New York Times dẫn kết quả phân tích chung với ProPublica cho biết khả năng xung đột lợi ích đang gia tăng trong các nhân sự của nhóm hành pháp ở Mỹ khi các quan chức trong Nhà Trắng của ông Trump cho đến nay được phát hiện có liên quan tới hơn 300 công ty.
Trong đội ngũ quan chức tại Nhà Trắng và các cơ quan liên bang hiện có hơn 40 người từng là những nhà vận động hành lang, với ít nhất 2 trường hợp bổ nhiệm nhân sự có thể đã vi phạm các quy tắc về đạo đức của chính quyền.
Một trường hợp như vậy được chỉ ra là ông Michael Catanzaro – hiện đang là cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về lĩnh vực năng lượng. Cho đến tận cuối năm ngoái, ông này vẫn đang là một nhà vận động hành lang cho các công ty năng lượng lớn của Mỹ như Công ty dầu khí Devon ở Oklahoma, Công ty năng lượng Talen chuyên về nhiệt điện than ở Pennsylvania.
Tại thời điểm đó, ông Catanzaro tích cực vận động chống lại các quy định về môi trường có từ thời ông Obama, trong đó có Kế hoạch năng lượng sạch. Và đến bây giờ, ông Catanzaro lại là người xử lý các vấn đề này, nhưng trên cương vị đại diện Chính phủ.
Một trường hợp khác là ông Chad Wolf – người trong vài năm trước là nhà vận động để Cục quản lý an ninh giao thông vận tải đồng ý chi hàng trăm triệu USD trang bị thiết bị kiểm tra hành lý xách tay mới. Giờ, ông lại là người phụ trách cơ quan trên và Cục quản lý an ninh giao thông vận tải hiện đã đang tiến hành thử thiết bị đó. Một số trường hợp tương tự cũng đã xuất hiện ở Bộ Lao động Mỹ.
Theo New York Times, việc bổ nhiệm những người từng là những nhà vận động hành lang làm quan chức trong Chính phủ không phải là hiện tượng mới ở Washington. Cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ từ lâu vẫn có những trường hợp bổ nhiệm như vậy.
Tuy nhiên, các quan chức của chính phủ của ông Trump được cho là dễ xảy ra xung đột lợi ích hơn so với chính phủ trước đó, nhất là khi tổng thống hồi tháng 1 vừa qua đã bỏ quy định đạo đức cấm những nhà vận động hành lang trở thành quan chức trong các cơ quan mà họ từng vận động trong vòng 2 năm trước, khiến những người này có thể được trao quyền giải quyết những vấn đề có lợi cho khách hàng cũ.
“Như vậy là không minh bạch” – ông Walter M. Shaub Jr., Giám đốc Văn phòng đạo đức chính phủ, đơn vị tư vấn cho các cơ quan liên bang của Mỹ trong việc tuân thủ các quy định đạo đức liên bang như cấm quan chức lợi dụng vị trí để trục lợi, nói.
Ngoài ra, theo các tài liệu do Nhà Trắng công bố, những người được ông Trump bổ nhiệm vào chính phủ cho đến nay đều giàu có hơn, có các khoản tài chính và quan hệ với lĩnh vực tư phức tạp hơn nhiều so với các nhân sự trong chính quyền của ông Obama ở thời điểm ông mới nhậm chức. Điều này khiến nguy cơ xung đột lợi ích giữa việc đảm nhiệm chức vụ mới với các khoản đầu tư hay trong quan hệ với khách hàng cũ… của các quan chức này gia tăng hơn nhiều.
Hôm 14/4 vừa qua, Nhà Trắng còn thông báo sẽ chấm dứt việc cung cấp thông tin về các chuyến viếng thăm của những giám đốc điều hành các doanh nghiệp, những nhà vận động hành lang… - những người vốn thường đến Nhà Trắng để tìm cách gây ảnh hưởng đến chính sách liên bang. Việc thay đổi chính sách như vậy đã dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ từ những nhà vận động đạo đức chính phủ trên khắp nước Mỹ.