Mỹ: 'Giải nhanh' bài toán nhập cư bất hợp pháp

(PLO) - Nhằm thể hiện quyết tâm đẩy nhanh việc trục xuất người nhập cư trái phép ra khỏi Mỹ, ngày 21/2/2017, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã ban hành các sắc lệnh mới về ngăn chặn người nhập cư trái phép và tạo thuận lợi cho việc phát hiện, bắt giữ và trục xuất những đối tượng không có cơ sở pháp lý để vào hoặc ở lại Mỹ. Ngay lập tức, dư luận Mỹ đã có những phản ứng với sắc lệnh mới này.
Những biện pháp của ông Trump chống lại di dân bất hợp pháp đã vấp phải làn sóng biểu tình
Những biện pháp của ông Trump chống lại di dân bất hợp pháp đã vấp phải làn sóng biểu tình

Sắc lệnh mới của Tổng thống Trump được ban hành trong bối cảnh sắc lệnh cũ được ông ký ngày 27/1 vừa qua tới nay vẫn chưa có hiệu lực thực thi do Thẩm phán liên bang James Robart ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh. Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 cũng ủng hộ phán quyết của Thẩm phán James Robart. Sắc lệnh mới được ông Trump đưa ra dưới dạng 2 bản ghi nhớ về việc tăng cường truy quét người nhập cư trái phép, là một phần trong kế hoạch an ninh mở rộng hơn của Tổng thống Trump. 

Nguy cơ “đè” 11 triệu người

Những nội dung chính trong kế hoạch mới này là tăng cường nguồn lực cho các cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới, mở rộng quyền hạn cho phép Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly chỉ đạo thực hiện, xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico, và thúc đẩy những nỗ lực để trục xuất những đối tượng nhập cư không có giấy tờ hợp pháp.

Các quy định mới cũng sẽ tạo điều kiện cho các nhân viên tuần tra biên giới, các nhân viên hải quan và di trú được phép nhanh chóng trục xuất ngay lập tức bất kỳ đối tượng nhập cư trái phép mà họ phát hiện, trong đó có một số ít trường hợp ngoại lệ, chủ yếu là trẻ em. 

Tuy vẫn giữ lại quy định từ thời Tổng thống Barack Obama là bảo vệ những người nhập cư đến Mỹ từ khi còn nhỏ, nhưng sắc lệnh này lại mở rộng những hạn chế so với chính quyền tiền nhiệm, vốn chỉ ưu tiên trục xuất những người nhập cư bị truy tố các tội phạm nghiêm trọng, đe dọa tới an ninh hoặc những người vượt biên mới. 

Như vậy, quyết định này đã đặt gần như toàn bộ 11 triệu người nước ngoài đang cư trú không có giấy tờ hợp pháp ở Mỹ trước nguy cơ bị trục xuất. Những người nhập cư không có giấy tờ, phần lớn đến từ Mexico và các quốc gia Trung Mỹ, vốn đã mất nhiều năm để xây dựng gia đình và tạo kế sinh nhai tại Mỹ, đang đứng trước mối đe dọa nghiêm trọng với việc lần đầu tiên bị trục xuất. 

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng John Kelly nhấn mạnh rằng, các biện pháp này là cần thiết để giải quyết một vấn đề đã “vượt quá” các nguồn lực của chính phủ. Theo các quan chức Bộ An ninh Nội địa, mặc dù theo quy định mới, bất kỳ người nhập cư trái phép nào tại Mỹ đều có nguy cơ bị trục xuất, song cơ quan này sẽ ưu tiên xử lý trước những đối tượng được cho là đe dọa tới an ninh. Những đối tượng này bao gồm những người vượt biên mới, những người phạm tội hay những người đã bị truy tố song chưa bị kết tội.

Những phản ứng trái chiều

Phản ứng về sắc lệnh mới của Tổng thống Donald Trump, nhân vật hàng đầu của Đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Ben Cardin đã cảnh báo rằng, những chỉ đạo mới về nhập cư sẽ “gây tổn hại đến an ninh quốc gia và an toàn công cộng”. Còn Thị trưởng New York Bill De Blasio lại cho rằng, các biện pháp này sẽ “làm tan vỡ các gia đình một cách không cần thiết và làm lan rộng nỗi hoảng sợ” trong các cộng đồng nhập cư.

