Những cam kết mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra trong chuyến thăm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với quốc gia vùng Vịnh trong cuộc chiến chống lực lượng “Tổ chức Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS).
“Chống lưng” cho liên quân
Chuyến công du không báo trước của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter diễn ra vào thời điểm lực lượng chống khủng bố của Iraq (CTS) hay còn gọi là “Lữ đoàn Vàng”, với sự yểm trợ của quân đội, máy bay chiến đấu và liên quân, vừa phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giải phóng các thành phố và thị trấn quan trọng ở tỉnh Anbar lớn nhất Iraq khỏi tay IS. Trong khi đó, liên quân do Mỹ đứng đầu cũng đã tiến hành 29 cuộc không kích nhằm vào 67 điểm tập kết của IS ở gần Ramadi, phá hủy một số thiết bị và phương tiện quân sự.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, việc thành phố Ramadi rơi vào tay IS giữa tháng 5 vừa qua là thất bại tồi tệ của quân đội Iraq. Thất bại này không chỉ cho thấy những hạn chế của lực lượng an ninh nước này mà còn chứng tỏ những chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại đây không đem lại kết quả như mong đợi.
Hiểu rõ những thách thức đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter đã tập trung thảo luận với các nhà lãnh đạo Iraq, trong đó có Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi và Bộ trưởng Quốc phòng Khalid al-Obeidi về chiến dịch chống IS của liên quân do Mỹ đứng đầu, tiến trình hòa giải giữa các cộng đồng sắc tộc tại Iraq, việc huấn luyện chiến đấu và trang bị cho các lực lượng quân sự của nước này…
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tuyên bố, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Iraq nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống IS. Phát biểu khi gặp các sĩ quan huấn luyện và cố vấn tại Iraq, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh, Washington sẵn sàng hỗ trợ thêm nếu Baghdad phát triển được lực lượng riêng đủ năng lực để giành lại lãnh thổ và duy trì an ninh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter |
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ thể hiện việc sát cánh với Iraq trong cuộc chiến chống IS vì những lợi ích kinh tế cũng như quân sự của Washington tại quốc gia vùng Vịnh này. Với sự hỗ trợ của Mỹ, đến nay đã có khoảng 9.000 binh sĩ Iraq và 1.800 chiến binh các bộ lạc người Sunni được huấn luyện kỹ năng chống IS.
Mới đây, khoảng 3.000 binh sĩ Iraq được Mỹ đào tạo đã được triển khai tới các vị trí xung quanh Ramadi. Đây là lần đầu tiên đội quân Iraq do Mỹ huấn luyện được triển khai cho một cuộc tấn công nhằm tiêu diệt những tay súng IS. Mỹ hiện có khoảng 3.500 binh sĩ và cố vấn quân sự đang làm nhiệm vụ tại nước này.
Nhằm tăng cường tiềm lực cho lực lượng không quân trong cuộc chiến chống IS, hồi đầu tháng 7 này, Mỹ đã bàn giao cho Iraq 4 máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên, một phần trong hợp đồng đặt mua chiến đấu cơ loại này của
Baghdad. Việc Iraq tiếp nhận chiến đấu cơ F-16 hiện đại được kỳ vọng sẽ củng cố năng lực của phòng không nước này bên cạnh các nước thuộc liên minh quốc tế trong cuộc chiến nhằm đẩy lùi các lực lượng phiến quân IS.
Thực tế cho thấy, tình hình an ninh tại Iraq đã xấu đi nghiêm trọng kể từ tháng 6/2014 khi bùng nổ các cuộc xung đột đẫm máu giữa lực lượng an ninh Iraq và phiến quân IS. Lực lượng phiến quân này đã nắm quyền kiểm soát thành phố miền Bắc Mosul và sau đó chiếm các vùng lãnh thổ ở Nineveh và các tỉnh khác chủ yếu của người Sunni sinh sống. Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp quốc (LHQ), kể từ đầu năm 2014 tới nay đã có khoảng 15.000 dân thường thiệt mạng và 30.000 người bị thương trong cuộc xung đột vũ trang ở Iraq liên quan tới IS.
Một số nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa Mỹ và nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, việc một số thành phố, điển hình là Ramadi, ở Iraq bị rơi vào tay phiến quân là do sai lầm của chính quyền Tổng thống Barack Obama chỉ thuần túy dựa vào sức mạnh của không quân.
Tuy nhiên, khi Mỹ đã quyết tâm thay đổi chính sách tại Trung Đông và phải rất khó khăn để quyết định rút quân khỏi Iraq thì việc tiếp tục theo đuổi kế hoạch hỗ trợ lực lượng quân sự Iraq tự bảo vệ đất nước và đương đầu với IS là cách tiếp cận hợp lý. Do vậy, chuyến đi của Bộ trưởng Carter đã gửi đi thông điệp rằng, Mỹ vẫn tiếp tục sát cánh với Iraq để đối phó với tổ chức khủng bố nguy hiểm này.
