Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển bền vững.
Trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách dân tộc miền núi không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với định hướng phát triển chung, nhất là hỗ trợ giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng: Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng phát triển (98,4% xã có đường đến trung tâm, 98% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia); tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cuối năm 2017, ở các huyện nghèo còn dưới 40%, ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm.
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của đồng bào, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (100% xã có trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế)…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. Hệ thống chính sách còn dàn trải, chồng chéo; nguồn lực thực hiện còn khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; chưa khuyến khích được đồng bào tự vươn lên thoát nghèo.
Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân trong khu vực; tỉ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều khó khăn. Khoảng 21% người trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, để khắc phục tồn tại, hạn chế, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đưa vào chương trình công tác năm 2019 xây dựng đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo hướng tích hợp các chính sách, giải pháp nhằm phát triển nhanh, bền vững hơn vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2018. Phân tích đúng thực trạng đời sống, thu nhập, sinh kế và mức độ tiếp cận văn hóa, giáo dục, y tế của đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp nhiều ý tưởng, gợi mở những định hướng cho việc xây dựng hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn tới mang tính tổng thể, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.