Các nhóm ủng hộ người nhập cư cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ quyết định trên. Giám đốc điều hành Liên minh Bảo vệ quyền của người nhập cư có trụ sở ở thành phố Los Angeles, bà Angelia Salas cho rằng sắc lệnh nhập cư mới đã mở ra một “cuộc truy lùng chưa từng có tiền lệ” đối với các gia đình nhập cư. Bà Salas nhấn mạnh những nguyên tắc mới này cho thấy một “tiến trình bất hợp pháp” nhằm trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ đang sống và làm việc tại Mỹ. Trong khi đó, Giám đốc Dự án quyền của người nhập cư, ông Omar Jadwat nhận định chính sách nhập cư mới của chính quyền Mỹ sẽ phải đối mặt với các thách thức pháp lý mạnh mẽ.

Tổng thống Donald Trump đã ban hành các sắc lệnh mới về ngăn chặn người nhập cư trái phép
Tổng thống Donald Trump đã ban hành các sắc lệnh mới về ngăn chặn người nhập cư trái phép

Hàng xóm “lên tiếng”

Những quốc gia láng giềng của Mỹ ngay lập tức đã có phản ứng. Ngày 22/2, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray tuyên bố nước này không chấp nhận các chính sách mới về nhập cư mang tính “đơn phương” của Mỹ. 

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Videgaray khẳng định Chính phủ và người dân Mexico không chấp nhận các điều khoản mà một chính phủ đơn phương áp đặt đối với một quốc gia khác. Ông cho biết Mexico sẽ yêu cầu Mỹ chứng minh quốc tịch của những người nhập cư trước khi trục xuất họ sang Mexico, trong khi tăng cường kiểm soát biên giới nước này.

Ngoại trưởng Videgaray nhấn mạnh Mexico sẽ không ngần ngại tiếp cận các tổ chức đa phương, trước tiên là Liên Hợp quốc (LHQ), để bảo vệ quyền hợp pháp của công dân Mexico ở nước ngoài theo đúng luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Mexico đang phối hợp với các lãnh sự quán của nước này ở Mỹ để tăng cường nhận thức của người nhập cư Mexico về quyền lợi của họ.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mexico được đưa ra một ngày sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành các sắc lệnh mới về việc tăng cường truy quét người nhập cư trái phép, đặt gần như toàn bộ 11 triệu người nước ngoài đang cư trú không có giấy tờ hợp pháp ở Mỹ, phần lớn đến từ Mexico và các quốc gia Trung Mỹ trước nguy cơ bị trục xuất. 

Trong khi đó, quan chức phụ trách vấn đề nhân quyền thuộc Bộ Nội vụ Mexico Roberto Campa cho rằng kế hoạch của Mỹ trục xuất những người nhập cư không mang quốc tịch Mexico sang quốc gia Bắc Trung Mỹ này là “gây bất lợi” và “không thể chấp nhận được”. 

Còn Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục tiếp nhận những người tìm kiếm quy chế tị nạn, đồng thời sẽ tăng cường các biện pháp an ninh nhằm duy trì và đảm bảo an ninh cho người dân Canada. 

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Trudeau nêu rõ một trong những lý do Canada vẫn mở cửa là vì người dân Canada tin tưởng vào hệ thống nhập cư và sự vững chắc của đường biên giới cũng như việc giúp đỡ những người tìm kiếm sự an toàn. Ông nhấn mạnh chính phủ sẽ duy trì chính sách mở cửa với người tị nạn song hành với đảm bảo sự cân bằng giữa một hệ thống nghiêm ngặt với việc tiếp nhận những người cần giúp đỡ. 

Bộ trưởng Nhập cư Canada Ahmed Hussen cho biết nước này sẽ tiếp tục thực thi Thỏa thuận Quốc gia thứ 3 an toàn giữa Mỹ và Canada. Theo văn kiện này, các cá nhân xin tị nạn phải khai báo yêu cầu tị nạn tại quốc gia đầu tiên họ đến, hoặc Canada hoặc Mỹ. Điều này có nghĩa Canada phải gửi trả phía Mỹ bất cứ người tị nạn nào vượt biên từ Mỹ vào Canada. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động cảnh báo điều này sẽ khiến nhiều người di cư trốn vào Canada ở những nơi hẻo lánh và có thể gặp nguy hiểm do thời tiết khắc nghiệt của nước này. 

