Mỹ phẩm hủy hoại môi trường như thế nào?
Có thể bạn không nghĩ rằng những loại mỹ phẩm mình đang sử dụng không có tác động đối với môi trường xung quanh, nhưng thực tế các sản phẩm này nguy hiểm hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
Hầu hết những sản phẩm chăm sóc da, trang điểm như sữa rửa mặt, kem tẩy tế bào chết, kem đánh răng, phấn mắt... với công dụng massage, làm sạch, tạo nhũ và tẩy tế bào chết vật lý đều có chứa hạt nhựa microbeads. Nói cách khác, đó là những quả cầu siêu nhỏ bằng nhựa, đường kính khoảng 1mm. Những hạt nhựa này có chức năng làm bóng bề mặt và làm sạch da song các nhà khoa học đang lo ngại về ảnh hưởng của chúng tới môi trường.
Tỷ lệ hạt vi nhựa trong các sản phẩm là khác nhau, có thể từ dưới 1% cho đến hơn 90% trọng lượng sản phẩm. Khi bạn sử dụng những sản phẩm có hạt vi nhựa, chúng được rửa trôi thẳng xuống cống và chảy ra sông hồ, ao biển... ngay cả ở những nước tiên tiến các loại máy lọc nước thải cũng bỏ qua những hạt vi nhựa này vì chúng quá nhỏ.
Khi chúng phát tán ra môi trường, những hạt vi nhựa cùng với đủ loại rác thải nhựa thường thấy như túi nilon, chai lọ, ống hút..v.v... làm tăng khối lượng nhựa và làm ô nhiễm đại dương. Đây trở thành là một vấn nạn toàn cầu, vì hạt vi nhựa được tìm thấy hầu hết mọi nơi trên trái đất.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Colorado và Đại học California Berkeley (Mỹ), hiện nay khói bụi từ các phương tiện giao thông còn không nguy hiểm bằng sự ô nhiễm không khí gây ra do các loại mỹ phẩm làm đẹp.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các loại mỹ phẩm cũng là một nguồn gây ô nhiễm. Họ đã xác định được hợp chất có tên là decamethylcyclopentasiloxan hoặc D5 siloxane, chứa silicon, mang nhiều điểm khác biệt so với các hợp chất hữu cơ khác. Qua tìm hiểu từ các tài liệu khoa học, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng siloxane D5 nguyên chất được sản xuất chủ yếu như một chất phụ gia cho các chất khử mùi và các sản phẩm chăm sóc tóc.
Trung bình, mọi người sử dụng các sản phẩm có chứa tổng cộng khoảng 100–200 mg D5 mỗi ngày, gần bằng trọng lượng của một nửa viên thuốc aspirin. Một phần nhỏ của các sản phẩm này cuối cùng đi xuống cống theo nước khi chúng ta tắm. Tuy nhiên, phần lớn hợp chất này còn lại trên cơ thể chúng ta và cuối cùng đi vào bầu khí quyển.
Nồng độ D5 đạt cao nhất vào buổi sáng, thời gian khi hầu hết mọi người tắm, dùng các loại mỹ phẩm và sau đó rời khỏi nhà để đi làm. Các nhà khoa học cũng quan sát thấy một lượng lớn phát thải benzene vào buổi sáng, khi mọi người lái xe đi làm. Trong giờ cao điểm buổi sáng, lượng phát thải D5 và benzen gần như tương đương.
Nói cách khác, tại thời điểm này trong ngày, lượng các chất hữu cơ bốc hơi từ cơ thể chúng ta có thể so sánh với lượng chất hữu cơ phát thải từ các phương tiện giao thông cơ giới.
Kết quả nghiên cứu này cũng ủng hộ phát hiện của nghiên cứu do nhóm của Brian McDonald thực hiện tại thành phố Los Angeles (Mỹ), chỉ ra rằng các loại mỹ phẩm phát thải các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) đạt mức tương đương với khí thải phát ra từ xăng và diesel.
Sống xanh nhờ dùng mỹ phẩm đúng cách
Cách đầu tiên để bảo vệ môi trường đó là tái sử dụng mỹ phẩm skincare. Có không ít lần chúng ta mua phải sản phẩm sữa rửa mặt không phù hợp khiến da kích ứng hoặc khô ráp. Nhưng đừng vội quẳng chai sữa rửa mặt ấy vào sọt rác nhé, hãy tái sử dụng nó như một cách bảo vệ môi trường dưới hình thức một sản phẩm làm sạch dụng cụ trang điểm của bạn.
Cọ trang điểm, mút trang điểm, bông phấn,… đều cần vệ sinh định kỳ nhằm loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn và độc tố hình thành từ cặn mỹ phẩm trang điểm cũ. Những sản phẩm sữa rửa mặt có độ pH cao có thể thay thế cho dung dịch tẩy rửa dụng cụ trang điểm chuyên dụng.
Bên cạnh đó, với những chai lọ mỹ phẩm sau khi dùng hết cũng có thể tái chế và sử dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ như bạn có thể dùng chai lọ từ các món mỹ phẩm đã dùng hết để chiết dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt, dầu tẩy trang, nước tẩy trang… để mang theo mỗi khi đi du lịch.
Hộp kem dưỡng ẩm thì dùng làm đồ chứa các vật dụng linh tinh trong gia đình như tăm bông, cúc áo, kim chỉ, hạt cườm… Đối với những chai lọ có dung tích lớn hơn thì có thể sử dụng làm những chậu cây, chậu hoa trang trí đặt trên bàn làm việc.
Bạn hãy hạn chế đến mức tối đa lượng rác thải bằng cách hạn chế dùng bông tẩy trang. Thay vào đó có thể dùng dầu tẩy trang hay sản phẩm thay thế bất kỳ mà bạn không cần thao tác với bông tẩy trang. Nếu vẫn muốn sử dụng bông hay khăn giấy tẩy trang, bạn có thể tìm mua một số dòng sản phẩm tẩy trang rất thân thiện, được chế tạo bằng chất liệu dễ phân hủy để bảo vệ môi trường.
Một cách quan trọng không kém là hạn chế tối đa và tiến đến loại bỏ các sản phẩm có chứa hạt nhựa microbeads. Do đó, bạn có thể cân nhắc sử dụng các loại tẩy tế bào chết hóa học thay vì vật lý. Nếu vẫn thích phương pháp tẩy vật lý thì các loại hạt hữu cơ tự nhiên như đường, muối, bột cám gạo... cũng có thể thay cho các hạt vô cơ.
Cuối cùng, mỹ phẩm hữu cơ (orgarnic) chính là cách để mọi người vừa đẹp vừa bảo vệ môi trường. Việc sử dụng mỹ phẩm từ chất hữu cơ sẽ giúp người dùng tránh được những tác dụng tiêu cực từ hóa chất (chất bảo quản, chất tạo màu...) vốn được sử dụng rất phổ biến trong các sản phẩm làm đẹp. Do đó sẽ hạn chế phát tán những chất gây hại ra môi trường.