Mỹ, EU dỡ bỏ cấm vận với Iran

(PLO) - Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran sau khi Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 16/1 xác nhận Iran đã thực hiện tất cả các cam kết của nước này theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được hồi mùa hè năm ngoái.
Bà Federica Mogherini - người phụ trách vấn đề chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, trong cuộc họp báo chung ngày 16/1 tại Vienna, Áo. Ảnh: Reuter
Bà Federica Mogherini - người phụ trách vấn đề chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, trong cuộc họp báo chung ngày 16/1 tại Vienna, Áo. Ảnh: Reuter
Theo AFP, việc EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran được người phụ trách chính sách đối ngoại của khối là bà Federica Mogherini công bố trong một cuộc họp chung với Ngoại trưởng Mohammad Jawad Zarif tại Vienna.
“Vì Iran đã thực hiện đầy đủ các cam kết của nước này nên hôm nay các trừng phạt kinh tế và tài chính đa phương và của từng nước liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran sẽ được dỡ bỏ theo đúng thỏa thuận đạt được hồi tháng 7 năm ngoái” – bà Mogherini cho hay. 
Thông báo trên được đưa ra chỉ ít lâu sau khi tất cả 28 nước thành viên của EU nhất trí với quyết định này và việc hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ có hiệu lực từ đêm 16/1.
Theo AP, trong số các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran được dỡ bỏ có các lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc  (LHQ) áp đặt trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2010 nhằm gia tăng áp lực đối với Tehran để buộc nước này kiềm chế việc làm giàu uranium cùng các hoạt động khác phục vụ cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã ký sắc lệnh điều hành dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các nhà ngoại giao hàng đầu của Iran cũng như EU đã lên tiếng ca ngợi thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa các bên vào năm ngoái, sau nhiều lần bị trì hoãn. “Ngày hôm nay đánh dấu ngày đầu tiên của một thế giới an toàn hơn. Tối nay, chúng ta một lần nữa thấy được sức mạnh của ngoại giao trong việc giải quyết các thách thức nghiêm trọng” – ông Kerry tuyên bố. 
Ngoại trưởng Mỹ cũng kết nối tiến trình xây dựng lòng tin giữa Iran và Mỹ trong suốt 2 năm qua với việc Iran ngày 16/1 đã phóng thích 4 công dân Mỹ mang cả quốc tịch Iran. “Nhờ những nỗ lực đàm phán tích cực, chúng ta đã có được những bước đột phá trong cả các cuộc đàm phán về hạt nhân lẫn nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được việc phóng thích các công dân Mỹ” – ông nói tiếp. 
Đổi lại, Mỹ sẽ ân xá hoặc hủy bỏ các cáo buộc chống lại 7 người Iran, trong đó có 6 người mang quốc tịch kép bị cáo buộc hoặc buộc tội vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mỹ cũng sẽ gỡ bỏ các cảnh báo đỏ Interpol đối với một số nghi phạm người Iran đang bỏ trốn. 
Việc các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran được gỡ bỏ là một thành công của các nỗ lực quốc tế do Mỹ đứng đầu nhằm kiềm chế khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Với Iran, việc các nước phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt về kinh tế vốn được áp đặt trong nhiều năm qua đối với nước này đồng nghĩa với việc Tehran sẽ có thể tiếp cận với 100 tỉ các tài sản đã bị đóng băng và có được những cơ hội mới để cải thiện nền kinh tế của nước này. 
Ngoài việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và mở khóa cho những tài sản đã bị đóng băng, chứng nhận của IAEA cũng mở đường cho việc Iran bán dầu ra thị trường quốc tế, tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới trong tương lai. Trước khi tuyên bố của IAEA được phát đi, Bộ trưởng Giao thông vận tải Iran Abbas Akhondi cho biết nước này đã đạt được một thỏa thuận với công ty Airbus để mua 114 máy bay chở khách ngay khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. 
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 17/1 cũng hoan nghênh các động thái trên, coi đây là một “trang vàng” trong lịch sử nước này. “Thỏa thuận hạt nhân là cơ hội mà chúng ta cần phải sử dụng để phát triển đất nước, cải thiện phúc lợi, tạo sự ổn định và an ninh trong khu vực” – Reuters dẫn lời ông Rouhani phát biểu khi công bố dự thảo ngân sách cho năm tài chính tiếp theo lên Quốc hội.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon thì coi đây là một “cột mốc quan trọng”, phản ánh nỗ lực tin tưởng của các bên trong việc đảm bảo thực hiện các cam kết đã thỏa thuận. Còn Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier gọi việc thỏa thuận hạt nhân chính thức có hiệu lực là “một thành công mang tính lịch sử đối với ngoại giao”.
Tuy nhiên, AFP cho biết, một số lệnh trừng phạt vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng, trong đó có các lệnh trừng phạt của EU liên quan đến vấn đề nhân quyền và lệnh cấm của Mỹ liên quan đến khủng bố. Lệnh cấm bán và xuất khẩu vũ khí thông thường và công nghệ tên lửa đạn đạo cũng sẽ vẫn được duy trì trong lần lượt 5 năm và 8 năm./.

Đọc thêm