Tổng thống Trump sẽ thức tỉnh về ô nhiễm môi trường nếu đến thăm Trung Quốc

(PLO) - Ma Jun, một nhà môi trường học nổi tiếng nhất Trung Quốc nói rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nên tới thăm Trung Quốc, sự ô nhiễm ở đây sẽ làm thay đổi suy nghĩ của ông về biến đổi khí hậu. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo CNN, trước đó ông Trump gọi việc nóng lên toàn cầu là một trò lừa bịp của Trung Quốc nhằm hạn chế sự cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ. Ông cũng tuyên bố hủy bỏ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bất chấp sự đồng thuận của Tổng thống Obama và Trung Quốc. Ngoài ra, vị Tổng thống mới của nước Mỹ sẽ ngừng chi trả cho các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc.

Phía Nhà Trắng cũng đã loại bỏ một số đề cập về biến đổi khí hậu trên trang web của mình. Mới gần đây vào ngày 17/2, với 52 phiếu thuận và 46 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn ông Scott Pruitt làm người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) theo đề cử của Tổng thống Donald Trump, bất chấp sự phản đối của các nghị sĩ Dân chủ và các nhà bảo vệ môi trường, những người đang lo ngại rằng những nỗ lực thực thi luật môi trường của cơ quan này sẽ bị rút lại. 

Dẫn chứng cụ thể là, trong sáu năm giữ chức Tổng chưởng lý bang Oklahoma, ông Pruitt đã đệ trình 14 vụ kiện thách thức những quy định EPA bao gồm giới hạn phát thải carbon từ những nhà máy điện đốt than. Ông cũng kiện việc EPA gần đây mở rộng những vùng nước được quản lý theo Đạo luật Nước sạch; một luật của liên bang vấp phải sự chống đối của các ngành công nghiệp vì buộc họ phải làm sạch nước thải ô nhiễm.

Trước những suy nghĩ của ông Trump và chính quyền của Trump, ông Ma Jun nói rằng, Trung Quốc có thể cung cấp một số bài học cảnh tỉnh cho vị Tổng thống mới của nước Mỹ. “Nhiều người Trung Quốc nghĩ rằng làm giàu là mục tiêu trước tiên cần phải đạt được mà không hề suy nghĩ đến vấn đề môi trường. Chính vì vậy mà người dân Trung Quốc đang phải gánh chịu những đau khổ do chính mình gây ra”, ông Ma Jun nói.

Hiếm khi thấy bầu trời xanh

Tình trạng đốt than ở Trung Quốc đã dẫn đến phát thải khí lưu huỳnh, nitơ và carbon vượt quá mức cho phép, gây ô nhiễm môi trường chưa từng có và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Gần 60% lượng nước ngầm của Trung Quốc bị ô nhiễm, hơn 4.000 người chết mỗi năm do không khí độc hại và ô nhiễm đất có thể khiến chính phủ mất tới hơn 1.000 tỷ USD để cải tạo lại. 

 “Diễn đàn Đông Á” số mới ra có bài viết cho rằng kể từ khi phát động chính sách mở cửa và cải cách kinh tế vào cuối năm 1978, kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng ngoạn mục, giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi tình cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào than đá để thúc đẩy phát triển kinh tế. Khói mù dày đặc thường xuyên do đốt than bao phủ thủ đô Bắc Kinh và các khu vực khác.

Cụ thể nhất là thời gian gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Bắc Kinh đạt mức trên dưới 500, mức nguy hiểm cao nhất, vào hôm 1/1. Không khí lạnh giúp xua tan khói mù chút ít sáng 2/1 nhưng tình hình tiếp tục tồi tệ vào đêm cùng ngày. Chín tỉnh và các thành phố lớn ở miền Bắc và các khu vực miền Trung, bao gồm các khu đô thị lớn Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc cùng các tỉnh Sơn Đồng, Thiểm Tây và Hà Nam chìm trong khói bụi ô nhiễm. Trước đó, vào hôm 30/12, tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh đạt mức báo động cam (mức nguy hiểm cao thứ 2) và Bộ Môi trường Trung Quốc cảnh báo tình trạng ô nhiễm sẽ vẫn tiếp tục diễn biến xấu…

Ông Ma Jun là một nhà báo trẻ từ những năm 1990 và sự ô nhiễm là đề tài khiến ông vô cùng quan ngại. Ban đầu, ông nghĩ rằng sự minh bạch sẽ là chìa khóa để hành động, nhưng khi ấy tòa án không muốn cho báo chí can thiệp nhiều. Trong nhiều năm qua, chính phủ luôn cô gắng ngăn chặn các thông tin về ô nhiễm môi trường và các quan chức địa phương, những người nắm trong tay những đánh giá về sản lượng công nghiệp. Ngoài ra, các nhà vận động môi trường cũng thường xuyên bị quấy rối vì liên tục vạch trần ra thông tin về ô nhiễm môi trường và các cuộc biểu tình cũng bị kiểm soát chặt chẽ. 

