sản xuất trên toàn cầu.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh có sự lo ngại về sự chênh lệch tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước tiên tiến và các nước đang phát triển.
Mỹ đã công bố kế hoạch cung cấp vaccine cho các quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Papua New Guinea.
Ngoài ra, Mỹ cũng tuyên bố sẽ mua 500 triệu vaccine của Pfizer-BioNTech để phân phối cho Liên minh châu Phi và 92 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.