Kế hoạch tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ chính, trong đó đáng chú ý về công tác chuyên môn, nghiệp vụ: tập trung chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương tổ chức thi hành xong đạt và vượt chỉ tiêu được giao; Chỉ đạo thực hiện đúng trình tự, thủ tục THADS, cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS; bảo đảm các cơ quan THADS ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật; xác minh, phân loại án bảo đảm chính xác, đúng pháp luật; đăng tải kịp thời, đầy đủ danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, còn có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan THADS tập trung thi hành các vụ việc thu, nộp ngân sách nhà nước, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng; Tập trung chỉ đạo thi hành án các vụ việc có liên quan đến tín dụng, ngân hàng; Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan THADS; Rà soát, tổng hợp, báo cáo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc bán đấu giá; hướng dẫn, chỉ đạo công tác thẩm định giá trong THADS.
ĐỒng thời, tổ chức giao ban trực tuyến chấn chỉnh những sai sót, vi phạm trong quá trình thẩm định giá, đấu giá tài sản kê biên và giao tài sản trúng đấu giá. Thành lập Tổ công tác kiểm tra, đánh giá các vụ việc bán đấu giá nhiều lần nhưng không bán được; Chỉ đạo giải quyết các vụ án trọng điểm, phức tạp liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương; Nghiên cứu, đề xuất biện pháp rút ngắn thời gian thi hành án trong từng khâu, từng bước của quá trình thi hành án. Đề xuất lộ trình rút ngắn thời gian thi hành án theo tiêu chí đánh giá cải thiện môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
Bên cạnh đó, phối hợp, chỉ đạo việc rà soát, tổng hợp, xử lý đối với khoản tiền THADS do đương sự là phạm nhân nộp tại các trại giam, trại tạm giam; Chỉ đạo rà soát, tổng hợp, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong THADS. Tăng cường kiểm tra công tác xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong THADS, quản lý kho vật chứng; Theo dõi, tổng hợp, báo cáo, xây dựng văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan THADS địa phương thực hiện các kháng nghị, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền; Xây dựng, ban hành Kế hoạch bồi thường nhà nước trong lĩnh vực THADS. Thực hiện công tác bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính theo quy định của pháp luật; Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo về công tác THADS, hành chính.
Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Tư pháp nêu rõ: Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân và Kế hoạch tiếp công dân của Bộ Tư pháp; Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền bảo đảm đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Tham mưu, chỉ đạo giải quyết các vụ việc Lãnh đạo Bộ tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về THADS; Chỉ đạo giải quyết các vụ việc trọng điểm, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; Đăng tải công khai Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 trên Cổng, Trang thông tin điện tử THADS; Tổ chức giao ban trực tuyến rút kinh nghiệm những sai sót, vi phạm thường gặp được phát hiện qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính, bên cạnh việc hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành án hành chính, còn đề xuất phương án giải quyết các vụ việc người phải thi hành án là UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Các nhiệm vụ quan trọng khác được xác định trong kế hoạch gồm: hoàn thiện thể chế THADS, hành chính; về công tác tổ chức, cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ: về công tác thống kê, quản lý dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS; về công tác kế hoạch, tài chính; công tác phòng chống tham nhũng; cải cách hành chính.