Trong một tuyên bố chấm dứt các đồn đoán trong những ngày qua, ông Trump ngày 1/6 thông báo ông sẽ chấm dứt sự tham gia của Mỹ với thỏa thuận Paris ngay lập tức.
“Chúng ta sẽ rút ra. Thỏa thuận khí hậu Paris đơn giản là ví dụ mới nhất của việc Washington gia nhập một thỏa thuận gây tổn hại cho Mỹ. Từ hôm nay, Mỹ sẽ chấm dứt mọi việc thi hành thỏa thuận không có tính ràng buộc này”, ông Trump tuyên bố từ Vườn Hồng ở Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ cũng nói rằng ông sẽ tìm cách để ký một thỏa thuận mới có lợi hơn cho doanh nghiệp và người đóng thuế Mỹ.
Cựu Tổng thống Obama ngay sau đó đã bày tỏ sự bất mãn về quyết định rời bỏ thỏa thuận toàn cầu đầu tiên nhằm đưa tất cả các nước tiến theo con đường carbon thấp và bảo vệ thế giới mà chúng ta để lại cho con cái của mình.
Ông Obama cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ đã tỏ rõ sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận Paris.
Tuyên bố của ông Trump là một sự đảo ngược đáng kể chính sách từ thời Obama, làm hài lòng cơ sở ủng hộ của Đảng Cộng hòa nhưng đồng thời cũng khiến những nhà vận động vì môi trường và các đồng minh của Mỹ tức giận.
Hồi tuần trước, một nhóm 22 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã gửi thư cho ông Trump, kêu gọi ông “dứt bỏ hoàn toàn thỏa thuận Paris” với lý do việc tiếp tục ở lại trong thỏa thuận này sẽ khiến Mỹ gặp rủi ro về kiện tụng.
Trong khi đó, những người phản đối lại cho rằng việc Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận trên chính là việc từ bỏ vai trò lãnh đạo của nước này đối với thách thức quan trọng cho toàn cầu.
Còn các nhà phân tích nhận định việc Mỹ rút lui sẽ khiến thế giới khó đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong thoả thuận. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trước đó cũng kêu gọi ông Trump không phá bỏ các cam kết.
Về phía các nước khác, chỉ chưa đầy 1 giờ sau khi ông Trump đưa ra tuyên bố nói trên, Thủ tướng Italia Paolo Gentiloni, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ra một tuyên bố chung bất thường, trong đó cho biết họ lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald, đồng thời bác bỏ đề nghị của ông chỉnh sửa hiệp định toàn cầu này, Reuters cho hay.
3 nhà lãnh đạo Đức, Italia và Pháp cũng kêu gọi các đồng minh đẩy mạnh những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, cùng lúc thực hiện nhiều việc hơn nữa để giúp các nước đang phát triển thích ứng.
Cho đến nay, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã được 195 nước phê chuẩn, có tính ràng buộc về mặt pháp lý trên lý thuyết nhưng quyền hạn thi hành lại khá yếu.
Ví dụ, theo thỏa thuận, các mục tiêu về phát thải carbon không có tính ép buộc thực hiện. Theo thỏa thuận này, Mỹ cam kết cắt giảm từ 26% đến 28% lượng phát thải carbon dioxide đến trước năm 2025 nhưng nếu không đạt được mục tiêu này thì Mỹ cũng sẽ không phải chịu hậu quả nào về mặt pháp lý.