Mỹ, New Zealand, Australia 'siết' thị thực lao động tay nghề cao

(PLO) - Chỉ một ngày sau khi Mỹ và Australia thông báo sẽ siết chặt việc cấp thị thực cho lao động trong các ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao, New Zealand ngày 19/4 cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Ông Trump ký sắc lệnh điều hành mới

Theo AP, sắc lệnh được gọi là “Mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ” được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tại trụ sở công ty chuyên sản xuất thiết bị Snap-on ở Kenosha, Wisconsin. Sắc lệnh này nhắm vào chương trình thị thực cho lao động có chuyên môn cao H-1B mà theo Nhà Trắng đã giúp đưa một lượng lớn lao động nước ngoài với giá thuê thấp hơn vào nước Mỹ, lấy đi công việc của người Mỹ và làm giảm giá nhân công ở nước này. “Chúng ta sẽ bảo vệ người lao động, bảo vệ công việc của chúng ta và cuối cùng là đặt nước Mỹ lên trên hết” – ông Trump tuyên bố. 

Tuy nhiên, tương tự một số sắc lệnh điều hành được đưa ra trước đó, sắc lệnh mới của ông Trump không đưa ra những quyết định thay đổi mà chỉ yêu cầu các cơ quan trong Chính phủ đề xuất những quy định để ngăn chặn tình trạng gian lận nhập cư và lạm dụng chương trình thị thực H-1B. Các cơ quan trong Chính phủ được yêu cầu nghiên cứu để đưa ra những đề xuất thay đổi đảm bảo thị thực H-1B chỉ được trao cho những người nộp đơn có chuyên môn cao nhất hay được trả lương cao nhất.

Mỗi năm, Chính phủ Mỹ cho phép 85.000 người nhập cư theo chương trình thị thực H-1B – thị thực được áp dụng cho những cá nhân người nước ngoài làm việc trong các ngành nghề đặc biệt. Phần lớn nhân công ngành công nghệ vào Mỹ theo diện này. Các công ty công nghệ của Mỹ cho rằng chương trình H-1B là cần thiết vì nó khuyến khích các sinh viên ở lại Mỹ sau khi được đào tạo các ngành kỹ thuật cao và vì họ không thể tìm được đủ số lao động người Mỹ có những kỹ năng mà họ cần. Trong năm nay, số yêu cầu được cấp thị thực H-1B ở Mỹ đã giảm 15%, tức gần 37.000 hồ sơ nhưng vẫn lên đến gần 200.000 hồ sơ, cao hơn nhiều so với giới hạn 85.000.

Sắc lệnh được ông Trump ký ngày 18/4 cũng yêu cầu thắt chặt các quy định để đảm bảo rằng các sản phẩm được sản xuất ở Mỹ sẽ được dùng trong các dự án xây dựng liên bang nhất định và nhiều dự án giao thông vốn đã được luật định. Theo sắc lệnh này, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross sẽ tổng hợp các báo cáo và đánh giá về những biện pháp để lấp những lỗ hổng trong các quy định hiện có và đệ trình những khuyến nghị lên Tổng thống trong 220 ngày. 

Cũng trong ngày 18/4, theo Straits-Times, Australia đã bãi bỏ chương trình thị thực cho các lao động nước ngoài có tay nghề cao 457 và thay thế bằng 2 chương trình tạm thời có thời hạn là 2 năm và 4 năm. Không chỉ vậy, ứng viên cũng sẽ phải trải qua các cuộc kiểm tra tiếng Anh nghiêm ngặt hơn, phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm và phải trải qua quá trình xác nhận lý lịch của cảnh sát. Mức phí đối với các chương trình này cũng cao hơn. Việc khảo sát thị trường lao động ở Australia cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt hơn.

Theo Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, chương trình mới của nước này là để đảm bảo các công ty của Australia chỉ thuê những lao động nước ngoài để lấp khoảng trống kỹ năng của lao động trong nước. “Chúng ta sẽ đặt việc làm lên trên hết, đặt người Australia lên trên hết” – ông nhấn mạnh. Vẫn theo ông Turnbull, chương trình visa mới của Australia sẽ sớm được công bố và được thực hiện đầy đủ từ tháng 3/2018.

Một ngày sau đó, ngày 19/4, New Zealand cũng thông báo chính sách tương tự, theo Reuters. Theo Bộ trưởng Di trú New Zealand Michael Woodhouse, những thay đổi trong chính sách nhập cư của nước này sẽ được công bố vào cuối năm nay, trong đó bao gồm quy định về mức lương tối thiểu khiến các thành viên trong gia đình người có thị thực khó nhập cư hơn đồng thời hạn chế số lao động mùa vụ được phép ở lại nước này.