Theo AP, đường dây nói trên bị phát giác gần đây. Theo một cách thức lừa đảo giống hệt nhau, những đối tượng phạm tội đã giả danh các nhân viên của cơ quan thuế vụ và quản lý người nhập cư của Mỹ để gọi điện cho người dân, đe dọa sẽ bắt giữ, trục xuất hoặc áp các hình phạt khác đối với người nhận điện thoại.
Sau khi đã khiến những người này hoảng loạn, sợ hãi, những kẻ lừa đảo đã dụ “con mồi” gửi tiền cho chúng để chúng dỡ bỏ lệnh trục xuất hoặc chi trả cho những khoản thuế mà người nhận điện thoại được cho là chưa trả.
Tổng cộng ước tính đã có khoảng 1,8 triệu người ở Mỹ nhận được những cuộc điện thoại đe dọa như vậy. Trong số các nạn nhân bị lừa đảo có một phụ nữ ở San Diego đã chuyển hơn 12.000 USD sau khi bị đe dọa sẽ bị bắt nếu không nộp tiền phạt vì vi phạm quy định về nộp thuế. Một người đàn ông ở California cũng đã trả đến 136.000 USD sau khi bị gọi điện đe dọa hơn 20 ngày.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, đây là lần đầu tiên giới chức nước này phá một đường dây có quy mô lớn như vậy. Điều tra ban đầu của các cơ quan chức năng Mỹ phát hiện ít nhất 15.000 người đã bị lừa đảo và gửi hơn 300 triệu USD vào tài khoản của những kẻ phạm tội. Ngày 28/10, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố các cáo buộc nhằm vào 61 đối tượng ở Mỹ và nước ngoài bị cáo buộc có liên quan đến những vụ lừa đảo thông qua các trung tâm điện thoại có trụ sở ở Ấn Độ.
Trong vụ việc này, giới chức Mỹ cũng xác định, ngoài những đối tượng làm việc ở các trung tâm điện đàm trực tiếp gọi điện đe dọa các nạn nhân ở Ấn Độ còn có sự tham gia của những đối tượng môi giới dữ liệu ở giữa để dàn xếp việc mua tên và thông tin cá nhân của các mục tiêu tiềm năng. Ngoài ra, một nhóm những đối tượng khác ở Mỹ chịu trách nhiệm nhận tiền vào tài khoản ngân hàng và rửa tiền thông qua các giao dịch chuyển khoản hay rút tiền từ thẻ trả trước.
Trong bản cáo trạng do bồi thẩm đoàn liên bang Mỹ công bố ở bang Texas, những đối tượng đã bị bắt giữ bị khởi tố về nhiều tội danh khác nhau, trong đó có lừa đảo qua điện thoại, rửa tiền và giả danh cán bộ của Mỹ. Những đối tượng này bị bắt giữ ở nhiều thành phố khác nhau của Mỹ. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã đề nghị dẫn độ các bị cáo còn ở Ấn Độ về Mỹ để chịu điều tra và xét xử.
Giới chức Mỹ cũng cho biết vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra, truy bắt những đối tượng có liên quan đến âm mưu lừa đảo nói trên. Bên cạnh đó, giới chức Mỹ cũng khuyến cáo người dân về hình thức lừa đảo nói trên, cảnh báo họ không nên lo lắng khi nhận được những cuộc điện thoại như vậy.
“Chính phủ Mỹ không làm việc theo cách thức như vậy. Chúng tôi không bao giờ gọi điện để yêu cầu nộp tiền ngay lập tức vào các tài khoản thẻ trả trước. Các cơ quan của Chính phủ Mỹ không gọi điện để yêu cầu người dân nộp tiền ngay lập tức để tránh bị trục xuất hay tránh bị bắt giữ” – Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Leslie Caldwell, người đứng đầu bộ phận quản lý tội phạm thuộc Bộ Tư pháp, nhấn mạnh.
Trước đó, hôm đầu tháng, giới chức Ấn Độ cũng đã phá một âm mưu lừa đảo tương tự, bắt giữ 70 người và đang tiếp tục thẩm vấn hàng trăm người khác.