Do lo ngại nằm trong diện bị trục xuất theo chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều người nhập cư vào Mỹ đã chủ động sang Canada khiến các cửa khẩu ở Canada quá tải. Cơ quan quản lý biên giới của Canada ở tỉnh Quebec đã phải lập một trung tâm người tị nạn tạm thời để xử lý thủ tục cho những người xin tị nạn. Theo thống kê, số người đăng ký tị nạn tại biên giới ở tỉnh Quebec đã gần gấp đôi trong hai năm vừa qua. Con số này trong tháng 1/2017 là 452 người, gấp hơn 3 lần so với con số 137 cùng kỳ năm ngoái. 

Hoãn ra sắc lệnh mới nhằm vào người Hồi giáo

Trong một động thái có liên quan, một quan chức từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn việc ban hành tới tuần sau một sắc lệnh mới, nhằm thay thế các chỉ đạo về việc cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân 7 quốc gia đông người Hồi giáo.

Tuyên bố về một sắc lệnh mới sẽ được công bố, Tổng thống  Trump khẳng định văn kiện mới này sẽ là một sắc lệnh hành pháp toàn diện để bảo vệ người dân Mỹ, giúp tháo gỡ các lo ngại pháp lý mà bang Washington, thành phố San Francisco và nhiều chính quyền địa phương khác bày tỏ đối với sắc lệnh ban đầu được ông ký và ban hành ngày 27/1 vừa qua. 

Chính quyền Mỹ đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ chính giới, hệ thống tư pháp tại nhiều bang liên quan sắc lệnh cấm nhập cảnh do Tổng thống Trump ban hành từ cuối tháng 1 vừa qua. Theo quyết định này,  người tị nạn bị cấm nhập cảnh Mỹ trong vòng 120 ngày, người tị nạn từ Syria bị cấm vào Mỹ vô thời hạn, trong khi công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen sẽ không được vào Mỹ trong vòng 90 ngày. Ông Trump cho rằng sắc lệnh này là nhằm bảo vệ Mỹ trước mối đe dọa khủng bố của các đối tượng cực đoan.

Tuy nhiên, sắc lệnh này tới nay chưa có hiệu lực thực thi do Thẩm phán liên bang James Robart tại thành phố Seattle, bang Washington đã ra phán quyết ngăn chặn với lý do quyết định trên đi ngược với Hiến pháp Mỹ. Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 đã ủng hộ phán quyết của Thẩm phán Robart, động thái bị Tổng thống Trump chỉ trích là “đi quá xa” và mang động cơ chính trị. Đây cũng là lần hiếm hoi trong lịch sử nước Mỹ khi một sắc lệnh của chính phủ vấp phải sự phản đối gay gắt không chỉ của công chúng mà còn của chính giới. 

Trước đó, khoảng 100 tập đoàn ở Mỹ, trong đó có Apple, Google, Microsoft đã cùng đệ đơn lên Tòa phúc thẩm liên bang của Mỹ phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump với lý do quyết định này ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ. Trong khi đó, người đứng đầu ngành hành pháp tại 15 bang và thủ đô Washington D.C cũng đã cùng đệ đơn kiến nghị nhằm ủng hộ vụ kiện chống lại lệnh cấm nhập cảnh.

Thực tế, những biện pháp của ông Trump chống lại di dân bất hợp pháp đã vấp phải làn sóng biểu tình trong thời gian qua ở Mỹ, kêu gọi “Một ngày không di dân” để nhấn mạnh tầm quan trọng của dân nhập cư, chiếm 13% dân số Mỹ, hay hơn 40 triệu người được nhập tịch Mỹ. Việc ban hành sắc lệnh mới về ngăn chặn người nhập cư trái phép báo hiệu một sự chuyển hướng đột ngột về chính sách nhập cư so với thời của Tổng thống Obama và George W.Bush, cho thấy nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm thực hiện cam kết tranh cử tổng thống là siết chặt luật nhập cư để ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia và gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ...