Đầu tháng 3 này, Ford Việt Nam sẽ “tung” ra thị trường phiên bản mới của dòng xe EcoSport. Đây là hành động thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của Ford ở Việt Nam dù Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô vừa có hiệu lực đầu năm 2018.
“Rào cản” với xe nhập khẩu
Thưa ông, Ford EcoSport hiện vẫn đang dẫn đầu ở phân khúc SUV, vậy ông kỳ vọng gì ở phiên bản mới của dòng xe này?
- Ford EcoSport đang dẫn đầu phân khúc với hơn 70% thị phần, do đó, chúng tôi hy vọng phiên bản mới này sẽ tiếp tục dẫn đầu phân khúc SUV loại nhỏ ở thị trường Việt Nam. Trước đây, phiên bản cũ, có những thời điểm chúng tôi bán được khoảng 500-600 xe/tháng. Nếu nhu cầu của khách hàng Việt Nam tăng cao hơn, Ford Việt Nam vẫn đảm bảo sẽ cung cấp đủ nguồn hàng vì công suất thiết kế của nhà máy ở Hải Dương hiện nay là 14.000 xe/năm và công suất có thể mở rộng hơn nữa vì chúng tôi mới chỉ đang sản xuất một ca.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn không yên tâm lắm đối với các dòng xe được Ford sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương, thưa ông?
- Với hệ thống kiểm tra chất lượng chặt chẽ và thống nhất trên toàn cầu, Ford Việt Nam khẳng định chất lượng xe của Nhà máy Hải Dương có chất lượng tương đồng với tất cả các nhà máy khác trên toàn cầu. Thị trường Việt Nam được đánh giá là thị trường trọng yếu đối với dòng xe này nên chúng tôi sẽ ghi nhận tất cả những phản hồi của người Việt để ngày càng đáp ứng được sát hơn yêu cầu của thị trường.
Ông đánh giá thế nào về thị trường ô tô trong năm 2018?
- Trước hết, phải nói qua về thị trường năm 2017. Năm qua, toàn thị trường có sự suy giảm về sản lượng, giảm 10% so với 2016. Điều này phản ánh thực tế người tiêu dùng chờ đợi và hy vọng mong muốn sẽ có giá tốt hơn năm 2018. Tôi cho rằng, thị trường sẽ khởi sắc trong năm 2018, không khí mua bán trước Tết Nguyên đán đã thể hiện được điều này.
Tuy nhiên, năm nay có nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến Nghị định 116, do đó, việc nhập khẩu xe từ các nước khác về Việt Nam sẽ có ảnh hưởng nhất định. Dự báo tổng sản lượng của ngành trong năm 2018 sẽ không có tăng trưởng nhiều so với năm 2017, kết quả kinh doanh của các hãng ô tô sẽ tùy thuộc vào khả năng thích nghi với Nghị định 116 của từng hãng xe.
Tìm kiếm thêm cơ hội tại thị trường Việt
Vậy, Ford sẽ thích nghi với Nghị định 116 như thế nào?
- Ford hiện có 92 xe đang nằm ở cảng Mỹ, do đúng thời điểm chuẩn bị xuất hàng đi thì vướng phải Nghị định nói trên. Ford Việt Nam buộc phải thông báo về Mỹ và dừng mọi hoạt động liên quan đến xuất lô xe này đi. Hiện Ford cũng đã dừng mọi hoạt động liên quan đến thị trường Việt Nam tại nhà máy ở Mỹ và nhà máy Đông Nam Á.
Trước mắt, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu các bước tiếp theo trong việc thực hiện Thông tư 03 (thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 116) nhưng theo đánh giá ban đầu, những yêu cầu chính của Nghị định 116 vẫn thể hiện trong Thông tư 03 nên gặp nhiều vướng mắc như “Giấy chứng nhận xuất xưởng” được cấp bởi nước xuất khẩu và yêu cầu kiểm tra theo lô đối với tất cả các lô nhập khẩu dù vẫn cùng một chủng loại và kiểu dáng xe.
Liệu Ford Việt Nam có thay đổi chiến lược ở thị trường Việt Nam khi gặp phải vướng mắc này?
- Ford Việt Nam sẽ không thay đổi về mặt chiến lược, 4/7 dòng xe mà Ford cung cấp trên thị trường vẫn được lắp ráp sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương. Trong năm 2018, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục theo kế hoạch cũ; ngoài ra, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm cơ hội mang đến nhiều sản phẩm hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Việt Nam.
Năm 2018, các dòng xe lắp ráp ở Việt Nam sẽ thuận lợi hơn do được giảm thuế suất về linh kiện. Vậy theo ông, giá xe trong năm 2018 sẽ diễn biến như thế nào?
- Giá xe sẽ được quyết định bởi nhiều yếu tố trong đó có yếu tố cung - cầu, giá linh kiện, phụ kiện, tỷ giá và điều kiện kinh tế vĩ mô. Căn cứ vào đó, mỗi hãng sẽ đưa ra giá cả phù hợp. Ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2018, Ford đã công bố giá mới, và thực hiện ngay với những dòng xe du lịch hạng nhỏ lắp ráp trong nước như Focus, Fiesta, EcoSport lắp ráp trong nước. Cụ thể, Ford đã chuyển phần thuế tiêu thụ đặc biệt được giảm vào giá xe.
Còn về thuế nhập khẩu linh kiện, do trong Nghị định 125 (Nghị định quy định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi năm 2018-2020) có đưa ra điều kiện về sản lượng. Ví như, với dòng xe dưới 9 chỗ phải đạt 16.000 xe/năm mới được giảm thuế suất nhập khẩu linh kiện. Ford vẫn đang nỗ lực để có sản lượng đáp ứng được yêu cầu này.
Tỉ lệ nội địa hóa được xem như một yếu tố để hưởng những ưu đãi về thuế. Hiện nay, Ford đã tận dụng được những ưu đãi này như thế nào?
- Ford vẫn đang từng bước nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, vẫn đang tìm kiếm các nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn toàn cầu bằng cách hỗ trợ tối đa về mặt kỹ thuật và vốn để đưa các nhà cung cấp này đạt tiêu chuẩn toàn cầu của Ford. Khi đạt tiêu chuẩn toàn cầu của Ford thì các nhà cung cấp này không chỉ cung cấp cho nhà máy ở Hải Dương mà còn có thể cung cấp ra các thị trường quốc tế của Ford. Hiện, Ford đã có 6 nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thích ứng được với Nghị định 116?
“Năm nay, có nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến Nghị định 116, do đó, việc nhập khẩu xe từ nước khác về Việt Nam sẽ có ảnh hưởng nhất định. Dự báo tổng sản lượng của ngành trong năm 2018 sẽ không có tăng trưởng nhiều so với năm 2017. Kết quả kinh doanh của các hãng ô tô sẽ tùy thuộc vào khả năng thích nghi với Nghị định 116 của từng hãng xe”, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam.