Dự báo năm 2019 các cơ quan THADS tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ông Khôi yêu cầu toàn Hệ thống THADS phải triển khai toàn diện các mặt công tác và thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Lượng việc và tiền tiếp tục tăng
Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi nhận định, bước sang năm 2019, công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức khi số thụ lý mới trên toàn quốc dự báo sẽ tiếp tục tăng cả về việc và về tiền, quy mô các vụ việc ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp. Do THADS là khâu cuối cùng nên phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của các giai đoạn tố tụng trước đó. Việc tự giác chấp hành pháp luật, tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án còn chưa cao, nhiều trường hợp còn trốn tránh, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
“Điều kiện thi hành án trong nhiều vụ án, đặc biệt là việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do tài sản bảo đảm, tài sản bị kê biên, phong tỏa có giá trị thấp hơn nhiều so với số tiền phải thi hành. Các cơ quan THADS còn gặp nhiều vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng Luật THADS và các văn bản pháp luật khác như Luật phá sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai..., vướng mắc trong quá trình thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu liên quan đến công tác THADS”, ông Khôi cho biết thêm.
Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác THADS, khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2018, thực hiện phương châm của Chính phủ "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", ông Khôi yêu cầu ngay từ đầu năm công tác 2019, Hệ thống THADS cần triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác thi hành án. Trong đó tiếp tục tục tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội khóa 13, Nghị quyết số 01/NC-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đồng thời quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc; tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị. Tập trung tham mưu giúp Chính phủ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong theo dõi thi hành án hành chính; đề xuất các biện pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành án.
Các cơ quan THADS cần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là từ cấp cơ sở. Công tác kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cùng các giải pháp về tổ chức cán bộ để xây dựng các cơ quan THADS cần được tăng cường, từ đó góp phần xây dựng đội ngũ Chấp hành viên, công chức thi hành án đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS.
Tập trung đầu tư xây dựng trụ sở, kho vật chứng
Thời gian tới, công việc của Hệ thống THADS ngày càng tăng, số thụ lý năm sau cao hơn năm trước; số việc bình quân mỗi Chấp hành viên phải giải quyết là rất lớn, tính chất, quy mô các vụ việc ngày càng phức tạp. Ngoài ra, hàng năm còn khoảng hơn 200 nghìn việc với gần 86 nghìn tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi, đôn đốc, xác minh theo định kỳ tạo ra áp lực rất lớn cho hoạt động THADS.
“Hệ thống THADS mong nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và HĐND, UBND các tỉnh xem xét có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý để tạo điều kiện, kịp thời động viên đối với Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS. Đặc biệt, tiếp tục quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho công tác THADS; chỉ đạo ưu tiên phân bổ ngân sách xây dựng kho vật chứng đối với các đơn vị chưa được đầu tư (hiện còn 504 đơn vị chưa có kho vật chứng), tập trung đầu tư xây dựng trụ sở cho các cơ quan THADS chưa có hoặc trụ sở đã xuống cấp, phải thực hiện di dời”, ông Khôi bày tỏ.
Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật THADS và các lĩnh vực liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Cụ thể, cần sửa đổi Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật THADS; phê duyệt “Đề án giải quyết việc THADS chưa có điều kiện thi hành đã tồn đọng nhiều năm”; chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 liên quan đến công tác THADS; nghiên cứu sơ kết việc tổ chức thi hành Luật THADS.
Ngoài ra, Lãnh đạo Tổng cục THADS kiến nghị các Bộ, ngành, UBND các cấp tăng cường hơn nữa trong phối hợp chỉ đạo các cơ quan THADS triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trên địa bàn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong tổ chức thi hành án, nhất là trong quá trình tổ chức cưỡng chế thi hành án; trong thi hành các bản án hành chính; trong thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và trong kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan THADS trên địa bàn; phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp trốn tránh, cố ý không chấp hành án.