Liên Hợp quốc cũng lo lắng…
Trong một diễn biến khác, hơn 200 chuyên gia an ninh cùng khoảng 30 Bộ trưởng, Thứ trưởng Nội vụ và Ngoại giao đến từ 70 quốc gia trên thế giới hôm qua (27/7) có mặt tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha tham dự các cuộc thảo luận kéo dài 2 ngày do LHQ bảo trợ, bàn cách thức ngăn chặn các phần tử cực đoan rời khỏi đất nước nhằm gia nhập các nhóm thánh chiến có vũ trang tại nước ngoài.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết, theo kế hoạch, nước này sẽ chủ trì một cuộc họp của Ủy ban Chống khủng bố của LHQ trong hôm nay (28/7), một ngày sau khi diễn ra các cuộc thảo luận có sự tham gia của giới chuyên gia quốc tế.
Với vai trò là ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ trong năm nay, Tây Ban Nha đã phát động chiến dịch truy quét các phần tử thánh chiến trong nước đang tìm cách gia nhập tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Syria và Iraq. Nước này sẽ tổ chức các cuộc thảo luận bàn về cách thức ngăn chặn các phần tử thánh chiến Hồi giáo mang tư tưởng cực đoan có ý định vượt biên để trở thành những chiến binh khủng bố nước ngoài (FTF), cũng như cách thức truy tố và dẫn độ những đối tượng này về nước.
Theo tuyên bố của LHQ, các cuộc thảo luận nói trên nhằm xây dựng những chiến lược và phương pháp để hướng dẫn các quốc gia thành viên giải quyết hiệu quả mối đe dọa FTF trong bối cảnh những đối tượng này đang trở thành một trong những mối lo ngại lớn nhất đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế.
Giám đốc điều hành Ủy ban Chống khủng bố của LHQ Jean-Paul Laborde cho rằng các quốc gia cần phải hợp tác chống khủng bố một cách nhanh chóng và linh hoạt khi mà hiện có tới 25.000-31.000 đối tượng mang tư tưởng cực đoan, gồm hàng trăm công dân châu Âu như Anh, Pháp, Đức..., có ý định tới Iraq và Syria để gia nhập hàng ngũ IS.
Bên cạnh đó, ông Laborde cũng nhấn mạnh lãnh đạo các nước cần tìm hiểu lý do vì sao tầng lớp thanh niên muốn gia nhập IS, để từ đó giải quyết được triệt để vấn đề này. Hồi tháng 9 năm ngoái, Hội đồng Bảo an LHQ đã ban hành một nghị quyết, trong đó kêu gọi các quốc gia thành viên nêu sáng kiến ngăn chặn dòng người tham chiến tại nước ngoài do lo ngại họ có thể trở về nước và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ngay trên chính quê hương của mình.
Anh: Bác bỏ khả năng oanh kích IS tại Libya
Bộ Ngoại giao Anh đã lên tiếng bác bỏ khả năng tiến hành các vụ oanh kích nhằm vào những mục tiêu của tổ chức khủng bố IS tại Libya để đáp trả vụ tấn công khủng bố tại một bãi biển ở Tunisia hồi tháng trước làm 30 du khách Anh thiệt mạng. Những kẻ đứng sau vụ tấn công này được cho là từng được huấn luyện tại Libya.
Truyền thông Anh cho biết, Thủ tướng Anh David Cameron đã chỉ thị các cơ quan chính phủ soạn thảo các kế hoạch dự phòng cho Libya trước khi ông tiến hành chuyến công du Đông Nam Á từ ngày 27/7. Theo Thủ tướng Cameron, nếu người Libya có thể lập ra một chính phủ đáng tin cậy, Anh nên có sẵn các kế hoạch để giúp đỡ quốc gia Bắc Phi này.
Ông Cameron đã yêu cầu các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Phát triển Quốc tế và Nội vụ xem xét các cách thức giúp đỡ Libya, trong đó có nhiều khả năng đang được cân nhắc như hỗ trợ cải thiện an ninh biên giới, huấn luyện cảnh sát..., nhưng không có kế hoạch oanh kích những mục tiêu của IS tại Libya.
Một Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết: “Ủng hộ các diễn biến hướng tới một lệnh ngừng bắn do LHQ làm trung gian và một giải pháp chính trị ổn định ở Libya là ưu tiên trước mắt của chúng tôi. Anh không có kế hoạch oanh kích trên bầu trời Libya”.
Cũng theo Người phát ngôn này, Anh đang làm việc chặt chẽ với các đối tác khu vực và quốc tế để hỗ trợ Libya ứng phó các nhóm khủng bố và thảo luận cách thức sử dụng các nghị quyết LHQ hiện hành để trừng phạt các nhóm khủng bố tại Libya, bao gồm cả các nhóm có liên hệ với IS.