Na Rì, Bắc Kạn: Chính sách tín dụng góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Na Rì là một trong những huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn, đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, nhiều chính sách hướng vào mục tiêu xóa, giảm nghèo được tỉnh Bắc Kạn triển khai và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong đó, nguồn tín dụng chính sách xã hội là một trong “đòn bẩy” giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.

Cùng với chương trình mục tiêu giảm nghèo, vùng dân tộc miền núi luôn được ưu tiên đầu tư về cả nguồn lực và chính sách. Chương trình được ban hành hướng tới nhóm đối tượng ở địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, hướng tới bảo đảm đời sống an sinh xã hội của đồng bào dân tộc, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế gắn với phát triển, bảo vệ rừng, cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân. Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với cơ sở hạ tầng thiết yếu, nâng cao trình độ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, chính sách về mua Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội; chính sách về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người đồng bào DTTS...Bảo tồn phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hỗ trợ nhóm dân tộc ít người các hoạt động truyền thông nâng cao năng lực...

Người đồng bào DTTS huyện Nà Rì.

Người đồng bào DTTS huyện Nà Rì.

Việc triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi đang được các ngành, các cấp cho đến các địa phương triển khai tích cực. Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số vốn chuyển hoàn toàn về cho địa phương, đã phân cấp, giao quyền cho địa phương để phát huy tính chủ động sáng tạo.

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi phỏng vấn ông Nông Quang Kế, phó chủ tịch UBND huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Thưa ông, Được biết huyện Na Rì , tỉnh Bắc Kạn là địa phương có nhiều đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống, vậy chính sách đầu tư cho Y tế cấp xã đạt chuẩn, để giảm thiểu công tác khám chữa bệnh cho người dân ở những bệnh viện tuyến trên đến nay huyện đã triển khai như thế nào? Vấn đề mua BHXH – BHYT cho người nghèo, hộ dân tộc thiểu số huyện đã thực hiện ra sao?

Ông Nông Quang Kế : ​Trong những năm gần đây, việc đầu tư cho y tế cơ sở là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế cũng như của địa phương, các trạm y tế được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, đã triển khai quản lý một số bệnh không lây nhiễm như: tâm thần phân liệt, động kinh và quản lý người bệnh tăng huyết áp. Hiện nay có 17/17 trạm y tế đạt Bộ tiêu chí QG về y tế xã, tỷ lệ lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn xã đạt >97%, 17/17 TYT thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm. 16/17 TYT thực hiện khám chữa bệnh BHYT cho người dân (trừ TYT thị trấn Yến Lạc, vì có TTYT đóng trên địa bàn), Các TYT thực hiện khám, chữa bệnh được cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu và khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế.

Lãnh đạo huyện Na Rì thăm và làm việc với người dân về dự án phát triển loại cây hồng không hạt trên địa bàn (Ảnh Lê Hanh )

Lãnh đạo huyện Na Rì thăm và làm việc với người dân về dự án phát triển loại cây hồng không hạt trên địa bàn (Ảnh Lê Hanh )

​Khó khăn: Các trạm y tế cũng đang đối diện với nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị y tế (thiếu một số trang thiết bị như máy điện tim, siêu âm, test xét nghiệm...) Nhân lực được đào tạo các chứng chỉ, chứng nhận để thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng còn hạn chế. Nói chung mạng lưới cơ sở y tế phát triển chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân như hiện nay

Chính sách đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là chính sách hỗ trợ học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú, bán trú tại huyện Na Rì đến nay đã đạt những thành tựu gì ?

