Dạy nghề: "Một bên chơi luật cờ vua, bên kia chơi cờ tướng"!

(PLO) - Câu nói chua chát trên là của một Giáo sư thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực khi luận bàn về những bất cập và chồng chéo giữa các Bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hiện nay.
Dạy nghề: "Một bên chơi luật cờ vua, bên kia chơi cờ tướng"!
Sau khi PLVN đăng các bài viết liên quan đến sự chia cắt trong thẩm quyền quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN), chúng tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề nên giao cho Bộ nào (GD&ĐT hay LĐTB&XH) quản lý lĩnh vực này? Việc chia cắt trong quản lý sẽ gây ra những hệ lụy gì?. 
PLVN xin giới thiệu ý kiến của ông Hoàng Xuân Kỳ, Chuyên gia trong lĩnh vực GDNN.
Hai Bộ quản lý những công việc gần như nhau
Ngay từ năm 1998, khi Chính phủ  ban hành Nghị định 33/1998/NĐ-CP về việc thành lập Tổng cục dạy nghề thì  công tác dạy nghề đã được giao về cho Bộ LĐTB&XH quản lý với lý do dạy nghề gắn với việc làm. (Việc làm phải do các chính sách phát triển kinh tế quyết định. Vậy cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) hay thạc sĩ…không gắn với việc làm hay sao?). 
Có thể nói đây là một cái sai của ngành giáo dục khi không quan tâm sớm công tác dạy nghề mà chỉ mải mê đổi mới ở giáo dục ĐH và giáo dục phổ thông. 
Quyết định chuyển công tác dạy nghề cho Bộ LĐTB&XH quản lý chỉ với lý do dạy nghề gắn với việc làm và trong lịch sử thì dạy nghề ở lâu hơn với ngành lao động. Chính vì sai lầm trên đã kéo theo hàng loạt những sai lầm khác mà ngày hôm nay hệ thống giáo dục đào tạo đang hứng chịu.
Thứ nhất, hệ thống giáo dục bị tách ra làm hai mảng do hai Bộ quản lý, nhưng họ lại làm những công việc gần như nhau về xây dựng chính sách, chiến lược, cơ chế về đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình, giáo trình, kiểm định chất lượng…
Cơ chế trên còn hình thành thêm cơ quan chức năng về quản lý học sinh, sinh viên ở hai Bộ- dẫn đến lãng phí tiền ngân sách  tốn gấp hai lần. Chất lượng đào tạo vì thế sau gần hai thập kỷ vẫn chưa tạo ra sự đột phá. 
Ông Hồng Long, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề đã từng phát biểu chua xót tại Hội thảo xây dựng Luật dạy nghề: “Mười năm dạy nghề vẫn chưa thành nghiệp”.
Một buổi học nghề (Ảnh minh họa từ Internet)
Một buổi học nghề (Ảnh minh họa từ Internet) 
Thứ hai, hệ lụy của sự chia cắt trên đã tạo thêm đầu mối quản lý. Ở địa phương sẽ có hai Sở chịu trách nhiệm quản lý công tác GDNN, đồng thời “mọc” thêm phòng dạy nghề thuộc sở LĐTB&XH nhưng lại gồm những cán bộ không có kinh nghiệm GDNN để quản lý. 
Trên địa bàn cấp quận huyện tồn tại ít nhất 3 trung tâm đều có nhiệm vụ dạy nghề: Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp. Các trung tâm này chịu sự quản lý của hai Sở GD&ĐT và LĐTB&XH, có hai nguồn kinh phí cấp về theo hai kênh quản lý nhà nước. 
Điều đáng nói, các trung tâm trên đã tách bạch giữa dạy nghề và dạy chữ (Trung tâm dạy nghề chỉ có dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên chủ yếu dạy bổ túc văn hóa) nên người học rất khó khăn trong việc vừa muốn học chữ để hết trình độ văn hóa trung học phổ thông và vừa học nghề. 
Phá vỡ tính hệ thống cả về giáo dục và việc làm
Khi Luật sửa đổi bổ sung Luật giáo dục năm 2005 và Luật dạy nghề có hiệu lực vào năm 2007 đã sinh ra 3 trình độ trong dạy nghề (sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề - với mục đích thu hút người học), điều này đã làm phá vỡ tính hệ thống cả về giáo dục đào tạo và thị trường việc làm. 
Khi định ra trung cấp nghề và CĐ nghề không hề có một nghiên cứu nào đối với thị trường lao động trong và ngoài nước, cũng không nghiên cứu xu hướng về những nghề nào sẽ phải đào tạo ở trình đô nào…mà tất cả nhốt vào một “rọ”. 
Chính vì thế, cùng gọi là CĐ nhưng chương trình của CĐ nghề hoàn toàn khác CĐ và khác nhiều so với chương trình của thế giới. Đến ngày hôm nay, hàng triệu lao động vốn có bậc thợ từ bậc 2 đến bậc 7 không biết quy đổi thế nào với các trình độ dạy nghề. 
Người học thì mải mê chen chân vào các trường CĐ hay ĐH do Bộ GD&ĐT quản lý, nhưng nhiều địa phương có trường nghề xây dựng hàng trăm tỉ đồng đã không có đủ người học như thiết kế, trong khi đất nước vẫn thiếu lao động có tay nghề. 
Ngày nay, với các trình độ không thống nhất, thiếu định nghĩa minh bạch, tất yếu sẽ dẫn đến khó khăn cho hội nhập quốc tế về giáo dục và việc làm. Người lao động của ta ra bên ngoài đang chịu những thua thiệt thực sự so với các quốc gia khác. Đây chính là sai lầm thứ ba.
Rất nhiều chuyên gia về giáo dục đào tạo, các nhà tài trợ nước ngoài đến Việt Nam đều không hiểu nổi hệ thống giáo dục đào tạo nói chung và GDNN nói riêng của Việt Nam. Hệ thống giáo dục đào tạo bị cắt khúc quản lý đã dẫn đến việc công nhận chất lượng văn bằng chứng chỉ trong một quốc gia có đến hai cơ quan cùng tham gia quản lý, khiến cho người học và các đối tác nước ngoài rất khó khăn trong việc đầu tư vào lĩnh vực này. 
Mỗi Bộ có một “luật” riêng về đảm bảo chất lượng, kiểm định do vậy người học không thể có điều kiện được công nhận miễn trừ thành tích của mình trong quá khứ để học tiếp lên cao hơn. Nói như GS. Nguyễn Minh Đường (Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) là: "Một bên chơi luật cờ vua, bên kia chơi luật cờ tướng thì liên thông thế nào?”.
Sai lầm thứ năm chính là sai lầm về công tác quản lý nhà nước, điều này dẫn đến sự bất bình đẳng ngay trong lòng hệ thống. Các trường dạy nghề công lập mỗi năm được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, trong khi các trường trung cấp chuyên nghiệp hầu như không được đầu tư từ chương trình mục tiêu. 
Trường nghề thì giáo viên được đi tu nghiệp nước ngoài, học sinh trung cấp nghề được hưởng nhiều ưu đãi, trong khi cơ sở vật chất của trường Trung cấp chuyên nghiệp thì sập xệ, sống chủ yếu bằng việc liên kết đào tạo, giáo viên không được đi tu nghiệp nước ngoài…
Kết cục, hai đối tượng Trung cấp nghề và Trung cấp chuyên nghiệp đều là người dân Việt Nam nhưng những lợi ích mà họ được hưởng từ đồng tiền thuế của dân lại khác nhau. 
Suy cho cùng là do điều phối nguồn lực quốc gia cho GDNN yếu kém./.

Đọc thêm