Mỹ: Nguồn cơn làn sóng người tự nhận “năng lực siêu nhiên”

(PLO) - Ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ 2018, một nhóm những người tự nhận mình là phù thủy đã tập trung tại Brooklyn, New York, để thực hiện lễ yểm bùa lên thẩm phán Tòa tối cao Brett Kavanaugh.
Một phù thủy Salem trình diễn phép thuật trong một lễ hội phép thuật diễn ra vào Halloween năm 2018
Một phù thủy Salem trình diễn phép thuật trong một lễ hội phép thuật diễn ra vào Halloween năm 2018

Dakota Bracciale, chủ cửa hàng phép thuật nơi diễn ra sự kiện này, đọc những câu thần chú và nói: “Hãy cho chúng ta sự dũng cảm và áo giáp để chúng ta chiến đấu với một kẻ thù dường như không thể vượt qua”.

Đây là một phần trong bộ phận những người yêu thích phép thuật ở Mỹ. Họ có thành phần rất đa dạng, từ những cô gái trẻ thích bói bài tarot đến những người chuyên tu luyện các chiêu thức tâm linh có nguồn gốc từ châu Phi. Họ thường tập trung ở các thành phố lớn dọc bờ biển phía Đông nước Mỹ, đặc biệt là New York.

Trong cuốn sách Những phù thủy của nước Mỹ vào năm 2015, tác giả Alex Mar cho rằng có rất nhiều người tự nhận là phù thủy ở quốc gia này. Sự gia tăng những người hâm mộ phép thuật được cho là kết quả của việc ngày càng có nhiều người vô thần ở Mỹ.

Theo một báo cáo từ Trung nghiên cứu Pew, những người không theo bất cứ tôn giáo là bộ phận tăng nhanh nhất trong thành phần dân số Mỹ từ năm 2007 đến năm 2014. Trong khi đó số người theo đạo Cơ đốc, tôn giáo lớn nhất ở Mỹ, giảm 7,8% trong thời gian này.

Trong một bài viết đăng trên Washington Post hôm 13/11, nhà bình luận Christine Emba lý giải rằng trong lịch sử, việc tin vào các hoạt động tâm linh thường gia tăng trong những thời khắc của khủng hoảng, khi mọi người cảm thấy bất lực hoặc mất kiểm soát với những gì diễn ra xung quanh họ.

Chủ nghĩa tâm linh phát triển vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tại các nước nói tiếng Anh là một sự phản ứng của con người trước cuộc Cách mạng Công nghiệp. Phong trào Kỷ nguyên mới (New Age) diễn ra ở phương Tây vào những năm 1960 phản ánh những biến động văn hóa trong giai đoạn này.

Và việc gia tăng các hoạt động tâm linh vào lúc này cũng cho thấy đây là một thời điểm quan trọng trong lịch sử Mỹ, khi xã hội chia rẽ sâu sắc và một bộ phận người dân cảm thấy không còn hy vọng.

Theo bà Emba, một vấn đề khác cũng ảnh hưởng đến không khí của xã hội Mỹ lúc này là sự bi quan. Theo một khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Mỹ vào năm 2017, 63% người được hỏi cho biết họ cảm thấy khá căng thẳng về tương lai đất nước. Những người thuộc thế hệ Millennials tiếp tục là những người bi quan nhất, nhóm này luôn đứng đầu về tỷ lệ căng thẳng trong các khảo sát kể từ năm 2014.

Thật khó để trách họ khi những thông tin nổi bật nhất ở nước Mỹ đều không có gì tích cực, chính phủ chia rẽ, các thảm họa tự nhiên liên tiếp diễn ra và tương lai của Trái Đất trở nên xám xịt vì biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, việc công nghệ đi quá sâu vào đời tư cá nhân có lẽ khiến họ cảm thấy bị mất tự do. "Có cảm giác rằng những vấn đề này sẽ chỉ được giải quyết bằng một năng lực siêu nhiên nào đó", nhà bình luận viết.

“Rất nhiều người đang cảm thấy vô vọng, việc thực hành phép thuật cho bạn một cảm giác rằng bạn có thể kiểm soát được tình hình”, bà Emba dẫn lại lời của Teighe Thorsen, một người tự nhận là phù thủy. Thorsen là một phụ nữ 30 tuổi, người sáng lập một câu lạc bộ phù thủy tại thủ đô Washington có tên CityWitches vào năm 2016.

Thorsen cũng cho rằng: “Sức mạnh quan trọng nhất của tâm linh là việc nó giúp bạn giảm áp lực với bản thân”. Việc trở thành phủ thủy cũng là một cách để bạn hướng nội, hiểu con người của mình hơn trong một thế giới mà mọi thứ xảy ra “với bạn” thay vì “cho bạn”.

Bài bình luận kết thúc bằng câu: "Cuộc tìm kiếm ý nghĩa trở nên cấp thiết hơn vì những điều chắc chắn khác đã sụp đổ; yêu cầu của thế hệ thiên niên kỷ cần một lối đi ngày càng khẩn khoản. Nhưng có lẽ thế hệ này đang nhận ra rằng họ có thể phải tự tạo ra phép thuật cho chính mình".

Đọc thêm