​Ông Nông Quang Kế : Huyện Na Rì tỉnh Bắc Kạn là huyện có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nên huyện luôn xác định đầu tư cho giáo dục là hướng ưu tiên hàng đầu. Huyện luôn chú trọng thực hiện hiệu quả các mô hình trường dân tộc nội trú, bán trú. Hiện tại huyện Na Rì có 01 trường PTDT Nội trú, 05 trường PTDTBT và 02 trường có học sinh sinh bán trú ở tại trường. Qua nhiều năm thực hiện mô hình trường PTDTBT, đã tiếp thêm động lực cho học sinh các xã đặc biệt khó khăn khu vực vùng sâu, vùng xa có điều kiện tốt hơn để học tập. Tỷ lệ học sinh chuyên cần, chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường học bán trú, đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo quy định tại Nghị định 116, về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã đặc biệt khó khăn, do Chính phủ ban hành năm 2016, học sinh tiểu học, học sinh THCS có nhà ở cách trường lần lượt là 4km và 7km, hoặc nơi có địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn, đều thuộc diện được thu hưởng chính sách dành cho học sinh bán trú. Năm học 2023-2024, huyện có 1.253 học sinh được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trong đó cấp cấp Tiểu học 716 em, cấp THCS 537 em.

Từ các thôn xã xuống trường trung tâm để học tập, mái trường giờ đây đã trở thành ngôi nhà chung, còn các thầy cô giáo chính là những người cha, người mẹ thứ 2 của các em học sinh nội trú, bán trú. Thời gian học tập sinh hoạt có nền nếp, nên tỷ lệ học sinh chuyên cần của các trường PTDTBT luôn đạt từ 95% trở lên.

Các thầy cô giáo có thêm nhiều thời gian, để truyền thụ kiến thức, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và nếp sống tự lập cho học sinh của trường. Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng triển khai nhiều giải pháp cụ thể, nhằm quản lý và thực hiện tốt mô hình trường, PTDT nội trú, PTDTBT, đặc biệt là thực hiện đúng, đủ chính sách của nhà nước dành cho học sinh.

Làng nghề miến dong ở xã Côn Minh, huyện Na Rì. (Ảnh : Lê Hanh)

Làng nghề miến dong ở xã Côn Minh, huyện Na Rì. (Ảnh : Lê Hanh)

Sau gần 2 năm triển khai, chính sách tín dụng theo Nghị định 28 của Chính Phủ đã tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn phát triển nhiều loại hình kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo để xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân. Vậy đến nay, chính quyền huyện Na Rì đã thực hiện ra sao thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Kế : Sau khi Chính phủ phê duyệt Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030. Giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Đối với huyện Na Rì chúng tôi đã có thêm một giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số tại địa phương. Để thực hiện tốt nội dung chính sách này chúng tôi đã: Chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp với các cơ quan đơn vị truyền thông tại địa phương, chính quyền các xã tổ chức tuyên truyền chi tiết các nội dung chính sách tới toàn bộ các thôn, bản trên địa bàn huyện.

Thời gian qua, nhiều chính sách hướng vào mục tiêu xóa, giảm nghèo được tỉnh Bắc Kạn triển khai và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. (Ảnh Lê Hanh )

Thời gian qua, nhiều chính sách hướng vào mục tiêu xóa, giảm nghèo được tỉnh Bắc Kạn triển khai và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. (Ảnh Lê Hanh )

Tổ chức tập huấn cho cán bộ ban giảm nghèo… các xã, thị trấn quy trình rà soát, tổng hợp đối tượng phù hợp với điều kiện thụ hưởng chính sách để trình về UBND huyện phê duyệt. Chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện tổ chức hướng dẫn, tập huấn khoa học kỹ thuật, cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân để đăng ký tham gia vào các dự án vùng trồng dược liệu quý, khuyến khích tham gia các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Trên cơ sở các đối tượng thụ hưởng chính sách được phê duyệt, yêu cầu Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện bố trí vốn, tổ chức giải ngân để người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách nhanh nhất.

Với các giải pháp đó kết quả sau 02 năm thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, huyện Na Rì đã tổ chức triển khai cho vay được 293 hộ với số tiền 14.190 triệu đồng; trong đó: Cho vay để hộ nghèo dân tộc thiểu số tạo đất sản xuất được 77 hộ với số tiền 5.666 triệu đồng; Cho vay để xóa nhà dột nát cho hộ nghèo được 216 hộ với số tiền 8.524 triệu đồng

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm