Vì sao COVAX “lỡ nhịp” trong phân phối vaccine?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, giới chuyên gia y tế toàn cầu đã tiên liệu một kịch bản tồi tệ: vaccine ngừa Covid-19 sẽ được sản xuất, song phần lớn chúng chỉ đến được các nước giàu có đủ khả năng để mua vaccine. Người dân ở những nước nghèo sẽ bị “bỏ lại phía sau” để rồi mắc bệnh mà không có vaccine cứu chữa.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine tại bang Uttar Pradesh (Ấn Độ).
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine tại bang Uttar Pradesh (Ấn Độ).

Vì sao lỡ nhịp?

Để ngăn chặn điều này, các chuyên gia đã thiết lập một sáng kiến toàn cầu mang tên COVAX nhằm đảm bảo mọi quốc gia trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận vaccine cho dù họ có năng lực chi trả như thế nào. Mùa Thu năm 2020, COVAX đặt ra mục tiêu rõ ràng: Mua 2 tỷ liều vaccine và phân phối đến các quốc gia thiếu vaccine trước cuối năm 2021.

Tuy nhiên, hiện nay đã là cuối tháng 5/2021, COVAX mới chuyển giao được hơn 68 triệu liều. Nói cách khác, COVAX mới chỉ đi được 3,4% quãng đường để đạt được mục tiêu nói trên.

Ác mộng này đã trở thành hiện thực. Khoảng 1,5 tỷ liều vaccine đã được phân phối trên toàn thế giới. Thế nhưng, chỉ 0,3% trong số đó đến được các quốc gia thu nhập thấp. Tại những nước như Ấn Độ và Brazil, hàng nghìn người không được tiêm chủng đang hấp hối từng ngày vì Covid-19, thậm chí con số này còn ngang bằng số người Mỹ được tiêm chủng.

Cố vấn kỳ cựu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách về chương trình COVAX, ông Bruce Aylward chia sẻ: “Mọi người hỏi tôi: ‘Điều gì khiến ông tỉnh giấc vào ban đêm? Biến chủng của virus?’. Chúa ơi, không! Chính là cách hành xử của con người, sự không sẵn lòng chia sẻ! Làm sao người khác có thể ngon giấc vào ban đêm? Họ nên được truyền sức mạnh để giải quyết điều này!”.

Nếu ông Bruce Aylward và các đồng nghiệp tại COVAX không thành công trong việc ngăn ngừa tình trạng bất bình đẳng trong vấn đề cung vaccine toàn cầu, thì đó không phải vì họ không nỗ lực. Họ đã đưa được những liều vaccine “cứu mạng” tới 124 quốc gia, từ Argentina tới Zambia, và thuyết phục các nước giàu ra tay giúp đỡ. Bà Kate Dodson, Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề y tế toàn cầu tại Quỹ COVAX, khẳng định: “COVAX là một công cụ thiết yếu. Tôi cho rằng điều này là không cần bàn cãi. Tuy nhiên, chương trình này đang khá chật vật hiện nay”.

Đâu là nguyên nhân khiến COVAX gặp khó khăn? Đâu là chướng ngại lớn nhất đang ngáng đường? Giới chuyên gia xác định ba rào cản chính: Tiền, nguồn cung vaccine và sự sẵn lòng chia sẻ vaccine toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đây đều là những vấn đề có thể giải quyết được. Và mỗi cá nhân có thể làm gì đó để chung tay giải quyết vấn đề.

“Thiếu vốn đầu tư và vốn đến quá trễ”

WHO là một trong 3 tổ chức chỉ đạo chương trình COVAX. Hai tổ chức còn lại là Gavi - một đối tác công-tư đi đầu trong nỗ lực tiêm chủng tại các quốc gia đang phát triển, và Liên minh đổi mới sẵn sàng ứng phó dịch bệnh - một tổ chức hợp tác quốc tế có mục tiêu sản xuất vaccine nhanh chóng khi dịch bệnh bùng phát.

Ba tổ chức đã hợp tác nhằm xây dựng COVAX trở thành một cơ cấu thu hút tài chính độc nhất không vì lợi nhuận. COVAX được thiết kế để hoạt động như một quỹ tương hỗ chỉ dành riêng cho vaccine.

Ý tưởng ở đây là các quốc gia thu nhập cao sẽ góp quỹ tài trợ công tác nghiên cứu và phát triển một danh mục gồm nhiều “ứng cử viên” vaccine khác nhau. Khoản đầu tư này sẽ giúp tăng khả năng tìm ra được một vaccine hiệu quả và phát triển để sau đó cung cấp miễn phí cho 92 quốc gia thu nhập thấp không có khả năng mua vaccine.

Tuy nhiên, nhiều chính phủ lại thực hiện các thỏa thuận song phương riêng lẻ với các công ty như Pfizer và Moderna, làm đình trệ quá trình triển khai những hợp đồng sản xuất lượng lớn vaccine dự kiến sản xuất trong năm 2021 theo cơ chế COVAX. Hệ quả là cơ chế COVAX đã không nhận được đủ số vốn cần thiết để có thể triển khai việc mua và cung cấp vaccine cho các nước nghèo.

Bà Amanda Glassman, Giám đốc chính sách y tế toàn cầu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu – một nhóm chuyên gia hoạt động phi lợi nhuận có trụ sở tại London và Washington, khẳng định: “Vấn đề chính hiện nay đó là thiếu vốn và vốn đến quá trễ. Nếu COVAX có đủ tiền ngay từ tháng 3/2020, thì việc chuyển giao vaccine có lẽ đã khác. Nếu có đủ tiền thì COVAX đã có thể dự trữ được vaccine trong khoảng thời gian từ tháng 3-7/2020”.

COVAX đã thiếu vốn để triển khai hoạt động mua vaccine. Và hiện nay, cơ chế này thậm chí còn không có nguồn vốn để mua đủ số liều vaccine đủ để tiêm cho 20% dân số ở mỗi quốc gia thu nhập thấp, thuộc nhóm nhân viên y tế và những người dễ bị lây nhiễm, trước cuối năm 2021. Để thực hiện được điều này, nó cần huy động thêm 2,6 tỷ USD nữa.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho một phụ nữ tại rạp chiếu phim được trưng dụng làm điểm tiêm chủng ở Philippines (Ảnh: BenarNews).

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho một phụ nữ tại rạp chiếu phim được trưng dụng làm điểm tiêm chủng ở Philippines (Ảnh: BenarNews).

Nguồn cung đang vô cùng khan hiếm

Thách thức lớn thứ 2 mà COVAX đang đối mặt đó là vaccine và nguồn nguyên liệu thô để sản xuất ra chúng hiện đang rất thiếu thốn. Điều này xảy ra một phần do các nước giàu đã mua rất nhiều vaccine từ sớm, như đã đề cập ở trên. Một lý do khác đó là đại dịch khiến kế hoạch sản xuất gặp khó khăn.

Nhà cung cấp chính cho COVAX là Viện Serum của Ấn Độ, tổ chức đang sản xuất vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, với tình hình đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại Ấn Độ, nguồn cung vaccine của nước này đã được chuyển sang phục vụ trong nước.

Lệnh hạn chế xuất khẩu đồng nghĩa với việc COVAX hiện nhận được ít vaccine hơn kỳ vọng và buộc phải hoãn việc cung cấp vaccine cho các quốc gia. Ông Dodson nói: “Nguồn cung đang vô cùng khan hiếm đối với Covax”. Đây là ví dụ minh họa cho việc chúng ta cần một kế hoạch toàn cầu để tăng quy mô và an ninh trong sản xuất vaccine.

Đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi nó không đơn thuần chỉ là việc xây thêm nhà máy tại nhiều quốc gia hơn với năng suất cao hơn. Thay vào đó, nó đòi hỏi sự phối hợp của nhiều yếu tố như chuyển giao bí quyết công nghệ và nhân sự tới các quốc gia thiếu thốn, chuyển nguyên liệu thô để ngăn tình trạng khan hiếm và nới lỏng quyền sở hữu trí tuệ.

Trong bối cảnh nguồn cung vaccine vẫn là một bài toán nan giải thì giới chức các công ty dược phẩm chế tạo vaccine trên thế giới như Moderna hoặc Pfizer đề cập sự cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại trước cuối năm 2021 đối với những ai đã được tiêm mũi đầu tiên ngay từ thời kỳ đầu đại dịch.

Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Pfizer Albert Bourla khẳng định: “Dữ liệu mà chúng tôi thu thập và phân tích cho thấy chúng ta sẽ cần tiêm mũi nhắc lại trong khoảng thời gian 8-12 tháng sau khi tiêm mũi đầu tiên”. Giải thích về việc này, ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm quốc gia của Mỹ, nói rằng kháng thể chống virus corona không tồn tại mãi mãi nên chắc chắn cần phải tiêm mũi nhắc lại trong khoảng một năm sau khi tiêm mũi cơ bản đầu tiên.

“Hãy tặng một liều vaccnine”

Cuối cùng, COVAX muốn các nước giàu chia sẻ. Điều đó đồng nghĩa các nước giàu cần chia sẻ những liều vaccine đã được chuyển giao cho họ. Ví dụ, Mỹ hiện có khoảng 73 triệu liều đang nằm trong kho dự trữ. Tuy nhiên, sẽ là lý tưởng hơn nếu các nước giàu tặng lại vaccine trước khi chúng tới tay họ. Ông Aylward giải thích rằng việc tặng lại các nước khác sau khi đã nhận về nước mình sẽ khó khăn vì liên quan đến công tác vận chuyện đảm bảo vaccine được bảo quản lạnh không bị gián đoạn ở bất kỳ khâu nào.

Ngoài ra, ông Aylward cho rằng khi những liều vaccine mới được rao bán trực tuyến, các nước giàu không nên “tranh chỗ” để được nhận vaccine trước. Nếu họ đã ký hợp đồng với nhà sản xuất vaccine, bản hợp đồng sẽ giữ chỗ cho họ trong danh sách khách hàng chờ, song họ có thể, và nên, nhường lại chỗ đó cho các quốc gia đang cần vaccine khẩn cấp hơn.

Đọc thêm