Mỹ bất ngờ tấn công Syria: “Nước cờ” nhiều chia rẽ và nghi ngờ

(PLO) - Quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ quân sự Syria đã làm đảo lộn mọi phân tích gần đây về chiến lược của Mỹ tại quốc gia Trung Ðông này. 
Một phần hậu quả vụ không kích
Một phần hậu quả vụ không kích

Ðộng thái lần đầu can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ vào Syria đã gây hoài nghi về việc vũ khí hóa học có thể một lần nữa được sử dụng làm “nước cờ” trong những toan tính ở Syria. Ðiều này thậm chí gây chia rẽ ngay trong nội bộ chính quyền Mỹ và là đòn giáng mạnh vào mối quan hệ Nga - Mỹ.

Bất ngờ không kích

Ngày 7/4, nhằm đáp trả vụ tấn công mà Mỹ và một số nước cáo buộc là vũ khí hóa học của chính quyền Syria hôm 4/4 tại thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib, miền Nam Syria, khiến 87 dân thường thiệt mạng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội bắn 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của quân đội chính phủ Syria tại tỉnh Homs, miền Trung nước này. 

Quân đội Syria xác nhận cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình từ các tàu chiến Hải quân Mỹ trên Địa Trung Hải nhằm vào căn cứ không quân Sharyat đã làm hư hại hoặc phá hủy 20% phi đội máy bay của Syria, cùng các kho nhiên liệu, đạn dược và năng lực phòng không của quốc gia Trung Đông này. Vụ không kích đã khiến 6 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Sau khi quân đội Mỹ không kích căn cứ quân sự của Syria, các nước đã đưa ra những phản ứng trái chiều. Syria, Nga và Iran đều đã lên tiếng phản đối, coi đây là hành động thể hiện sự không sẵn sàng hợp tác của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, Đức, Anh, Pháp và Canada đã hoan nghênh động thái này của chính quyền Tổng thống Trump khi cho rằng cuộc tấn công là “lời cảnh báo” đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, củng cố lại lập trường các nước phương Tây sẽ không chấp nhận sự hiện diện của ông al-Assad trong tương lai của Syria.

Tiếp đó, ngày 10/4, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố Mỹ có thể phát động tấn công nhằm đáp trả các vụ tấn công sử dụng bom thùng và vũ khí hóa học tại Syria. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Sean Spicer cho biết: “Nếu các người tấn công một đứa trẻ bằng hơi ngạt và trút bom thùng xuống đầu người dân vô tội, tôi cho rằng các người sẽ thấy hành động đáp trả của Tổng thống Mỹ”. 

Thậm chí, còn có nguồn tin cho rằng, cố vấn an ninh mới của Tổng thống D. Trump, ông Herbert Raymond McMaster đã chuẩn bị kế hoạch triển khai 150.000 binh sĩ đến Syris và thời gian dự kiến tiến hành từ ngày 1/6/2017. Nếu như nguồn tin này là chính xác thì dường như cuộc tấn công này là tín hiệu mở đầu cho chiến dịch quân sự mới của Mỹ trên chính trường Syria. Họ đã chuẩn bị mọi nguồn lực và sẵn sàng can thiệp sâu hơn, toàn diện hơn vào quốc gia Arập.

Bước ngoặt can dự

Lần đầu tiên kể từ khi bùng phát cuộc xung đột tại Syria 6 năm trước, Mỹ đã trực tiếp tấn công các mục tiêu của chính quyền Tổng thống al-Assad. Đây là điều khiến dư luận bất ngờ, bởi người đứng đầu Nhà Trắng gần như đã thay đổi hoàn toàn quan điểm mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 11/2016, cũng như những tuyên bố gần đây rằng không còn coi việc lật đổ chế độ Assad là một ưu tiên hàng đầu.

Hành động của Washington, và sau đó là các tuyên bố của giới chức chính quyền Tổng thống Trump đang khiến dư luận hoang mang về đường hướng chính sách sắp tới của Mỹ trong vấn đề Syria, về tương lai mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh của Syria, cũng như về quyết tâm của Mỹ trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến dai dẳng tại quốc gia Trung Đông này.

Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định quan điểm quân sự của Mỹ không thay đổi, ưu tiên của Washington là đánh bại IS, sau đó mới là nỗ lực thúc đẩy “tiến trình chính trị” nhằm mang lại ổn định cho Syria. Và trong tiến trình này, người Syria sẽ quyết định tương lai của Tổng thống Assad song phát biểu của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ có nhiều trái ngược với khẳng định của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley.

Bà Haley cho rằng Mỹ có hàng loạt ưu tiên ở Syria, rằng hòa bình không thể đạt được chừng nào ông Assad còn làm Tổng thống. Thậm chí, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster khẳng định Washington đã chuẩn bị cho các hành động quân sự can thiệp mạnh hơn nữa tại Syria nếu cần thiết. Những tuyên bố này đang khiến chính các nhà lập pháp Mỹ lúng túng không hiểu rõ lập trường của Nhà Trắng về tương lai Tổng thống al-Assad.

Quy mô và hiệu quả của cuộc tấn công là điều được dư luận quan tâm. Theo tờ Washington Post, mặc dù hứng chịu nhiều thiệt hại sau vụ tấn công nhưng chỉ sau 24 giờ, căn cứ không quân Shayrat của Syria đã hoạt động trở lại.

Các nhà phân tích nhận định, những hạn chế về quy mô của cuộc tấn công có thể củng cố quan điểm rằng Mỹ không thực sự quan tâm với mục tiêu đánh bại ông Assad, và dường như cuộc tấn công mang tính “biểu tượng” nhiều hơn. Nhưng nếu đúng như mục đích Mỹ tuyên bố là tấn công để trừng phạt Syria về sử dụng vũ khí hóa học, thì liệu việc không kích 59 quả tên lửa vào căn cứ Shayrat đã đạt được mục đích hay chưa? 

Dư luận cũng cho rằng, việc Mỹ bất ngờ tấn công Syria được coi là đòn giáng mạnh vào quan hệ Nga-Mỹ, hai quốc gia ủng hộ hai phe đối địch ở Syria, thậm chí có nguy cơ gây ra cuộc đối đầu giữa hai cường quốc. Theo giới phân tích, dù tính toán thực sự của Mỹ là gì thì cuộc không kích nhằm vào quân đội Syria cũng cho thấy bước ngoặt trong chính sách can dự của Washington đối với các điểm “nóng” trên thế giới, và chắc chắn không tránh khỏi những tác động khó lường.

Đọc thêm