Năm 2019, Chính phủ sẽ kiểm soát CPI từ 3,3-3,9%

(PLVN) - Ngày 28/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã chủ trì phiên họp đánh giá kết quả điều hành giá quý I/2019 và cập nhật tình hình, đề xuất các giải pháp điều hành trong những tháng còn lại của năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, CPI trong quý I/2019 diễn biến đúng quy luật khi tăng nhẹ trong tháng 1 (0,1% so với tháng trước), tăng cao trong tháng 2 (0,8%) và giảm trong tháng 3 (ước giảm 0,21%). CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2019 ước tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018, là mức thấp nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây (quý I/2017 là 4,96%, quý II/2018 là 2,82%). Trong đó, lạm phát cơ bản tháng 3 giảm 0,06% so với tháng trước, bình quân quý I tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng nhẹ.

Ngày 20/3 vừa qua, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 8,36% (tương ứng với mức tăng 144 đồng/kwh) sau thời gian dài bị giữ giá, nhưng chỉ tác động tới 0,33% mức tăng CPI của tháng 3, là mức tác động thấp. Đối với Quỹ bình ổn xăng dầu, liên Bộ Tài chính và Công Thương đã thực hiện “xả” Quỹ để bù vào đà tăng của giá xăng dầu theo tín hiệu tăng của thế giới.

Trong kỳ điều hành gần đây nhất vào ngày 18/3, Quỹ đã xả 2.801 đồng/lít với xăng E5RON92, 2.061 đồng/lít với xăng RON95 và 1.343 đồng/lít với dầu DO nhằm giữ nguyên giá xăng dầu, tạo dư địa cho tăng giá điện sau đó 2 ngày để giảm tác động của việc tăng giá điện lên CPI.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc kiểm soát lạm phát năm 2019 hoàn toàn có thể ở mức từ 3,3-3,9%, vượt yêu cầu của Quốc hội khi mà các bộ, ngành, minh bạch, chủ động phối hợp và cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội. 

Liên quan đến dịch tả lợn châu Phi, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn song song với việc ngăn chặn hiệu quả dịch thì cần có biện pháp tái đàn để bảo đảm nguồn cung khi bệnh dịch được kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước có hình thức hỗ trợ tín dụng với các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng.

Về tình hình xăng dầu, yêu cầu Bộ Công Thương cần chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành trong nước, kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để bình ổn giá trong thời điểm giá thế giới có biến động bất thường, không ảnh hưởng tới kỳ vọng về lạm phát; tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch chi phí đầu vào của giá điện, kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.

Cùng với đó, Bộ Y tế cần đẩy mạnh rà soát, thu gọn danh mục dịch vụ, trên cơ sở đó đổi mới định mức kinh tế kỹ thuật, bảo đảm việc hoạt động ổn định của cơ sở y tế, tiết kiệm chi phí cho người bệnh và ngân sách nhà nước; cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai và mở rộng danh sách đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh đấu thầu và đàm phán giá thuốc để hạ giá và cung ứng thuốc có chất lượng. 

Đọc thêm