Nhưng thật khó có thể bỏ qua ô nhiễm, bởi nó hiển hiện ngay trước mắt mọi người, nó đang bao trùm lên các tỉnh  phía Đông Bắc Trung Quốc và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà lãnh đạo, bởi họ cũng hít chung bầu không khí ô nhiễm này. 

Bắt đầu có hành động 

Khi những nhà báo như Ma Jun bắt đầu được công khai đăng bài về ô nhiễm, lúc này nhận thức về tác hại về ô nhiễm có sự thay đổi rõ nét. Phương tiện truyền thông bắt đầu tiếp xúc với những thông tin, sự kiện… liên quan đến ô nhiễm. 

Trong năm 2014, công ty của Ma Jun đã phát triển một ứng dụng điện thoại “Bản đồ xanh Blue Map” thông minh, phát hiện hành động gây ô nhiễm môi trường của từng công ty, góp phần bảo vệ môi trường sống. Được biết, chỉ trong năm 2014, gần 90% các thành phố lớn ở Trung Quốc không đạt chuẩn chất lượng không khí do quá trình phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế chóng mặt, gây ô nhiễm môi trường tại nước này.

Bản đồ xanh Blue Map - ứng dụng trên hệ thống điện thoại thông minh sẽ là phần mềm chỉ đích danh những hành động làm rò rỉ chất thải ra môi trường của các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Dữ liệu trên ứng dụng này được thu thập từ chính những công ty sản xuất tại Trung Quốc. “Năm 2016, chúng tôi nhận được 70.000 biên bản vi phạm. Đây là một tiến trình lịch sử. 10 năm trước khi chúng tôi bắt đầu công việc này, chúng tôi biết chúng tôi phải được minh bạch”, ông Ma Jun nói. 

Bây giờ Bản đồ xanh Blue Map là ứng dụng phổ biến với hàng triệu lượt tải về và chục ngàn người sử dụng và cung cấp những hình ảnh về những địa điểm gây ô nhiễm môi trường. “Việc đồng ý đưa ứng dụng này vào hoạt động chứng tỏ một số nhà chính trị thực sự muốn ngăn chặn và chống ô nhiễm. Bởi vì họ biết, tiết lộ thông tin cho công chúng có nghĩa là họ đã trao quyền cho công chúng và để cho công chúng nói lên những bức xúc của mình về ô nhiễm”, ông Ma Jun nói thêm. 

Hướng đến sử dụng năng lượng sạch

Trong khi Tổng thống Trump hứa hẹn sẽ khai thác mỏ “trị giá 50 nghìn tỷ USD dự trữ dầu và khí đốt, và hàng trăm năm trữ lượng than sạch”, bãi bỏ các quy định hạn chế về việc sản xuất và tiết kiệm, cứu ngành công nghiệp than, thì Trung Quốc đang tích cự đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch. 

Gần đây, Trung Quốc đã công bố đầu tư 360 tỷ USD cho năng lượng sạch vào năm 2020. Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho biết, cách này sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người dân và hạn chế phát thải khí nhà kính. Đối với Trung Quốc, năng lượng sạch không chỉ là chính sách tốt mà còn là cơ hội kinh doanh. Ước tính rằng, trong vòng một năm tới, chi phí cho năng lượng gió sẽ đủ sức cạnh tranh với các nguyên liệu hóa thạch. Trung Quốc hiện đang vượt xa Mỹ trong việc đẩy mạnh công suất điện gió, với mục tiêu đạt 200 GW vào năm 2020. 

Là quốc gia có mức độ ô nhiễm lớn nhất thế giới, Trung Quốc đóng vai trò quan trong trọng việc hạn chế tăng nhiệt độ, đồng thời cũng có thể bị buộc phải dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Việc Mỹ thay đổi quan điểm là một tin xấu đối với nỗ lực chống biến đổi khí hậu và nó có thể dẫn tới những tác động tiêu cực. Trung Quốc sẽ phải là nước đi đầu, đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang phát triển.